LSO-Đã qua cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông Đặng Minh Tài, người thôn Khe Cảy, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập vẫn minh tuệ và tráng kiện như chỉ trạc ngũ tuần với mái tóc không hề vương một sợi bạc. Đối với bà con dân tộc vùng sâu, vùng xa của huyện Đình Lập thì cái tên Minh Tài “nổi tiếng” lắm. Nguyên là Phó Trưởng Ban Định canh, định cư của huyện, ông là lớp cán bộ gắn bó lâu năm với công tác được coi là gian truân nhất thời bấy giờ: Công tác xoá bỏ tập quán du canh, du cư, đốt rừng làm nương rẫy. Có thể nói, gần như tất cả những vùng đất xa xôi, heo hút nhất của Đình Lập đều in dấu chân của ông. Được hầu chuyện ông đúng là một trải nghiệm quý báu của lớp hậu sinh như chúng tôi. Ông Tài quả thực là một “pho sách sống” về rừng, về cây dược liệu và những bài thuốc namHoa chuối rừngĐồng bào người Dao, người Sán Chỉ, người Tày... mỗi lần thấy ông cùng đoàn công tác đến thôn, bản thì mừng lắm, bởi mỗi lần...
LSO-Đã qua cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông Đặng Minh Tài, người thôn Khe Cảy, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập vẫn minh tuệ và tráng kiện như chỉ trạc ngũ tuần với mái tóc không hề vương một sợi bạc. Đối với bà con dân tộc vùng sâu, vùng xa của huyện Đình Lập thì cái tên Minh Tài “nổi tiếng” lắm.
Nguyên là Phó Trưởng Ban Định canh, định cư của huyện, ông là lớp cán bộ gắn bó lâu năm với công tác được coi là gian truân nhất thời bấy giờ: Công tác xoá bỏ tập quán du canh, du cư, đốt rừng làm nương rẫy. Có thể nói, gần như tất cả những vùng đất xa xôi, heo hút nhất của Đình Lập đều in dấu chân của ông. Được hầu chuyện ông đúng là một trải nghiệm quý báu của lớp hậu sinh như chúng tôi. Ông Tài quả thực là một “pho sách sống” về rừng, về cây dược liệu và những bài thuốc nam
|
Hoa chuối rừng |
Đồng bào người Dao, người Sán Chỉ, người Tày… mỗi lần thấy ông cùng đoàn công tác đến thôn, bản thì mừng lắm, bởi mỗi lần ông đến là mang theo cây giống để bà con trồng rừng và quan trọng hơn ông truyền cho bà con niềm tin vào lời người xưa đã dạy: “có an cư thì mới lạc nghiệp”. Ông hướng dẫn bà con giâm từng cái cây xuống đất đồi, động viên, khuyến khích bà con bám trụ lại với đất rừng, chung sức bảo vệ rừng và nuôi dưỡng hy vọng từ rừng, từng bước bỏ tập quán du canh, du cư, đốt rừng làm nương rẫy đã ăn sâu vào ý thức hệ của bà con từ ngàn đời nay. Đến bây giờ, nhìn những tán rừng trồng đang độ cho thu hoạch, nhìn những thôn, bản ấm no trên đất Đình Lập, không thể phủ nhận công lao, đóng góp của những cán bộ làm công tác định canh, định cư như ông Đặng Minh Tài. Nếu vào thời điểm thập kỷ 80 – 90 của thế kỷ trước, những cán bộ như ông Tài không đến với bà con, không sâu sát, không đồng cam cộng khổ, không gây dựng được niềm tin nơi bà con thì không biết đã có bao nhiêu đồng bào dân tộc ở Đình Lập bỏ đất, bỏ rừng theo phong trào di cư vào Tây Nguyên lập nghiệp và những cánh rừng ở đây sẽ không có được màu xanh ngút ngát như ngày hôm nay.
