Người đi tìm hình của nước
– Cách đây 111 năm, ngày 5/6/1911, tại bến Nhà Rồng, Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Tất Thành trong công việc người phụ bếp, chính thức lên đường sang Pháp trên chiếc tàu buôn Đô đốc La-tu-sơ Tơ-rê-vin (Latouche Treville) để tìm “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, với một trái tim vĩ đại mang trọn tình yêu quê hương, đất nước.
Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ sáng suốt phi thường. Người đã trải qua bao nhiêu gian nan. cực khổ của các nghề “bồi” ở dưới tàu, “bồi “ ở khách sạn, làm nghề rửa ảnh, vẽ sơn mài, nghề cào tuyết cho một trường học để sống, để đi, để hiểu và hoạt động cách mạng. Người đã bôn ba khắp năm châu, bốn biển, dù vất vả, hiểm nguy nhưng ý chí, quyết tâm và lòng tin của Người về con đường giải phóng dân tộc luôn trước sau như một. Người chưa một phút thôi nghĩ về vận mệnh của đất nước và đời sống của đồng bào mà luôn cháy bỏng thiết tha trong tim.
Thuyết minh viên của Bảo tàng tỉnh giới thiệu các cuốn sách tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đoàn viên thanh niên tại gian trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn”, Bảo tàng tỉnh. Ảnh: LA MAI
Trên con đường đi tìm chân lý của mình Người đã đi đến “những đất tự do, những trời nô lệ”, tìm hiểu đời sống của các tầng lớp Nhân dân lao động, giới thợ thuyền, những người nông dân nghèo khổ, đến các nông thôn hẻo lánh ở New York, Luân Đôn… Người nhận ra rằng, mỗi quốc gia mỗi vẻ khác nhau về phong cảnh và con người, nhưng về xã hội thì ở đâu Nhân dân lao động cũng bị áp bức bóc lột. Các dân tộc thuộc địa đều có một kẻ thù chung là bọn đế quốc thực dân. Người nhận rõ giai cấp công nhân và Nhân dân lao động các nước đều là bạn; chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là kẻ thù. Sau này Người đã khái quát thành một chân lý “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người, giống người đi bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi, tình hữu ái vô sản”*.
Khi đến New York xem Tượng Nữ thần tự do, Người nhìn xuống dưới chân tượng và ghi sổ cảm tưởng “Ánh sáng trên đầu thần Tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân Tượng thần Tự do thì người da đen đang bị trà đạp. Bao giờ người da đen mới được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?…”*. Người nhìn số phận con người chứ không chiêm ngưỡng hào quang tỏa sáng từ bức tượng…
Xa Tổ quốc nhưng trái tim của Người luôn đập cùng nhịp trái tim của hàng triệu đồng bào trong nước. Đó là sức mạnh to lớn giúp cho Người vượt qua mọi trùng dương, mọi khó khăn để bước tiếp, tìm thấy ánh sáng chân lý để soi rọi con đường đi đang đầy bùn đen, tăm tối của dân tộc. Khi đọc được Luận cương của Lê-nin, Người đã bật khóc – khóc trong hạnh phúc, Người đã viết: “Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như nói trước quần chúng đông đảo. Hỡi đồng bào bị đọa đày, đau khổ. Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”*. Trong bài thơ Người đi tìm hình của nước, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc/Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin/Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin/ Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc:/ “Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”…” . Từ thực tế lao động, học tập, thâm nhập đời sống của những người lao động, phân tích tình hình chính trị thế giới, tiếp nhận, tiếp cận chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã chọn con đường cứu nước đúng đắn, đó là con đường cách mạng vô sản mà sau này Người đã đúc kết: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.
Đoàn viên, thanh niên tìm hiểu về các bức ảnh tư liệu tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định . Ảnh: TUYẾT MAI
Sau 30 năm bôn ba, Người trở về quê hương, trở về với đồng bào, mang trên vai sứ mệnh cao cả cùng với chân lý sáng ngời chủ nghĩa Mác-Lênin, “Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt”. Người đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết chí đồng lòng trải qua nhiều chiến đấu, hy sinh, gian khổ đưa cả dân tộc thoát khỏi đêm dài nô lệ. Đầu năm 1941, khi Người đã trở về đất nước, bước chân đầu tiên về đất Mẹ là giây phút thiêng liêng. Người đã lặng đi bên cột mốc số 108 biên giới Việt – Trung, mặt hướng về Tổ quốc, ngắm nhìn núi rừng trùng điệp Cao Bằng – mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Người đã cúi xuống cầm nắm đất Mẹ lên hôn và đôi mắt rưng rưng, tiếng lòng như thẳm sâu lắng đọng, cảm nhận sự sống của ‘Đất nước” đang phôi thai trong lòng, hình ảnh của một đất nước Việt Nam mới tươi sáng đang hiện về.
Ngày 5/6/1911 vẫn luôn sáng mãi trong tâm thức của hàng triệu trái tim Việt Nam và bạn bè thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh với trái tim yêu nước nồng nàn đã hy sinh tuổi trẻ, thanh xuân của mình để giành lấy mùa Xuân cho dân tộc. Người đã mở rộng cánh cửa để cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới, để cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ vì hoà bình và những giá trị nhân đạo. Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 111 năm Ngày Người ra đi tìm đường cứu nước, chúng ta mãi mãi khắc sâu lời trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc trong lễ truy điệu Người (tháng 9 năm 1969): “Dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Người. Hồ Chủ tịch, người Anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta và non sông đất nước ta”
* “Hồ Chí Minh” toàn tập, NXB CTQG,Hà Nội, năm 2011.
MAI TÙNG
Ý kiến ()