Người gìn giữ điệu then
(LSO) – Đó là nghệ nhân Lương Thị Khòa (then Nhầng), sinh năm 1935 ở số nhà 01, ngõ 7, đường Lê Lợi, khối 7, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn. Bà đã có thâm niên 61 năm miệt mài gìn giữ và phát huy những làn điệu then mượt mà, đóng góp vào việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 1958 bà Lương Thị Khòa bắt đầu học then với cụ then Hoàng Thị Thẹt (sinh năm 1908- mất năm 1991) ở thôn Phai Nim, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc. Bằng sự thông minh, nhanh nhẹn nên chỉ sau một thời gian ngắn bà đã có thể cùng thầy dạy thực hành các nghi thức cúng lễ tín ngưỡng và ngay trong quá trình học bà đã được thầy cấp sắc lần đầu bậc 1 (mũ 5 dải, ngựa 5 dây).
Bà Lương Thị Khòa (Then Nhầng) thực hành hát then tại nhà ở khối 7, đường Lê Lợi, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn
Sau khi học và thành nghề từ năm 1958 đến nay bản thân bà thường xuyên tham gia thực hành thuần thục các nghi lễ, nghi thức như: lễ vào nhà mới, lễ đặt bàn thờ mụ cho trẻ sơ sinh,… Bà đã đem những làn điệu then mượt mà, đầm ấm phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh cho rất nhiều gia đình từ các huyện trong tỉnh ra các tỉnh khác như: Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Giang, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh… Không dừng ở phạm vi trong nước mà lời then, câu hát đó còn đến một số địa phương tại đất nước Trung Quốc như: thị Bằng Tường, thành phố Nam Ninh, huyện Liễu Châu, Long Châu…
Từ năm 1961, bà bắt đầu truyền nghề cho các học trò. Đến nay bà đã truyền dạy cho 18 học trò, cùng hơn một trăm lan slở, lẩn slở (cháu thớ, chắt thớ). Đồng thời, thực hiện đại lễ lẩu then cấp sắc cho từng học trò của mình. Tất cả học trò sau khi học đều thực hành tốt các nghi thức then tín ngưỡng.
Với uy tín trong quá trình thực hành di sản, đến nay bà có hơn 1.000 con hương, con cầu, con ký (con gửi) là những đứa trẻ được gia đình tin tưởng gửi làm con của thầy then để cầu thông minh, mạnh khỏe, bình an. Một số học trò và nhiều con cầu, con ký của bà hiện đang sinh sống và làm việc tại các nước Anh, Mỹ, Pháp, Canada…vẫn tiếp tục bảo lưu, trao truyền, phát huy giá trị di sản then tại các nước sở tại.
Chia sẻ với chúng tôi, bà cho biết: Với tôi, then không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà nó thực sự còn là hơi thở, là cuộc sống của tôi nói riêng và những người làm then nói chung… Đồng thời, bà khuyên các học trò của mình cố gắng bảo tồn và phát huy những lời hát then, nghi thức tín ngưỡng ngày càng phát triển hơn nữa.
Trải qua hơn 60 năm, đến nay bà đã đạt đến cấp bậc cao trong dòng then của mình (mũ 11 dải, ngựa 11 dây). Tuy đã bước vào tuổi 84 nhưng bà vẫn có khả năng ghi nhớ, thực hiện thuần thục tất cả các trích đoạn trong hành trình then. Ngoài ra, bà còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh thực hiện các tin bài, phóng sự, phim tư liệu liên quan đến công tác tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy các di sản then. Tiêu biểu như: phối hợp với Bảo tàng tỉnh thực hiện ghi hình lễ cấp sắc phục vụ chương trình nghiên cứu sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu hiện vật để lưu giữ, bảo quản, trưng bày tại bảo tàng; phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh ghi hình, thực hiện tin, bài về di sản then; cung cấp thông tin, tư liệu cho một số nhà nghiên cứu văn hóa ở các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn…
Ông Đỗ Trí Tú, cán bộ phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Bà Lương Thị Khòa không chỉ là người tâm huyết trong việc truyền dạy, vận động cộng đồng người dân cùng gìn giữ bản sắc dân tộc, mà bà còn là tấm gương điển hình về giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp để mọi người học tập và noi theo.
Với những cống hiến trong việc bảo tồn và truyền dạy, phát huy di sản văn hóa then, tháng 6/2019, bà đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú ở loại hình “Tập quán xã hội và tín ngưỡng”.
Ý kiến ()