Người đưa cây đào chuông “từ rừng xuống phố“
(LSO) – Từ lâu, Lạng Sơn được coi là xứ sở hoa đào với nhiều giống đào đẹp và quý, một trong số đó là cây đào chuông. Loại đào này phân bố chủ yếu tập trung ở huyện Đình Lập. Những năm qua, ông Hoàng Trường Sinh, thôn Nà Thuộc, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập đã có công mang loại cây bản địa này từ rừng về để nhân giống.
Ông Hoàng Trường Sinh cho biết: Đào chuông ở Bắc Xa trước đây là loại cây mọc rất nhiều ở trong rừng. Trong dịp lễ, tết, một số người dân tại xã thường vào rừng đào các cây trong tự nhiên về để bán tại các phiên chợ huyện, từ đó loại đào này được nhiều người yêu thích và săn đón. Điều này dẫn đến càng ngày càng có nhiều người dân khai thác cây đào chuông trong tự nhiên, làm cho số lượng đào chuông trong tự nhiên ngày càng ít. Vì vậy, ông Sinh đã nảy ra ý tưởng làm vườn ươm để nhân giống cây đào chuông.
Ông Hoàng Trường Sinh kiểm tra vườn ươm giống cây đào chuông
Từ năm 2014, cứ vào khoảng tháng 5 hằng năm, ông Sinh lại tiến hành ươm cây giống. Theo ông Sinh, mặc dù đào chuông trong tự nhiên có khả năng sống sót cao và phát triển tương đối tốt, nhưng nếu ươm cây giống tại vườn, cần phải chú ý giữ độ ẩm cho bầu ươm phù hợp. Nếu độ ẩm quá thấp, cây con sẽ không thể nảy mầm, còn quá cao thì cây con sau khi nảy mầm rất dễ bị úng gốc, chết cây. Để chọn hạt giống tốt, ban đầu, ông Sinh phải chọn ra những quả đào lớn nhất, sau đó tách hạt và tiếp tục lựa chọn những hạt to nhất để ươm. Có như vậy mới đảm bảo tỷ lệ nảy mầm cao, cây con khỏe mạnh và phát triển tốt.
Quá trình ươm cây giống được ông Sinh tiến hành vào khoảng tháng 5 hằng năm, nhưng phải đến gần 10 tháng thì cây con mới có thể phát triển đủ điều kiện để bán ra thị trường. Nhận thấy thời gian sinh trưởng của cây con chậm, nhiều cây có sức chống chịu kém thường hay bị chết trong quá trình chăm sóc, ông Sinh đã tự mình tìm hiểu về kỹ thuật chiết, ghép đối với cây đào chuông. Tuy nhiên, do thiếu kỹ thuật cũng như tài liệu mà việc này đối với ông Sinh gặp nhiều trở ngại.
Năm 2018, ông Sinh được một số chuyên gia từ Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng – Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kỹ thuật nhân giống cây đào chuông. Từ việc chỉ ươm giống bằng hạt, ông Sinh đã bắt đầu phát triển kỹ thuật ghép cây đào chuông vào cây đào phai. Dần dần, toàn bộ số cây con trong vườn của ông Sinh đều sử dụng kỹ thuật ghép cây. Qua đó rút ngắn thời gian sinh trưởng, giúp cây con khỏe mạnh và phát triển ổn định hơn.
Sau hơn 4 năm tiến hành ươm giống cho cây đào chuông, mỗi năm, vườn ươm của ông Sinh nhân giống thành công cho khoảng 3.000 – 4.000 cây con. Hiện nay, cây giống của ông thường được khách trong tỉnh và từ nhiều nơi khác như Hà Nội, Bắc Ninh thường xuyên đặt hàng. Với mỗi cây con có giá 40.000 – 50.000 đồng, mỗi năm, thu nhập của gia đình ông Sinh từ bán cây con là không nhỏ. Ông Sinh chia sẻ: “Mặc dù thu nhập từ việc bán cây giống cũng khá cao nhưng với tôi, bảo tồn và phát triển cây đào chuông mới là việc tôi quan tâm hơn cả”.
Cùng với việc nhân giống cây đào chuông, ông Sinh cũng thường chia sẻ kỹ thuật ươm giống, trồng và chăm sóc cây đào chuông cho nhiều người dân trong thôn, xã. Ông cũng thường xuyên quảng bá, giới thiệu cây đào chuông của địa phương mình với khách hàng để nhiều người hiểu rõ hơn về ý nghĩa, nét đẹp của cây đào chuông.
Theo bà Hà Thị Đô, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Xa, đào chuông tuy là cây mọc tự nhiên nhưng nếu khai thác quá nhiều thì sẽ có nguy cơ biến mất khỏi các cánh rừng ở đây. Những năm qua, những người như ông Hoàng Trường Sinh đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển, bảo tồn nguồn gen cây bản địa. Qua đó, đem lại thu nhập và góp phần phát triển kinh tế gia đình cũng như của địa phương. Tin rằng với tâm huyết và nỗ lực của những người như ông Hoàng Trường Sinh, trong tương lai, hình ảnh cây đào chuông của huyện Đình Lập nói chung và của xã Bắc Xa nói riêng sẽ ngày càng được nhiều người biết đến.
Ý kiến ()