Người đưa âm nhạc dân tộc đến với công chúng
Anh Xuân Tự sinh năm 1982, tại gia đình nông dân ở xã Trung Thành, huyện Tràng Định. Ngay từ nhỏ, cậu bé Xuân Tự đã yêu thích âm nhạc, đặc biệt là cây sáo trúc Việt Nam, một loại nhạc cụ đơn giản nhưng khi thổi, âm thanh của nó vi vu theo làn gió dễ đi vào lòng người.
Khi hỏi về con đường đến với nghệ thuật, nhạc công Xuân Tự tâm sự: Thời niên thiếu, tôi cũng như bao bạn khác cùng xóm, một buổi đi học và một buổi giúp cha mẹ chăn trâu; cưỡi trên lưng trâu với chiếc sáo trúc tôi học thổi từng âm đơn, rồi tiến tới thổi từng đoạn nhạc và dần dần tôi thổi hoàn thiện cả một bài hát ngắn.
Nhạc công Xuân Tự đang nghiên cứu kèn Pí lè
Năm 1996, tôi dự thi và trúng tuyển lớp Trung cấp Trường Văn hoá Nghệ thuật (VHNT) Việt Bắc, hệ vừa học văn hoá, vừa học chuyên môn. Năm 14 tuổi, tôi đang học lớp 8 đã phải tạm biệt trường xã, xa quê hương lên Việt Bắc để bước vào sự nghiệp mới vừa học văn hoá vừa học chuyên môn âm nhạc. Tại Trường VHNT, tôi học chuyên ngành sáo trúc, đến năm 1999 tốt nghiệp hệ trung cấp. Từ năm 2000 đến 2005, tôi được Nhà hát Dân Gian Việt Bắc tuyển dụng làm nhạc công và trở thành diễn viên chuyên nghiệp.
Trong thời gian công tác tại Nhà hát Dân Gian Việt Bắc, anh đã không ngừng học tập, trau dồi kiến thức để rồi thi đỗ vào nhạc viện Hà Nội; đến năm 2009, anh tốt nghiệp Nhạc viện với tấm bằng Cử nhân Âm nhạc (chuyên ngành sáo trúc). Khi còn là sinh viên nhạc viện, anh đã giành được 2 giải ba về tiết mục sáo trúc tại các cuộc thi Liên hoan tiếng hát học sinh sinh viên các trường đại học khu vực Hà Nội.
Năm 2010, Xuân Tự trở về quê hương và nhận công tác tại ĐNT tỉnh. Trong gần 6 năm gắn bó với đoàn, anh đã đem nhiệt huyết của mình thổi hồn vào nhạc cụ dân tộc phục vụ công chúng. Mặc dù trong thời gian nghiên cứu tại giảng đường, Xuân Tự chủ yếu học bộ hơi sáo trúc, nhưng khi về nhận công tác tại ĐNT, anh đã nghiên cứu thổi thành công một số loại nhạc cụ như: kèn Pí lè của dân tộc Dao, tù và, kèn Sắc-sô-phôn, chơi được đàn tính, đàn bầu, đàn nguyệt và đàn nhị… Mỗi năm anh cùng tập thể ĐNT đi biểu diễn từ 40-50 buổi tại các xã vùng sâu, vùng xa. Tiết mục của anh đem đến cho khán giả là tiếng sáo âm hưởng đồng quê, tiếng tù và quen thuộc… các bài đọc tấu nhạc cụ bằng sáo trúc, kèn Pí lè, sáo mèo như: (Ngày hội non sông), (Trên đường chiến thắng)… . Bên cạnh đó, anh còn tham gia biểu diễn nhân các sự kiện, ngày kỷ niệm của đất nước. Đối với các cuộc thi, anh đã cùng với ĐNT tham dự 3 lần Liên hoan Nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Kết quả, năm 2012, tiết mục kèn Pí lè của dân tộc Dao với bài (Mẫu Sơn linh địa) do anh thể hiện đã giành Huy chương Bạc; đến năm 2015, tiết mục đọc tấu sáo trúc của anh đã đóng góp vào thành tích chung của ĐNT tỉnh đạt Huy chương Bạc toàn đoàn. Trong những ngày cuối tháng 7/2016, anh cùng ĐNT tỉnh tham dự Liên hoan Nghệ thuật Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc – 5 nước khu vực Đông Nam Á, ĐNT tỉnh giành được 1 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc; trong đó, cá nhân anh biểu diễn tiết mục hoà tấu nhạc cụ bài (Xắng cọ gửi bạn) đạt Huy chương Bạc.
Khi hỏi về dự định của anh trong tương lai, nhạc công Xuân Tự cho biết: Mong muốn lớn nhất của tôi là được gắn bó lâu dài với ĐNT tỉnh và tiếp tục sưu tầm bảo tồn phát triển âm nhạc dân gian vùng Đông Bắc.
Đánh giá về sự đóng góp của cá nhân Trương Xuân Tự, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Thu Hương – Trưởng ĐNT tỉnh cho biết: Xuân Tự là một nhạc công có nhiều sáng tạo độc đáo trong quá trình sưu tầm, biểu diễn và có nhiều đóng góp cho thành tích chung của đơn vị.
Ý kiến ()