Bà Hòa bán gạo bên hòm từ thiện của hội tán trợ. Bà làm nghề bán gạo từ nhiều năm nay, gia cảnh cũng không lấy gì làm khá giả nhưng cả đời luôn đau đáu với việc làm từ thiện và gìn giữ “cây đức” truyền đời cho thế hệ sau. Đó là bà Nguyễn Thị Dĩnh ở Từ Liêm, Hà Nội.Lòng tốt gửi vào thiên hạBà tên thật là Nguyễn Thị Dĩnh, năm nay 78 tuổi, ở thôn Kiều Mai, Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội. Về đến đây, hỏi bà Dĩnh thì không mấy người biết, nhưng hỏi bà Hòa bán gạo, hay bà Hòa từ thiện thì ai cũng biết. Bởi bà làm nghề bán gạo đã mấy chục năm nay, lấy chồng là ông Lê Xuân Hòa nên hàng xóm thường gọi theo tên của chồng.Năm 2000, huyện Từ Liêm có kế hoạch thành lập hội tán trợ đến các xã, phường. Tại Kiều Mai, bà Hòa đã đứng ra thành lập hội tán trợ ở phường với 80 thành viên ban đầu, do bà đứng ra làm hội trưởng, chăm lo mọi công việc của hội.Tại cửa hàng bán gạo ở nhà, bà làm...
Bà Hòa bán gạo bên hòm từ thiện của hội tán trợ. |
Bà làm nghề bán gạo từ nhiều năm nay, gia cảnh cũng không lấy gì làm khá giả nhưng cả đời luôn đau đáu với việc làm từ thiện và gìn giữ “cây đức” truyền đời cho thế hệ sau. Đó là bà Nguyễn Thị Dĩnh ở Từ Liêm, Hà Nội.
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Bà tên thật là Nguyễn Thị Dĩnh, năm nay 78 tuổi, ở thôn Kiều Mai, Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội. Về đến đây, hỏi bà Dĩnh thì không mấy người biết, nhưng hỏi bà Hòa bán gạo, hay bà Hòa từ thiện thì ai cũng biết. Bởi bà làm nghề bán gạo đã mấy chục năm nay, lấy chồng là ông Lê Xuân Hòa nên hàng xóm thường gọi theo tên của chồng.
Năm 2000, huyện Từ Liêm có kế hoạch thành lập hội tán trợ đến các xã, phường. Tại Kiều Mai, bà Hòa đã đứng ra thành lập hội tán trợ ở phường với 80 thành viên ban đầu, do bà đứng ra làm hội trưởng, chăm lo mọi công việc của hội.
Tại cửa hàng bán gạo ở nhà, bà làm một chiếc hòm vuông, đặt ngay trước cửa có ghi dòng chữ: “Chi hội tán trợ xã Phú Diễn – Hòm từ thiện vì người nghèo”. Trên tường nhà, ở chỗ mọi người dễ quan sát nhất, bà treo khẩu hiệu: “Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện”. Hằng ngày, những người đến mua gạo của bà mà còn thừa tiền lẻ, bà thường vận động họ bỏ vào hòm gỗ để làm từ thiện.
Ngày trước, khi hội tán trợ mới thành lập, chưa có nhiều hội viên tham gia, bà vẫn thường đến từng hộ gia đình vận động mọi người làm từ thiện. Rồi đến cuối tháng, bà lại một mình dùng xe thồ chở gạo đi phân phát cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã.
Bây giờ vì tuổi đã cao, không thể thồ gạo đi được nữa thì mọi người đến nhà bà để lấy gạo. Hiện tại, mỗi tháng hội tán trợ của bà Hòa đã nhận đỡ đầu cho 34 gia đình bằng tiền và 10 gia đình bằng gạo.
Cuối năm 2010, bà xem ti vi, biết được tỉnh Thái Bình có gần 30 nghìn người bị nhiễm chất độc màu da cam. “Tôi khóc mà thương quá. Nhưng tôi nghĩ, nếu khóc thì cũng đâu có ích gì, thà mình hành động và giúp đỡ họ còn tốt hơn”. Vậy là bà và hội tán trợ đi vận động mọi gia đình trong xã quyên góp được 35 triệu, huyện Từ Liêm cho thêm 10 triệu. Với số tiền này, bà và hội tán trợ xã Phú Diễn đã giúp được 80 hộ gia đình ở Hưng Hà, Thái Bình được đón một cái tết ấm áp hơn.
Trong hội tán trợ ở xã Phú Diễn, ngoài bà Hòa còn có bà Tô Thị Huệ, bà Nguyễn Thị Luân, Nguyễn Thị Hảo…cũng là những người đã tham gia thành lập hội tán trợ từ những ngày đầu và tích cực hoạt động đến giờ.
Cây đức truyền đời
Khi được hỏi về việc làm từ thiện của mình, bà Hòa chỉ cười rằng: “Tiền tiêu bao nhiêu cũng không vừa. Làm từ thiện thì sẽ còn mãi đến tận đời con, đời cháu”.
Rồi bà kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về “cây đức” truyền đời mà cả đời bà luôn đau đáu giữ gìn cho thế hệ mai sau.
Vào những năm 1945, khi nạn đói đang hoành hành khắp cả nước, thì ông nội bà thường nấu cháo cứu đói cho mọi người. Bà kể: “Ngày trước đói kém, cứ đến ngày rằm và đầu tháng, ông nội lại nấu nồi cháo 30 rồi mang ra đầu làng phát cho dân nghèo. Ngày đó mọi người vẫn còn dùng chiếc liễn da lươn để mang đến nhận cháo”. Từ nhỏ, bà đã theo ông nội đi phát cháo cứu đói, và những hình ảnh đó đã in sâu trong ký ức của bà.
Trước khi mất, ông nội bà đã căn dặn mọi người trong nhà rằng: “Nhà ta phải lo trồng lấy một cây cổ thụ cho đời, đó là cây đức. Trồng được rồi thì phải biết cách vun đắp từ đời này sang đời khác thì cây mới phát triển và trường tồn được”.
Câu nói của ông nội trước lúc ra đi đã in sâu trong tâm khảm và mọi người trong gia đình. Bố bà, rồi đến đời bà đều ra sức để gìn giữ cây đức truyền đời ấy. Với gia đình bà, đó như một báu vật thiêng liêng mà bà cũng như những thế hệ con cháu đời sau phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn.
Với truyền thống đó, ngay từ hồi còn bán gạo trên đường 32, trước khi hội tán trợ được thành lập, bà Hòa đã tích cực tham gia công tác của hội chữ thập đỏ huyện Từ Liêm, và giúp đỡ bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào mà bà gặp.
Đến nay, hội tán trợ xã Phú Diễn do bà Hòa đứng đầu đã có hơn 100 hội viên tham gia. Ngoài công tác của hội, chiều nào bà Hòa cũng ra chùa tụng kinh cho những người đã mất.
Bà Hòa trăn trở: “Làm từ thiện cũng là một cách để gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Ngân hàng của tôi là những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống. Chỉ mong sao khi thế hệ chúng tôi qua thời đi, thì giới trẻ sẽ tiếp tục gìn giữ và vun trồng để “cây đức” ở đời mãi mãi xanh tươi”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()