Người làm báo cần có bản lĩnh trong kỷ nguyên số
Trong khuôn khổ của Hội Báo toàn quốc 2017, chiều 17/3, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức diễn đàn “Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số”.
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: VGP/Nhật Thy |
Theo nhà báo Phan Hữu Minh, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, cùng với Luật Báo chí, đạo đức có vai trò to lớn trong hoạt động báo chí, tác nghiệp của từng nhà báo, từng hội viên Hội Nhà báo. Bởi lẽ bắt tay vào hoạt động tác nghiệp, hàng trăm thứ cám dỗ: “Câu” lượt xem bằng đặt tít để trục lợi; ăn cắp bản quyền qua mạng; bất chấp tổn hại đưa thông tin nhằm có lợi cho nhóm hoặc cá nhân; xa rời mục đích tôn chỉ; không quan tâm đến chữ tâm, đến thuần phong mỹ tục, lợi ích của cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, cần phải thống nhất nhận thức để cùng thực hiện, tránh vi phạm đạo đức người làm báo.
Bàn về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Uyển, nguyên Trưởng Ban Công tác Hội, Hội Nhà báo Việt Nam, nhận định kỷ nguyên số đã thổi sinh khí mới giúp cho thông tin bùng nổ. Công nghệ thông tin giúp chúng ta xử lý thông tin nhanh hơn (viết trên máy tính), chính xác hơn (ghi âm, chụp hình), truyền thông tin nhanh hơn (qua internet), đo chất lượng và giá trị thông tin cũng nhanh và rõ hơn (qua phản hồi của bạn đọc). Kỷ nguyên số đòi hỏi những người làm báo phải nhanh chóng thay đổi phương cách tác nghiệp để thích ứng, theo kịp sự biến đổi và phát triển của công nghệ thông tin thời hội nhập.
Theo nhà báo Nguyễn Uyển, nhờ kỷ nguyên số người ta có thể ngồi một chỗ kết nối thông tin để tham khảo, khai thác. Tuy nhiên tiếp nhận thông tin nhanh từ mạng nhiều khi không rõ nguồn, chưa kiểm chứng, chưa rõ bản chất thật của sự vụ, sự việc. Nếu thông tin nhận được không chính xác thì thiệt hại gây ra trong kỷ nguyên số là vô cùng lớn và rất khó khăn, mất nhiều thời gian cho việc sửa sai, đính chính…
Cần bản lĩnh của mỗi nhà báo
Nhà báo Nguyễn Uyển nhấn mạnh, bất kể ở đâu, khi nào, báo chí và nhà báo cũng phải hoạt động theo luật pháp. Nhà báo phải chịu trách nhiệm trước toàn bộ công chúng về những thông tin mình đưa ra. Do đó, tính trung thực, tính nguyên tắc, lòng dũng cảm và đức khiêm tốn của người làm báo phải được đề cao, luôn vươn tới để phản ánh hiện thực xã hội và thế giới như vốn có chứ không phải như người ta mong muốn. Nhà báo Việt Nam phải có bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Cho nên nhất thiết người làm báo phải nghiêm chỉnh tuân thủ và thực hiện đúng, đủ nghiêm ngặt 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp hiện hành.
Đồng quan điểm với nhà báo Nguyễn Uyển, đại diện Hội Nhà báo TP. Hà Nội nhận định, trong thời đại hiện nay, khi mạng xã hội phát triển, nhà báo nói riêng và các cá nhân trên mạng xã hội nói chung là người đưa thông tin đều phải có đạo đức. Nếu không, chỉ một thông tin đưa ra thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, cộng đồng, thậm chí cho cả một đất nước.
Tin tức của báo chí có nội dung tốt, cập nhật các vấn đề thời sự được công chúng đón nhận một cách nhanh chóng. Tuy nhiên những tin tức, vụ việc đăng tải chưa được kiểm chứng rõ ràng, không đúng sự thật cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.
Thực tế cho thấy, có những thông tin, bài báo, phóng sự truyền hình chưa phản ánh đúng sự thật, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, doanh nghiệp, tập thể, khiến cho doanh nghiệp phá sản trước khi được minh oan. Cũng có những hành động vi phạm đời tư, xúc phạm nhân phẩm và danh dự của công dân, khiến cho một số người bị áp lực, bức bách về tinh thần.
Yếu tố cốt lõi là các cơ quan báo chí phải chủ động bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức cho phóng viên, biên tập viên, hình thành cơ chế tự điều chỉnh trong việc thực hiện các quy phạm đạo đức nghề báo. Các khâu từ sản xuất biên tập đến xuất bản tin tức tác phẩm báo chí phải được thực hiện và kiểm duyệt thật chặt chẽ.
Dù chúng ta càng ngày càng tiến sâu vào kỷ nguyên số, nhưng những người làm báo phải luôn hướng về giá trị truyền thông giá trị cốt lõi của báo chí, đó là định hướng xã hội, tính nhân văn, sự chia sẻ của nhà báo với đời sống xã hội. Đó chính là những hiệu quả lâu dài mang lại khi đạo đức báo chí, trách nhiệm xã hội của nhà báo luôn được coi trọng.
Xử lý nghiêm vi phạm đạo đức nhà báo
Nhà báo Hà Kim Chi, Phó Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, những năm gần đây, một bộ phận nhà báo, phóng viên hoặc cơ quan báo chí có xu hướng thương mại hóa tờ báo, lợi dụng vị thế của cơ quan báo chí để trục lợi, bất chấp đạo đức nghề nghiệp và luật pháp.
Nhận ra điều đó, Quốc hội khóa XIII đã kịp thời chỉnh sửa Luật Báo chí (ban hành năm 2016) cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Luật Báo chí 2016 cũng đã quy định cho Hội Nhà báo Việt Nam một số quyền, trong đó có việc bổ sung, sửa đổi và ban hành Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Ngày 15/12/2016, 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã được thông qua và thực hiện.
Vậy thực hiện như thế nào? Theo Phó Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, đầu tiên, các cơ quan báo chí, các cấp Hội, đặc biệt là cơ quan kiểm tra phải quán triệt sâu, tìm hiểu kỹ 10 quy định. Từ đó đề ra các hình thức để kiểm soát, ngăn chặn trước khi phát hành, phát sóng, đăng lên mạng những tác phẩm báo chí chưa chuẩn về góc độ đạo đức. Trong trường hợp xảy ra rồi, cần có thái độ cương quyết và dứt khoát xử lý sai phạm và khắc phục hậu quả.
Thứ hai, Hội Nhà báo Việt Nam vừa qua cũng đã nhận thấy nếu cứ để các tổ chức Hội, các cơ quan báo chí tự xử lý rồi báo cáo Trung ương Hội thì hiệu quả sẽ không cao. Cho nên đã có chủ trương thành lập hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam gồm 2 cấp Trung ương và cấp tỉnh. Hội đồng được thành lập chắc chắn sẽ giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này tốt hơn.
“Thứ ba trên cơ sở những quy định hiện hành như 10 quy định, điều lệ Hội Nhà báo, hoàn toàn có thể xử lý tốt, kịp thời, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi sự vi phạm của báo chí đối với luật pháp và quy định nghề nghiệp”, nhà báo Hà Kim Chi nói.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()