Người khơi nguồn "vàng trắng"
Sau hơn 30 năm vật lộn với con ngao, nhiều khi tưởng như trắng tay, nhưng với ý chí vươn lên làm giàu, anh Nguyễn Văn Cửu (Giao Xuân, Giao Thủy, Nam Ðịnh) đã chiến thắng. Không chỉ giúp gia đình anh có khối tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng mà còn đưa con ngao trở thành nguồn "vàng trắng" giúp người dân vùng chân sóng này làm giàu.
Sau hơn 30 năm vật lộn với con ngao, nhiều khi tưởng như trắng tay, nhưng với ý chí vươn lên làm giàu, anh Nguyễn Văn Cửu (Giao Xuân, Giao Thủy, Nam Ðịnh) đã chiến thắng. Không chỉ giúp gia đình anh có khối tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng mà còn đưa con ngao trở thành nguồn “vàng trắng” giúp người dân vùng chân sóng này làm giàu.
Nắm bắt thời cơ
Anh Nguyễn Văn Cửu (trong ảnh) nhớ lại: “Năm 1983 xuất ngũ trở về quê hương, vợ chồng tôi đã tìm đủ mọi nghề như làm thuê, thợ may, mua gom hải sản mang đi bán. Thấy con ngao được tiêu thụ mạnh ở Trung Quốc, tôi rất mừng, rủ mấy người bạn góp vốn mua gom ngao do người dân trong xã khai thác tự nhiên đem bán ở Trung Quốc và một số tỉnh, thành phố khu vực miền bắc. Sản phẩm ngao dần trở thành món ăn đặc sản, được người tiêu dùng ưa chuộng. Con ngao trở thành nguồn “vàng trắng” để người dân vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện, ở Giao Xuân có gần 700 hộ dân nuôi ngao với diện tích gần 350 ha; năng suất ổn định khoảng 50 tấn/ha/năm và giá trị thu nhập cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa. Thời điểm được giá, 1 kg ngao thương phẩm dao động từ 20 đến 30 nghìn đồng thì số tiền thu được từ nghề nuôi ngao ở Giao Xuân không nhỏ. Gia đình các ông Phạm Văn Thực, Phạm Văn Năm, Lê Văn Sản… có tiềm lực kinh tế nhận thầu từ năm ha đến hàng chục ha bãi bồi để nuôi thả ngao, hằng năm thu nhập tiền tỷ là chuyện thường.
Từ những mô hình nuôi ngao khá thành công ở Giao Xuân, huyện Giao Thủy đã xây dựng vùng nuôi ngao chung cho cả huyện rộng khoảng 1.500 ha, chiếm gần 30% diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) mặn lợ, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 3.000 lao động thường xuyên và hàng chục nghìn lao động thời vụ. Từ đầu năm đến nay, vùng nuôi ngao Giao Thủy thu hoạch hơn 32 nghìn tấn ngao thương phẩm, tăng gần mười nghìn tấn so cùng kỳ năm 2012. Dự kiến đến hết năm 2013, vùng ngao Giao Thủy cho thu hoạch hơn 50 nghìn tấn sản phẩm. Theo anh Cửu, năm nay tuy giá ngao thương phẩm giảm chỉ còn 11 nghìn đồng/kg (bán tại bãi) nhưng nghề nuôi ngao vẫn có lãi vì ngao ăn thức ăn tự nhiên, người nuôi chỉ phải bỏ tiền giống và công bảo vệ.
Khẳng định thương hiệu
Ðể xây dựng thương hiệu ngao Giao Thủy, anh Cửu đã thành lập doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung, lập trang thông tin điện tử. Năm 2005, doanh nghiệp Cửu Dung được UBND huyện Giao Thủy ủy quyền và hỗ trợ pháp lý. Hội Nuôi nhuyễn thể huyện Giao Thủy được thành lập với hơn 100 hộ thành viên nhằm tăng cường liên kết thực hiện đúng quy trình sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ gìn vệ sinh bãi nuôi thả… Các hộ nuôi ngao ở Giao Thủy còn được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng I (thuộc Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tư vấn kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất. Sau hơn ba năm, sản phẩm ngao Giao Thủy đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền, xuất xứ hàng hóa, có mặt trong hầu hết hệ thống các siêu thị, chợ trung tâm ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, chiếm hơn 40% sản lượng ngao thương phẩm của các tỉnh ven biển phía bắc. Hằng năm, ngao Giao Thủy còn xuất khẩu khoảng từ 4.000 đến 5.000 tấn ngao thương phẩm sang thị trường EU thông qua các nhà máy chế biến ngao ở một số tỉnh phía nam.
Cũng từ năm 2003, anh Nguyễn Văn Cửu đã tiến hành nghiên cứu, tổ chức việc sản xuất giống ngao. Liên tục trong bốn năm (2003-2007), vẫn chỉ là sản xuất thử nghiệm, thất bại nhiều hơn thành công, tính ra mỗi năm thua lỗ khoảng hai tỷ đồng. Qua tìm hiểu công nghệ sản xuất ngao giống, anh Cửu mời chuyên gia về Giao Xuân tư vấn. Lại thêm một lần “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” và thành công đã mỉm cười. Năm 2011, dù chỉ là sản xuất thử nghiệm, trại giống của doanh nghiệp Cửu Dung đã cung ứng hơn 10% nhu cầu ngao giống của các hộ nuôi ngao trong huyện. Hiện, anh Cửu đã xây dựng được cơ sở nuôi ngao chuyên nghiệp từ nguồn giống, ươm nuôi, khai thác, tiếp thị đến tiêu thụ. Với diện tích nuôi ngao 45 ha (bao gồm 20 ha ươm ngao giống, 25 ha nuôi ngao thương phẩm), cung ứng cho thị trường hàng nghìn tấn sản phẩm, vài ba tỷ con giống và thu về khoảng vài chục tỷ đồng mỗi năm; tạo việc làm cho hơn 40 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động theo mùa vụ. Từ đầu năm đến nay, gia đình anh thu hoạch khoảng 1.300 tấn ngao thương phẩm. Dẫn chúng tôi đi thăm khu sản xuất giống rộng khoảng 14.000 m2 với 72 bể, có công suất từ 15 triệu đến 20 triệu con giống/bể, anh Cửu giới thiệu: Vốn đầu tư xây dựng dây chuyền này gần ba tỷ đồng, bằng một phần mười so với dây chuyền sản xuất cùng loại nếu phải nhập khẩu. Ðến năm 2013, việc sản xuất ngao giống cơ bản thành công và đã sản xuất được hơn ba tỷ con giống, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu ngao giống cho vùng nuôi Giao Thủy.
Hiện ở hai huyện Giao Thủy, Hải Hậu có 42 trại sản xuất. Năm 2013, 42 trại này sản xuất được hơn mười tỷ con giống, trong khi nhu cầu nuôi trong tỉnh cần khoảng sáu tỷ con. Lượng giống còn lại được bán cho ngư dân các tỉnh ven biển trong khu vực. Anh Nguyễn Văn Cửu tự tin cho biết thêm: Tới đây tôi sẽ tập trung sưu tầm, phục tráng và nhân rộng giống ngao bản địa. Bởi đây là giống ngao có tính thích nghi cao, sống khỏe, ít bị dịch bệnh; sản phẩm mang nhiều hương vị đặc trưng của vùng bãi bồi Giao Thủy để nâng cao giá trị thương hiệu ngao Giao Thủy. Khi đó, người dân sẽ có thêm cơ hội khai thác nguồn “vàng trắng” trên vùng bãi bồi quê mình để làm giàu chính đáng.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()