Người đem na đến với Y Tịch
Ông Nguyễn Hữu Đệ cắt tỉa cành cho cây na |
Năm 1963, theo tiếng gọi của Đảng, gia đình ông Nguyễn Hữu Đệ cùng một số gia đình khác chuyển từ Hải Dương lên mảnh đất Y Tịch để khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới. Mới đầu ông là thành viên trong Hợp tác xã (HTX), năm 1986, HTX tan rã, gia đình ông và một số hộ dân khác không có đất để canh tác, đã có không ít hộ dân quay trở lại Hải Dương để sinh sống; tuy nhiên, ông vẫn kiên trì, quyết tâm ở lại để phát triển kinh tế.
Năm 1992, ông mua 200 cây na giống từ thôn Than Muội, xã Chi Lăng về trồng; sau mấy năm trồng thử, thấy cây na phát triển nhanh, cho quả to, đều và chất lượng tốt; ông ấp ủ ý tưởng xây dựng mô hình trồng na. Qua vài lần đi tham khảo một số vườn trồng na của người quen tại Quảng Ninh và tham khảo các mô hình qua báo đài, năm 1997, ông mạnh dạn đầu tư, phát triển diện tích trồng na với 3.000 cây na (tương đương 6 ha).
Tự đúc rút kinh nghiệm trong quá trình trồng và chăm sóc cây na trong nhiều năm, ông Đệ chia sẻ: Đối với cây na, để có được những quả na to đều, thơm ngọt ngoài yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu thì sự dày công chăm sóc từ chính đôi bàn tay, những giọt mồ hôi của người chăm sóc khi hoa thụ phấn rất quan trọng, bởi ngay khi thời điểm hoa nở rộ phải kịp thời chấm phấn và phải chấm đồng đều, nhiều thời điểm còn phải đi chấm không kể ngày đêm.
Sau hơn 20 năm, giờ đây, gia đình ông Nguyễn Hữu Đệ đã có một vườn na quy mô gần 8 ha với 3.500 cây. Nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đảm bảo chất lượng quả na, từ năm 2012 đến nay, vườn cây ăn quả của gia đình ông đã thu hoạch được khoảng 12 đến 15 tấn quả na/năm, các thương lái chủ động đến tận vườn để thu mua với giá bán khoảng từ 27.000-30.000 đồng/kg. Trừ chi phí, hằng năm, gia đình ông thu lãi gần 400 triệu đồng nhờ đó cuộc sống ngày càng được cải thiện hơn.
Không chỉ đời sống gia đình được cải thiện mà vườn na của ông còn tạo việc làm thời vụ cho một số người dân trong thôn. Mỗi khi vào mùa thụ phấn cho hoa, ông thường thuê từ 5 đến 8 người phụ giúp; tuy chỉ trong hơn 1 tháng nhưng cũng góp phần tạo thêm thu nhập cho một bộ phận lao động nông thôn.
Ông Vi Văn Duy, Chủ tịch xã Y Tịch, huyện Chi Lăng cho biết: Không chỉ năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình, ông Nguyễn Hữu Đệ còn là hội viên nông dân gương mẫu trong mọi phong trào ở cơ sở, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông luôn tích cực đi đầu vận động nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Ông luôn được bà con yêu mến, thường xuyên đến trao đổi, học tập kinh nghiệm.
Ý kiến ()