Người “giữ hồn” di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
– Đó là nghệ nhân Ngô Văn Xuân, sinh năm 1955, trú tại thôn Gò Mãm, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng, người có công khôi phục lễ hội Trò Ngô. Với 34 năm miệt mài bảo tồn, phát huy di sản lễ hội này, ông đã được trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú (NNƯT) vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Những ngày giữa tháng 3/2022, trong chuyến công tác đến với xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng, chúng tôi có dịp gặp gỡ NNƯT Ngô Văn Xuân. Qua những lời trò chuyện, chia sẻ của nghệ nhân, chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt tình, trách nhiệm và tình yêu của ông đối với di sản lễ hội Trò Ngô. Hiện ông là người lưu giữ toàn bộ sổ sách, giấy tờ về lễ hội Trò Ngô, bao gồm các cuốn sách: tế lễ, lễ hội Trò Ngô, diễn trò và sách sử. Ông Xuân cho biết: Sinh ra và lớn lên ở vùng quê giàu bản sắc văn hóa truyền thống, tôi được theo ông và theo bố của mình đến các di tích và dự lễ hội của xã. Trong đó, để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi là lễ hội Trò Ngô. Do vậy, sau này với niềm đam mê sẵn có, tôi đã quyết tâm tìm hiểu, học hỏi để lưu truyền lại những giá trị tốt đẹp của lễ hội cho thế hệ sau.
Nghệ nhân ưu tú Ngô Văn Xuân (bên trái) tuyên truyền, quảng bá giá trị của lễ hội Trò Ngô đến người dân
Theo đó, trong khoảng thời gian từ năm 1988 đến1992, ông Xuân đã được những người cao tuổi trong xã hướng dẫn ghi chép các hồ sơ, giấy tờ và các nội dung liên quan đến lễ hội Trò Ngô. Trên cơ sở đó, ông đã ghi chép hồ sơ (gồm: sách văn tế; sách Hội về tám tướng Kim Cương; trò Sĩ – Nông – Công – Thương; sách sử; sách Trò Ngô…); cách làm thủ tục làm Trò múa Dậm – Tám tướng Kim Cương; cách làm khung thành hội và cắm 24 lá cờ họ, đồn Bà Dầu (đồn giặc)… Khoảng từ năm 1993 đến năm 1996, ông đã cùng chính quyền địa phương vận động Nhân dân khôi phục lại lễ hội Trò Ngô; xây dựng nghè thờ ông Vũ Lôi Quận Công. Năm 1998, lễ hội Trò Ngô đã được khôi phục trở lại sau nhiều năm gián đoạn.
Cùng với đó, thời gian qua, ông Xuân thường xuyên tham gia trình diễn các phong tục, tập quán, trích đoạn lễ hội… và đã đạt được nhiều kết quả. Tiêu biểu như: huy chương vàng tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) các dân tộc tỉnh Lạng Sơn lần thứ IV năm 2008 với trích đoạn “Nghĩa quân đánh giặc cứu dân, giúp nước” của lễ hội Trò Ngô; giải B tiết mục “trích đoạn Lễ hội Trò Ngô” trong Ngày hội VHTT&DL các dân tộc tỉnh Lạng Sơn lần thứ V năm 2010; giải A cho tiết mục “Lễ hội truyền thống” tại Ngày hội VHTT&DL các dân tộc tỉnh Lạng Sơn lần thứ VI năm 2013…
Đồng thời, với mong muốn di sản văn hóa này không bị mai một, nhiều năm qua, ông Xuân đã tích cực tổ chức truyền dạy và hướng dẫn ghi chép các hồ sơ, giấy tờ và các nội dung liên quan đến lễ hội cho 41 người là hương trưởng, bàn nhì trong 12 dòng họ. Các học trò của ông sau khi học đều có thể nắm vững và thực hành thuần thục một số nội dung liên quan đến việc tổ chức lễ hội. Ngoài ra, ông Xuân còn tham gia cung cấp thông tin cho các đoàn cán bộ nghiên cứu văn hóa khi muốn tìm hiểu nghiên cứu về lễ hội. Đơn cử năm 2001, ông đã cung cấp tư liệu cho tác giả Đoàn Trung Diễn để hoàn thành luận văn Thạc sỹ với đề tài “Lễ hội Trò Ngô, làng Giàng, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn”.
Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hữu Lũng cho biết: Trong nhiều năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn huyện có sự đóng góp không nhỏ của nghệ nhân Ngô Văn Xuân. Bằng tấm lòng nhiệt huyết đam mê của mình, ông đã dày công học hỏi, ghi chép, sưu tầm, góp phần khôi phục và góp phần đưa lễ hội Trò Ngô trở thành di sản cấp quốc gia.
Với đóng góp của mình, năm 2015, ông Ngô Văn Xuân vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú ở loại hình “Lễ hội truyền thống” vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2021, ông đã được Giám đốc Bảo tàng tỉnh tặng giấy chứng nhận vì đã có thành tích trong công tác hiến tặng hiện vật (10 hiện vật).
Ý kiến ()