Thứ 4, 05/02/2025 12:49 [(GMT +7)]
Người Khơ mú học chữ Khó những vẫn phải đi
Thứ 5, 29/07/2010 | 16:34:00 [(GMT +7)] A A
“Em muốn ra ngoài làm việc, chứ cứ theo bố mẹ lên nương rẫy, thì vẫn nghèo thôi”, Lò Văn Dương – một trong hai người Khơ Mú học cao nhất bản Đoàn Kết (xã Tén Tằn, Mường Lát, Thanh Hoá) bày tỏ. Có thể đó chỉ là suy nghĩ nhất thời của cậu bé mới lớn vừa bắt dầu biết đến thế giới phía ngoài thôn bản.
Nhưng không phải ai cũng có may mắn đi học, như Dương. Ở hai bản người Khơ Mú hiếm hoi của Mường Lát, con đường đến với chữ nghĩa vẫn còn gập ghềnh, như đường vào bản vậy.
Ô-tô đến tận nơi mời đi học
Người dân Khơ Mú ở Mường Lát, từ bao đời này chỉ quanh quẩn với nương rẫy. Con trai, con gái lớn lên, 15, 16 tuổi đã tay dựng vợ gả chồng, thành một nếp nghĩ quen thuộc. Chữ nghĩa ở đây, đã từng là một điều xa xỉ. Cách đây vài năm, cả hai bản Đoàn Kết (xã Tén Tằn) và bản Lách (xã Mường Chanh) chỉ có vài người Khơ Mú được đi học. Mà đi học xa, lặn lội ra xã khác, bản khác. Con chữ học được đã nhọc nhằn, rồi thì cũng rơi rụng hết.
Nhưng ba năm trở lại đây, người Khơ Mú đi học đông hẳn. Xã huyện hỗ trợ, lại còn được cấp học bổng, thầy cô giáo cũng động viên nhiều, trẻ em cả hai bản đều được đi học. Trường học xây ngay trong bản, giáo viên cũng đã về. Năm 2008, Mường Lát đã có giáo viên Khơ Mú đầu tiên, thầy Cút Văn Sao. Bây giờ thầy Sao là giáo viên của Trường tiểu học Tây Tiến xã Mường Lý. Chuyện đi học của Sao cả huyện biết. Hồi Sao học sư phạm ở ĐH Hồng Đức, đã từng có lúc định bỏ. Khăn gói về nhà, cất sách vở rồi. Nhưng huyện lại cử người đến tận nơi, mang cả xe ô-tô đến đón. Sao chịu quay lại trường, tốt nghiệp và thành giáo viên Khơ Mú duy nhất của Mường Lát. Đợt này, Sao đang tham gia một lớp học nâng cao, chuẩn bị chuyển về trường gần nhà ở Mường Chanh. Bản Lách ngoài Sao còn có mấy người cũng đã học hết THPT, rồi học cả cao đẳng, đại học. Cũng có người thi không đỗ, đành phải trở về. Hay có người như Cút Thị Lách, cô gái Khơ Mú duy nhất vẫn đang bám trụ ở khoa Toán Tin ĐH Hồng Đức. Trong khi đó, ở bản Đoàn Kết, Lò Văn Tường, người có trình độ nhất bản, đã hoàn thành bậc cao đẳng ngành Toán Tin ĐH Hồng Đức. Cả Đoàn Kết cũng đã có ba người đã học xong THPT.
Lấy học bổng rồi… bỏ về
Người Khơ Mú đi học đã nhiều, nhưng người bỏ học cũng không ít. Phó chủ tịch huyện Mường Lát Lương Quý Hợi thở dài, “Các em không bỏ học hẳn, nhưng học cầm chừng, thậm chí chỉ có mặt vào ngày… cấp học bổng rồi bỏ về bản”. Có những học sinh đã học xong, chỉ chờ ngày thi tốt nghiệp, nhưng cũng vì ngại thi trượt, xấu hổ nên bỏ thi như Lò Văn Oác, Lò Văn Hưng (bản Đoàn Kết). Hay như Trịnh Văn Mình (bản Lách), đang học dở cấp ba thì nghỉ, vì “đến tuổi rồi, phải lấy vợ”.
Lò Văn Dương bảo học được đến bây giờ, với cậu là một nỗ lực. Bản Đoàn Kết không có trường THCS, hết tiểu học, cậu phải khăn gói ra trường dân tộc nội trú huyện. Không ít lần cậu bị đám bạn thị trấn dọa dẫm, nhổ nước bọt, bạt tai, chỉ vì cậu là học sinh Khơ Mú duy nhất. Đi học với gia đình Dương không phải là việc dễ dàng. Về đến nhà, bố mẹ lại chẹp miệng kêu học tốn kém quá, hay là bỏ học đi, ở nhà làm nương với bố mẹ. Lên cấp ba, cậu xin chuyển về trường THPT Mường Lát, để đỡ khoản đi lại, ăn tiêu. Bây giờ cậu đang miệt mài chuẩn bị cho năm cuối cấp. Dương cũng không dám nghĩ đến việc học cao hơn, “Sức học của em có hạn. Với lại hoàn cảnh gia đình chỉ lo được thế thôi. Nhà nước cũng hỗ trợ nhiều rồi. Nhưng học cao thì tiền nhiều lắm, bố mẹ không kham được”.
