Người H’Mông xã Cao Minh nâng cao thu nhập từ nghề truyền thống
– Cao Minh là xã tập trung đông người H’Mông (còn gọi là dân tộc Mông) sinh sống nhất trên địa bàn huyện Tràng Định. Cùng với những nét văn hóa còn được gìn giữ thì nghề làm men lá từ các loại cây thảo dược đặc biệt của dân tộc Mông vốn đã có từ lâu đời vẫn được lưu truyền. Việc gìn giữ nghề không chỉ góp phần lưu giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc Mông mà còn góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Những ngày trung tuần tháng 12/2022, chúng tôi có dịp đến thôn Khuổi Làm, xã Cao Minh để tìm hiểu về nghề làm men lá của dân tộc Mông. Ấn tượng với chúng tôi là mùi thơm dịu nhẹ toát lên từ những quả men đang được hong khô trên góc bếp nhỏ của các hộ dân. Vừa nhanh tay lượm các quả men đã khô trên chiếc mẹt ám màu bồ hóng, chị Vi Thị Thảo, thôn Khuổi Làm vừa cho biết: Tôi cũng chẳng biết nghề làm men này có từ khi nào, chỉ biết rằng từ nhỏ, tôi đã được bà và mẹ hướng dẫn cách làm men để nấu rượu phục vụ gia đình vào các dịp quan trọng. Từ năm 2017 đến nay, loại rượu này được nhiều người ưa chuộng nên tôi cũng làm nhiều men hơn. Trung bình một năm, tôi xuất bán hơn 1.500 lít rượu với giá bán khoảng 30 nghìn đồng/lít đem lại thu nhập gần 50 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí giúp kinh tế gia đình đỡ vất vả hơn.
Người Mông xã Cao Minh kiểm tra chất lượng rượu nấu từ loại men lá của dân tộc mình
Không riêng chị Thảo mà thôn Khuổi Làm còn có nhiều hộ khác cũng đang gìn giữ nghề làm men lá này. Anh Dương Văn Ngoan, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khuổi Làm cho biết: Toàn thôn hiện có 50/54 hộ làm men lá để nấu rượu phục vụ gia đình và bán ra thị trường. Loại rượu được nấu từ men lá có hương vị thơm ngon rất đặc trưng nên được nhiều khách hàng ở trong và ngoài huyện tự tìm đến đặt mua. Với giá bán trung bình từ 25 – 30 nghìn đồng/lít cũng đem lại nguồn thu nhập từ 40 – 80 triệu đồng/hộ/năm.
Được biết, để có được những quả men tốt, người Mông xã Cao Minh tìm khoảng 15 loại cây thảo dược có tính nóng, tính hàn, có vị ngọt, vị cay, vị đắng trộn với nhau theo công thức gia truyền. Sau đó, các loại cây được rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô và được xát cùng gạo. Đặc biệt, trong công thức ấy không thể thiếu một loại cây men gọi theo tiếng Mông là “gô pắn xoong”. Sau khi thu hái, lá của cây này được phơi khô, nghiền thành bột, còn thân cây luộc lấy nước trộn cùng hỗn hợp trên rồi nặn thành các quả men với kích thước phù hợp.
Cách ủ men phụ thuộc vào nhiệt độ, từng hộ sẽ có bí quyết ủ riêng. Tùy theo thời tiết nóng hay lạnh mà quả men sẽ lên men sớm hay muộn. Men sau khi ủ xong được phơi chỗ thoáng mát cho khô dần. Thông thường công đoạn làm, ủ men sẽ mất khoảng 1,5 tháng để men đạt chất lượng tốt nhất mới có thể đem ủ với gạo nấu thành rượu. Quả men sau khi nấu lên sẽ thu được loại rượu thành phẩm có hương vị ấm, đậm và thơm đượm hương vị lá rừng nên êm.
Hiện toàn xã Cao Minh có 224 hộ thì có đến 64% là người dân tộc Mông. Trước đây, người Mông chỉ làm men lá với số lượng nhỏ để phục vụ nhu cầu gia đình. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, loại rượu nấu từ men lá do người dân trong xã làm ra được nhiều khách hàng ưa chuộng, tìm đến đặt mua nên bà con tích cực làm men lá, nấu rượu phục vụ nhu cầu thị trường. Hiện toàn xã có hơn 120 hộ còn giữ nghề làm men lá truyền thống, tập trung chủ yếu ở các thôn: Khuổi Làm, Vằng Can, Khuổi Nạp…
Ông Nông Quốc Cờ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cao Minh cho biết: Việc làm men lá không chỉ gìn giữ giá trị truyền thống của dân tộc Mông mà còn góp phần đem lại nguồn thu nhập cho người dân. Trung bình một năm, các hộ nấu rượu từ men lá có thêm nguồn thu nhập từ 30 – 80 triệu đồng/hộ/năm sau khi trừ chi phí giúp người dân có thêm nguồn thu đáng kể vào những lúc nông nhàn. Qua đó, đời sống của bà con ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện còn 23% (giảm 35% so với năm 2016). Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục khuyến khích và động viên bà con mở rộng, phát triển hơn nữa nghề làm men lá. Đồng thời, tiến tới lựa chọn sản phẩm rượu men lá làm sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) và dự kiến thành lập Hợp tác xã Nấu rượu men lá Cao Minh trong năm 2023.
Mong rằng, cùng với sự chủ động của người dân và sự quan tâm, định hướng của cấp ủy, chính quyền xã, thương hiệu men lá Cao Minh sẽ ngày càng vươn xa, góp phần lưu truyền những nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người dân tộc Mông và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội ở xã.
Ý kiến ()