Người gìn giữ “báu vật” của bản Mông
– Hàng trăm năm qua, những bộ trang phục truyền thống vẫn được người Mông ở Lạng Sơn gìn giữ và coi như “báu vật” của dân tộc mình. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, việc may thêu trang phục truyền thống của người Mông đang dần mai một. Đứng trước nguy đó, bà Trịnh Thị Khén (54 tuổi) thôn Khuổi Làm, xã Cao Minh, huyện Tràng Định đã dành tâm huyết cho việc lưu giữ và trao truyền nghề may, thêu truyền thống cho thế hệ trẻ.
TUYẾT MAI
Bà Khén là người dân tộc Mông Đen (đây là 1 trong 2 nhánh Mông trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn), người Mông Đen sinh sống chủ yếu ở 2 xã Khánh Long và Cao Minh, huyện Tràng Định.
Những người nắm giữ kỹ thuật may, thêu trang phục truyền thống như bà Khén hiện nay chỉ còn 2 người. Trong đó, chỉ có bà Khén còn duy trì hoạt động này.
Vừa mưu sinh vừa góp sức giữ gìn văn hóa dân tộc, ngày ngày bà Khén vẫn miệt mài sáng tạo nên nhiều bộ trang phục truyền thống của người Mông Đen. Bà cho biết: trước đây việc may trang phục phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp như trồng lanh, dệt vải, nhuộm chàm... Tuy nhiên hiện nay, người dân đã không còn tự dệt vải mà thường mua sẵn trên thị trường để may trang phục.
Trang phục của dân tộc Mông đen được làm khá cầu kỳ. Trang phục nữ gồm: khăn đội đầu, áo, yếm, váy, xà cạp. Áo phụ nữ thường là áo xẻ ngực nên phụ nữ Mông Đen thường mặc yếm. Cổ yếm thêu hoa văn. Váy thường là váy đen như của người Mông Trắng, nhưng chỉ ngắn đến đầu gối. Xà cạp thường là miếng vải đen dài chừng một sải tay gấp lại dùng để cuốn quanh bắp chân, hai đầu miếng vải có hai dây buộc màu đỏ thêu hoa văn. Ngoài ra, còn có các phụ kiện đi kèm như vòng cổ... Trang phục nam của người Mông Đen hầu như giống với các nhóm Mông khác, đều có áo, thắt lưng, quần.
Để hoàn thành một bộ trang phục mất rất nhiều thời gian, tùy vào họa tiết trên yếm và áo. Trong đó, khó và tốn công sức, thời gian nhất là thêu và xâu những họa tiết đính kèm. Do đó bà Khén phải rất tỉ mỉ và khéo léo để làm nên những bộ trang phục đẹp, với những đường thêu tinh tế, tạo nên họa tiết bắt mắt. Hiện nay, hằng tháng vẫn có rất nhiều người Mông trong xã và xã lân cận đặt bà Khén làm trang phục truyền thống.
Trước đây, thiếu nữ dân tộc Mông Đen được các bà, các mẹ dạy cho từng đường tơ, sợi chỉ, may vá, thêu thùa. Khi đến tuổi trưởng thành biết làm duyên cũng là lúc đã thành thục tự làm trang phục truyền thống cho gia đình và bản thân trước khi về nhà chồng.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc trao truyền bản sắc văn hóa dân tộc, vào những lúc nông nhàn, bà vẫn thường dạy con dâu kỹ thuật cắt, may trang phục truyền thống.
Là một người phụ nữ dân tộc Mông, gắn bó với văn truyền thống tộc mình, bà Khén cũng luôn chú trọng giáo dục các cháu nội và cháu ngoại của mình phải biết yêu và giữ gìn bản sắc văn hóa người Mông.
Tại ngôi nhà sàn của mình, cứ vào lúc rảnh, bà Khén lại thường nhận dạy miễn phí cho người dân trong xã những kỹ thuật thêu truyền thống.
Bà tỉ mỉ chỉ dạy từng đường kim, mũi chỉ cho những chị em phụ nữ Mông Đen trong thôn.
Đối với người phụ nữ Mông Đen, cách vấn khăn khá cầu kỳ và đòi hỏi sự khéo léo, vì thế nhiều phụ nữ trẻ trong thôn luôn phải nhờ đến sự trợ giúp của bà Khén.
Vào những dịp lễ quan trọng bà cũng thường hướng dẫn và giúp đỡ chị em trong thôn cách mặc quần áo sao cho đúng và đẹp.
Ngoài làm trang phục phục vụ bà con trong vùng, bà Khén còn được các cơ quan, đơn vị như: Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tràng Định, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn... mời chia sẻ các kiến thức may, thêu trang phục truyền thống và làm trang phục nhằm phục vụ công tác trưng bày, triển lãm.
Với những cống hiến của mình, bà Khén đã đóng góp tích cực vào việc bảo tồn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần tích cực vào việc “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Ý kiến ()