Nhưng trường hợp như Dương, học đúng tuổi, học đủ, thật sự hiếm hoi. Học kém, không theo kịp, sinh ra tâm lý chán nản là nguyên nhân chính của hầu hết trẻ em Khơ Mú ở đây. Ở Mường Chanh, lớp học thường là lớp ghép giữa nhiều bản, nhiều xã. Thấy bạn khác học nhanh hơn, những cô bé cậu bé tự ti rồi rủ nhau bỏ học cả. Ngay như cháu gái trưởng bản Lách Trịnh Văn Sum, Trịnh Thị Hiền cũng chỉ học đến hết lớp hai thì bỏ. Bạn của Hiền bỏ học, cô bé cũng bỏ theo. 10 tuổi, sau mấy năm không động đến chữ, Hiền đã tái mù, tiếng chung cũng chỉ còn bập bõm. Lớp của Hiền có năm bạn cùng bản, cũng lần lượt rủ nhau bỏ học cả. Ngôi trường tiểu học chỉ cách bản vài bước chân, vậy mà vẫn không đủ sức hấp dẫn những đứa trẻ. Hà Thị Thoong, cô gái Khơ Mú xinh xắn mới 16 tuổi đã có con hơn một tuổi, kể học hết lớp năm là cô thôi, dù cả trưởng bản lẫn giáo viên đến vận động học tiếp cấp hai. “Học kém quá. Ở nhà lấy chồng thôi”, cô bảo vậy. Trong khi đó, Hoàng Văn Sình, một trong ba cậu bé Khơ Mú lớp 8 trường THCS bản Lách thì đã quên gần hết công thức cơ bản môn Vật lý – môn học cậu yêu thích nhất. Vở của cậu đã bị người nhà đem ra quấn thuốc lào cả, muốn đọc sách ôn lại, cũng là bất khả thi. Những Lương Văn Phườn, Lương Văn Tiến, dù đã học đến lớp 7, cũng rất khó khăn khi viết ra một vài công thức toán học. Mấy tháng nghỉ hè, không hề động đến sách vở, có còn gì đọng lại được nữa đâu.
Còn ở bản Đoàn Kết, dù có trường học riêng cho người Khơ Mú, nhưng tỷ lệ bỏ học vẫn cao. Bởi không chỉ ở xã, ở huyện, ở trường, tìm được người nói tiếng Khơ Mú, hiểu phong tục Khơ Mú cũng hết sức nan giải. Trường tiểu học Đoàn Kết trước có một giáo viên duy nhất thông thạo tiếng Khơ Mú, thầy Đỗ Văn Liên. Từ Thiệu Hóa lặn lội lên vùng xa xôi này, gắn bó với bản Đoàn Kết 11 năm, thầy Liên đã được xem như người Khơ Mú, thuyết phục được học trò. Nhưng năm rồi thầy về quê Thiệu Hóa, lại thấy xã Tén Tằn thở dài. Thế nên, có được một thầy giáo của người Khơ Mú như thầy Cút Văn Sao, hay sắp tới có Cút Thị Lách, là điều mà không chỉ người Khơ Mú, mà cả lãnh đạo xã, huyện đều mong chờ.
Học rồi để làm gì?
Lò Văn Dương tâm sự, đi học là một chuyện, học xong làm gì lại là chuyện khác. Ở bản cậu, học cao như cậu hiếm, nhưng học xong thường có hai lựa chọn: về xã làm việc hoặc thành giáo viên. Như anh trai cậu, Lò Văn Tường tốt nghiệp Cao đẳng Toán Tin ĐH Hồng Đức. Học xong, Tường vẫn chưa tự tin với kiến thức đã có, “Đi dạy học mà học kém thì người ta mắng mình mất”. Tường đang nuôi ý định xin học thêm. Nhưng trong lúc chờ huyện duyệt, cậu vẫn phải loay hoay với công việc ở nhà. Chỉ hy vọng từ giờ đến khi tiếp tục đi học, kiến thức sẽ vẫn còn ở lại với cậu.
Chủ tịch UBND xã Tén Tằn thừa nhận cái khó của những người ở Đoàn Kết. “Họ có trình độ văn hóa nhưng không có nghiệp vụ chuyên môn, dù là chúng tôi ưu tiên nhận về cũng chưa biết phải sử dụng họ như thế nào”. Mà không làm việc được dễ khiến nhiều người nản. Cái vòng luẩn quẩn ấy là điều đau đầu của cả lãnh đạo xã, huyện, lẫn bản thân những người dân Khơ Mú.
Ông Bí thư chi bộ bản Lách Lương Văn Nàn bảo, để thay đổi suy nghĩ của người dân, để động viên tinh thần những đứa trẻ, để chúng không nản mỗi khi bị chê, còn phải nỗ lực nhiều. Ngay bản thân trưởng bản Lách cũng nói, bao đời nay ở đây chưa coi trọng cái chữ, bây giờ thay đổi rồi, nhưng vẫn còn khó quá.
Khó thế, nhưng mà vẫn cứ phải từng bước mà đi thôi!
Người Khơ Mú ở Thanh Hóa tập trung chủ yếu tại hai bản: bản Lách (xã Mường Chanh) và bản Đoàn Kết (xã Tén Tằn), huyện Mường Lát (Thanh Hóa), gồm 679 khẩu. Là dân tộc đông thứ hai ở Mường Lát. |
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()