Người Khmer vượt khó, làm giàu
Những ngày tháng 4, chúng tôi về miền tây đúng vào dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer. Trong không khí đón mừng năm mới, câu chuyện vượt khó, làm giàu của người Khmer rôm rả khắp phum sóc. Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) làm nức lòng đồng bào.
Ông Lâm Se, 63 tuổi, tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, nơi có ảnh Bác Hồ được bày trí trang nghiêm, bên dưới là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở phường 5, thành phố Sóc Trăng, ông Lâm Se quyết tâm chiến thắng cái nghèo và trở thành nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu.
Thi đua làm giàu
Hiện nay, ngoài thu nhập từ hơn 10 ha lúa, hằng ngày, ông Lâm Se cùng hơn 10 nhân công đi cuốn hơn 2.000 cuộn rơm từ các cánh đồng trong và ngoài tỉnh, thu nhập hơn 20 triệu đồng. Tiền lời được ông chia đều cho các thành viên hợp tác, đến nay các gia đình hầu hết đều thoát nghèo và tạo dựng cơ ngơi khá giả.
Gặp lại “kiện tướng” nuôi bò sữa Sơn Hen ở ấp Trà Bếp, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), anh hồ hởi khoe, nhờ được tỉnh hỗ trợ vốn, anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại thoáng mát, xây hầm biogas, cải tiến giống cỏ phù hợp và túi ủ để dự trữ thức ăn có dinh dưỡng cao cho nên đàn bò cho chất lượng sữa tốt… Đến nay, đàn bò của anh Sơn Hen đã phát triển hơn 20 con, trong đó có 8 con đang cho sữa với khoảng 100 kg mỗi ngày.
Mỗi tuần, anh Sơn Hen thu lợi nhuận hơn 6 triệu đồng. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Sơn Hen còn nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi bò cho bà con có nhu cầu phát triển kinh tế từ bò sữa như gia đình mình. Hay tin triển khai chương trình, ông Lâm Se và anh Sơn Hen đều phấn khởi đồng tình, vì Đảng và Nhà nước luôn chăm lo cho người dân các dân tộc thiểu số bằng những chính sách cụ thể, thiết thực. Từ đó, đồng bào càng hăng hái phấn đấu làm giàu chính đáng.
Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống đang chuyển mình, khởi sắc. Từ một nông dân Khmer khéo tay, ông Trì Cảnh đã trở thành chủ cơ sở sản xuất mỹ nghệ Trì Cảnh, ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, rất nổi tiếng với bộ bàn ghế sa-lon bằng tre. Sản phẩm của ông Cảnh đoạt giải nhất cấp tỉnh về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đoạt giải ba khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài sa-lon tre, ông Cảnh còn là “cha đẻ” chiếc xe đạp từ tre được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Hiện làng nghề Hàm Giang có hơn 20 mẫu mã, chủng loại sản phẩm được sản xuất từ tre; trong đó, nhiều sản phẩm cao cấp. Từ năm 2013, chính quyền địa phương hướng dẫn người dân tham gia vào bảy tổ hợp tác với gần 700 hộ làm nghề. Đồng bào được hỗ trợ mua máy móc thay cho một số công đoạn sản xuất thủ công, nghiên cứu đa dạng mẫu mã, chất lượng sản phẩm để cùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững hơn. Nhờ vậy, sản phẩm từ tre của làng nghề đồng bào Khmer ngày càng được các đối tác ưa chuộng, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng thu nhập cho các hộ dân, đời sống ngày càng phát triển.
Khi tham gia vào Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Long Hiệp của huyện Trà Cú, các thành viên được bao tiêu thu mua lúa với giá cao hơn giá thị trường từ 15%-30%. Từ năm 2018, HTX luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, đạt doanh thu trên dưới một tỷ đồng/năm. Thu nhập trung bình thành viên HTX đạt từ 50 đến 80 triệu đồng/năm, 100% hộ thành viên đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả, trở thành tấm gương xây dựng kinh tế giỏi ở địa phương. Hiện, HTX đang hoàn thiện sản phẩm gạo sạch để đăng ký chứng nhận hữu cơ Việt Nam và tham gia đàm phán cung ứng gạo mang thương hiệu “Hạt Ngọc Rồng” vào chuỗi hệ thống các siêu thị.
Phum sóc giàu đẹp
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, với quy mô dân số hơn 17 triệu người, chiếm khoảng 18% dân số cả nước; dân tộc thiểu số hơn một triệu người, chủ yếu là đồng bào Khmer, chiếm tỷ lệ 7,6% dân số vùng và chiếm tỷ lệ hơn 9% đồng bào dân tộc thiểu số cả nước. Đồng bào Khmer sinh sống tập trung tại các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long, Cà Mau và thành phố Cần Thơ…
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân, trong đó có những tấm gương sáng của đồng bào Khmer, đồng bằng sông Cửu Long đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực, từng bước khẳng định vị trí trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo, thủy, hải sản và cây ăn trái hàng đầu của cả nước; đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Khmer được cải thiện.
Mới đây, tại hội thảo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS-MN khu vực đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhận định, lần đầu tiên ở nước ta có Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào DTTS-MN được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao và bố trí hơn 137 nghìn tỷ đồng, với 10 dự án thành phần, 14 tiểu dự án và 36 nội dung đầu tư, hỗ trợ trong giai đoạn 2021-2025, để phấn đấu đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản, ấp đặc biệt khó khăn.
Chương trình này có ý nghĩa vô cùng to lớn, vừa góp phần kích thích cung cầu, tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa mang ý nghĩa quan trọng về an sinh xã hội, đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vùng sâu, vùng xa.
Năm 2022 là năm bản lề, tạo nền tảng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và cũng là năm đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, bám sát thực tiễn, các cấp ủy chính quyền địa phương phát huy chủ động, sáng tạo, chỉ đạo tổ chức triển khai lồng ghép các dự án, tiểu dự án của chương trình với các chương trình mục tiêu quốc gia khác và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội hai năm 2022-2023.
Bên cạnh việc củng cố hạ tầng thiết yếu thì cần quan tâm nhiều hơn tới việc đẩy mạnh tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, chăm lo đời sống tinh thần của người dân đi cùng hỗ trợ khởi nghiệp, kinh doanh để đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Khmer nói riêng vươn lên làm giàu. Đây sẽ là những hướng đi phù hợp, cần được khuyến khích, nhân rộng. Những điển hình tiên tiến, các mô hình tốt, kinh nghiệm hay trong sản xuất, kinh doanh đã và đang lan tỏa trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS-MN. Đó là tinh thần phát huy sự chủ động, sáng tạo và ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Khmer Nam Bộ nói riêng, nhằm khơi dậy và đánh thức sức mạnh nội lực để đời sống đồng bào ngày càng được nâng cao, phum sóc ngày càng giàu đẹp.
Tại Sóc Trăng, đến nay, các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều có trường trung học cơ sở, trạm y tế và đường ô-tô đến trung tâm xã; 100% xã, phường, thị trấn, khóm, ấp có điện lưới quốc gia; 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng phát thanh-truyền hình, bảo đảm phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân; có 97/109 trạm y tế có bác sĩ, 775 khóm (ấp) có cán bộ y tế, 100% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 99,6%, trong đó, tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là 66,6%…
Đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, những năm qua, được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo đầu tư và hỗ trợ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã nỗ lực huy động nhiều nguồn lực, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, bình quân giảm từ 3%-4%/năm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()