Người góp công xây dựng, phát triển phong trào đọc sách
Vấn đề đặt ra đối với những người làm công tác thư viện là phải làm gì, làm như thế nào để xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hình thành văn hóa đọc?. Để cổ vũ, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách thì một trong những giải pháp quan trọng là phải làm tốt công tác tuyên truyền, thông tin nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đọc sách trong đời sống xã hội.
Từ thực tế trên, là Trưởng phòng phụ trách mảng Thông tin tuyên truyền, chị Hạnh đã cùng đồng nghiệp trong phòng tìm các giải pháp để tham mưu, đề xuất với Ban Giám đốc các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng phong trào đọc sách của đơn vị. Tổ chức tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền giới thiệu sách, báo phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh. Duy trì các cuộc trưng bày, giới thiệu sách, nói chuyện chuyên đề, Hội thi thiếu nhi vẽ tranh theo sách, tổ chức Hội Báo xuân, biên tập lược thuật “Lạng Sơn qua báo chí Trung ương”, các bộ thư mục thông báo sách mới, thư mục chuyên đề. Nhân Ngày Sách Việt Nam 21/4 hàng năm, chị Hạnh còn tham mưu cho lãnh đạo tổ chức “Ngày Hội sách và Văn hóa đọc tỉnh Lạng Sơn” với nhiều hoạt động thiết thực góp phần cổ vũ văn hóa đọc, xây dựng phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động thư viện, tranh thủ sự ủng hộ của các doanh nghiệp, đoàn thể, cá nhân, chị Hạnh và cán bộ nhân viên trong Thư viện tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, quyên góp được gần 16.000 bản sách, trị giá 330 triệu đồng. Số sách này đã trực tiếp hỗ trợ xây dựng 5 thư viện xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, 5 tủ sách đồn biên phòng và 8 thư viện trường học tại các xã biên giới. Cùng với đó, chị Hạnh tham gia tích cực đưa sách đến tận tay bạn đọc bằng việc tuyên truyền phát tờ rơi giới thiệu về thư viện, luân chuyển sách bằng hình thức “Túi sách lưu động” tới các trường học, các điểm bưu điện văn hóa xã; triển khai mô hình Cà phê sách, Cà phê văn hóa đọc, thu hút được đông đảo nhân dân trên địa bàn bắt đầu quan tâm đến văn hóa đọc. Ngoài ra, chị Hạnh còn cùng với các phòng ban trong đơn vị từng bước nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc tại Thư viện tỉnh như: Tổ chức tốt việc phục vụ bạn đọc trong ngày chủ nhật, mở thêm phòng đọc đa phương tiện phục vụ nhu cầu tìm tin qua mạng Internet của bạn đọc. Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn nghiệp vụ thư viện, góp phần đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thư viện.
Với những thành tích đạt được, trong 5 năm qua, chị Phạm Minh Hạnh liên tục đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và được Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tặng giấy khen hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ý kiến ()