Về nghỉ hưu năm 2001, ông Tài vẫn tiếp tục gắn bó với những cánh rừng của huyện. Từ một cán bộ chuyên làm công tác định canh, định cư, ông trở thành một lương y với những bài thuốc nam thu hái từ chính những cánh rừng. Năm 2005, ông tham gia vào Hội Đông y xã Bắc Lãng làm Phó Chủ tịch Hội. Đến nay, Hội đã có 24 hội viên và đã tìm tòi phát triển được hơn 10 bài thuốc nam chủ yếu chữa các bệnh liên quan đến dạ dày, viêm gan, phong tê thấp, đứt gân, gãy xương, bị rắn độc cắn, trị độc… và đã chữa trị hiệu quả cho hàng trăm bệnh nhân theo phương pháp đông – tây y kết hợp. Điều đặc biệt là việc khai thác cây thuốc của Hội được thực hiện song hành cùng với công tác khoanh nuôi, bảo vệ. Với sự đồng ý của chính quyền, hiện nay Hội đã tiến hành cắm biển, phát tuyến, khoanh vùng bảo vệ được gần 50 ha rừng dược liệu, góp phần duy trì nguồn thuốc dành cho công tác chữa bệnh, đồng thời bảo vệ được nguồn dược liệu phong phú và quý hiếm của rừng. Ông Tài cho biết: Những cánh rừng ở Đình Lập nói riêng và Lạng Sơn nói chung nếu được trồng, bảo vệ đúng cách sẽ không chỉ cho người dân những giá trị thu hoạch về gỗ đơn thuần, dưới những tán rừng luôn ẩn chứa nhiều cây thuốc, nguồn dược liệu quý. Những cây dược liệu đa phần là cây bụi, cây rễ củ, cây dây leo nên việc phát triển rừng trồng và cây dược liệu dưới tán cùng lúc sẽ góp phần không nhỏ tăng thu nhập cho bà con. Cây dược liệu thường là cây có thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn nên việc khoanh nuôi, khai thác hợp lý sẽ giúp bà con đảm bảo được đời sống trong quá trình chăm sóc và chờ những cánh rừng trồng cho thu hoạch. Nhận thấy “giá trị kép” trong việc trồng rừng và kết hợp phát triển cây dược liệu, trong những năm qua, Hội Đông y của xã Bắc Lãng đã rất nỗ lực trong việc bảo tồn nguồn dược liệu từ rừng. Hiện nay trong vườn thuốc của Hội đã có nhiều giống cây dược liệu được các lương y đem từ rừng về, từng bước “thuần chủng” để có thể nhân giống và phát triển trong điều kiện chăm sóc theo mô hình vườn thuốc nam. Trong quá trình phát triển, Hội cũng nhận được sự hỗ trợ từ dự án CIRM của Hà Lan về phát triển cây dược liệu. Ông Tài và một số thành viên của Hội đã được sang các nước như Lào, Thái Lan để học hỏi kinh nghiệm phát triển cây dược liệu tại các vùng rừng của người dân nước bạn. Những chuyến đi như thế đem lại cho các thành viên của Hội rất nhiều kinh nghiệm quý báu về bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý từ rừng mà từ trước tới nay bà con vẫn chưa khai thác có hiệu quả.
|
Ông Tài bên cây thuốc mang từ Thái Lan về |
Trong câu chuyện với ông Tài, chúng tôi nhận thấy cả cuộc đời ông chưa bao giờ ngừng lao động, ngừng cống hiến. Hơn 30 năm tuổi Đảng với tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở cái tuổi 73, ngày ngày ông vẫn đạp xe đến Hội Đông y xã làm việc, vẫn cặm cụi vào rừng tìm những cây thuốc, cần mẫn chăm sóc những cây dược liệu mới trồng. Chia tay, ông mời chúng tôi một “chén rượu của rừng”, chén rượu thuốc ngâm từ ba kích và mấy loại nấm mà ông gọi là “nhung rừng” cứ vương mãi vị ngọt đắng trên môi. Người đàn ông gắn bó máu thịt với rừng, dành cả cuộc đời giữ mùa xuân xanh cho rừng và rắn rỏi như những cánh rừng ấy tiễn chúng tôi bằng một nụ cười đôn hậu đến lạ lùng, một nụ cười phảng phất cả hương vị núi rừng…
Trúc Lam
Ý kiến ()