Người dùng cần có biện pháp bảo mật tài khoản Facebook
Tối 5-3, hàng triệu người dùng Facebook, Instagram, Messenger trên khắp thế giới có thời điểm đột ngột bị "văng" khỏi các nền tảng này và không thể đăng nhập lại được. Nhiều người dùng cho rằng, Facebook đã tự động đăng xuất mà không có tùy chọn đăng nhập lại và vấn đề này xảy ra trên cả ứng dụng lẫn trang web Facebook.
Người dùng có ý thức hơn khi sử dụng mạng xã hội
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 2-2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) diễn ra chiều 6-3, trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí về việc sập mạng xã hội Facebook vừa qua có ảnh hưởng gì đến Việt Nam hay không, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin Trần Quang Hưng cho biết, bên cạnh Facebook, Việt Nam có nền tảng mạng bị ảnh hưởng, thậm chí được nhiều người dùng là Zalo.
Sau sự cố Facebook sập mạng, người sử dụng mạng xã hội sẽ "giật mình" không biết mình có phải là nạn nhân của tin tặc hay không. Qua vụ việc này, người dùng có ý thức hơn trong việc đổi mật khẩu, tạo bảo mật hai bước để phòng, chống mất tài khoản cá nhân. Do đó, việc Facebook sập mạng ở một góc nhìn khác mang lại "giá trị tích cực" cho người dùng Việt Nam.
Cũng theo ông Trần Quang Hưng, hiện nay nhiều người dùng phụ thuộc rất nhiều vào các nền tảng mạng xã hội, nếu không dùng biện pháp bảo mật tài khoản thì phần lớn sẽ mất tài khoản.
Quang cảnh buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Bổ sung quy định xác thực danh tính người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại
Cũng tại buổi họp báo, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã thông tin liên quan đến việc nâng mức xử phạt các nghệ sĩ, người nổi tiếng... có phát ngôn lệch chuẩn và việc ngăn chặn, xử lý các quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội.
Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết: Theo quy định, mức xử phạt đối với hành vi phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội từ 5 đến 10 triệu đồng; các Sở TT&TT thường lựa chọn mức xử phạt 7,5 triệu đồng. Đối với 1 bộ phận lớn người dân, mức xử phạt này có tác động lớn, tuy nhiên đối với một số nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOL (chuyên gia có mức độ ảnh hưởng đáng kể đến cộng đồng ...), người kinh doanh sản phẩm..., mức xử phạt này có thể còn thấp, chưa đủ sức răn đe.
Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lê Quang Tự Do phát biểu tại họp báo. |
Bộ TT&TT đã có nhiều biện pháp ngăn chặn việc phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội. Trước hết, Bộ đang trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, trong đó có những quy định cụ thể về sử dụng mạng xã hội. Dự kiến giữa năm 2024, Nghị định mới sẽ được Chính phủ ban hành. Khi đó, Bộ sẽ ban hành các quy định xử phạt hành chính, trong đó có nội dung tăng mức phạt tiền và xử phạt bổ sung hành vi phát ngôn lệch chuẩn mạng xã hội.
Đồng thời, Bộ đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng quy định hạn chế hình ảnh đối với những người nổi tiếng, nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn trên sóng truyền hình cũng như các phương tiện biểu diễn.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết thêm, có một số trường hợp vi phạm không thể xác định được đối tượng do danh tính giả, cũng như nơi sinh sống không ở Việt Nam. Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ bổ sung quy định xác thực danh tính người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại.
Ông Lê Quang Tự Do cũng cho biết, Bộ TT&TT không đủ sức xử lý các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội nếu không có sự phối hợp của các bộ chuyên ngành như: Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, các ngân hàng...
Cũng tại buổi họp báo, Cục Viễn thông cho biết, sau 1 năm kể từ thời điểm Bộ yêu cầu các nhà mạng viễn thông dừng hoạt động của các thuê bao (SIM điện thoại) có thông tin không chính xác, tuy nhiên, tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi quảng cáo, các hành vi lừa đảo có sử dụng số điện thoại vẫn diễn ra. Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ triển khai các biện pháp bảo đảm SIM chính chủ, xử lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM.
Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Công an đề nghị người dân có trách nhiệm cung cấp số thuê bao di động của mình vào Cơ sở dữ liệu dân cư theo quy định của Luật Căn cước góp phần xác định chính chủ; chỉ đạo các nhà mạng khóa hai chiều và thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn đang tồn kênh, đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm có liên quan.
Về việc tắt sóng 2G, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định, tắt sóng 2G là xu thế tất yếu. Việt Nam đã xây dựng lộ trình, các doanh nghiệp đang xây dựng kế hoạch để triển khai tắt sóng 2G, tạo điều kiện để mạng 5G phát triển, đáp ứng các nhu cầu phát triển của công nghệ và xã hội.
Ý kiến ()