Người Dao thôn Lũng Slàng làm du lịch
– Những năm gần đây, người dân tộc Dao ở thôn Lũng Slàng, xã Tri Phương, huyện Tràng Định đã tận dụng lợi thế cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hoá đặc sắc của dân tộc mình để phát triển du lịch, mang đến cho du khách những trải nghiệm ấn tượng.
Từ tháng 8/2022, khi nhận được thông tin có đoàn khách gần 20 người từ thành phố Hồ Chí Minh đến thôn tham quan, trải nghiệm vào tháng 9 này, anh Triệu Văn Phú (Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lũng Slàng) đã tất bật chuẩn bị các công việc liên quan như: bố trí người đưa đón khách bằng xe máy từ điểm đỗ ô tô vào trung tâm thôn; sắp xếp chỗ ăn, chỗ ngủ cho khách. Theo nhu cầu của đoàn khách, gia đình anh Phú lựa chọn thực đơn phù hợp. Thực phẩm thì ưu tiên những loại sản vật địa phương, những món ăn độc đáo của đồng bào người Dao, các loại rau rừng… Sự chuẩn bị chu đáo ấy đã để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách.
Người Dao thôn Lũng Slàng chuẩn bị trang phục dân tộc để đón tiếp khách du lịch
Được biết, gia đình anh Phú bắt đầu đón tiếp khách và phục vụ khách đến tham quan du lịch từ năm 2018. Anh Phú chia sẻ: Tôi cũng hay đi nhiều nơi, quen biết nhiều người. Ban đầu là do quý mến, tôi mời bạn bè đến nhà chơi, thăm thú thôn bản. Sau họ thấy yêu thích cảnh sắc thiên nhiên, cảm thấy hứng thú với các món ăn truyền thống và bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Dao nên tiếp tục giới thiệu cho bạn bè. Các đoàn khách tìm đến ngày càng nhiều, số lượng tăng nên tôi đã chủ động đầu tư, mua sắm thêm đồ dùng để phục vụ khách và huy động thêm các hộ gia đình trong thôn.
Cùng với gia đình anh Phú, hiện nay, trong thôn Lũng Slàng có 6 gia đình với hơn 20 người đã tham gia đón tiếp và phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, có khoảng 50 người tham gia vận chuyển, đưa đón khách từ điểm đỗ xe ô tô vào trung tâm thôn. Mặc dù là tự phát nhưng đồng bào người Dao đã biết tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng về cách thức làm du lịch, tìm hiểu nhu cầu du khách để cùng nhau mua sắm trang thiết bị, đồ dùng gia đình (chăn màn, bát đĩa, tủ lạnh…). Họ đầu tư xây nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh để phục vụ khách. Mỗi khi khách đến, họ phân công nhau đón tiếp, phục vụ khách ăn uống, nghỉ ngơi, đưa khách đi tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh ruộng bậc thang, vườn cây ăn quả, rừng trúc xanh mướt trên sườn đồi…
Đồng thời các gia đình phân công nhau mặc trang phục dân tộc truyền thống của người Dao, ngồi dệt thổ cẩm, nấu rượu ngô truyền thống, đan lát, làm thịt treo gác bếp và các món ăn dân tộc để phục vụ khách chụp ảnh, nói chuyện, giới thiệu cho du khách về những nét văn hóa, phong tục tập quán truyền thống độc đáo của dân tộc mình. Từ năm 2018 đến nay, bình quân mỗi năm, thôn Lũng Slàng tiếp đón khoảng 10 đoàn với gần 500 lượt khách, thời gian lưu trú bình quân là 1,5 ngày.
Đặc biệt, trung tuần tháng 6/2022, đám cưới người Dao tại thôn Lũng Slàng với nghi lễ đón dâu độc đáo đã được người dân nơi đây phục dựng để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách. Chị Nguyễn Thu Thảo, khách du lịch đến từ quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: Tháng 6/2022, khi đến trải nghiệm du lịch tại thôn Lũng Slàng, tôi và gia đình thấy rất thích bầu không khí trong lành, mát mẻ nơi đây. Thêm vào đó là những món ăn đặc sắc do đồng bào ở đó thu hái hoặc tự trồng, tự nuôi. Chúng tôi được tìm hiểu các nét phong tục độc đáo, được xem đám cưới người Dao, lưu lại những bức ảnh đẹp ở ruộng bậc thang, rừng trúc…
Không chỉ du khách mà chuyên gia phát triển du lịch trong và ngoài tỉnh cũng đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng của thôn Lũng Slàng. Ông Hoàng Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy thôn Lũng Slàng sở hữu cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, đa dạng về văn hóa. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Do đó, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, quảng bá, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch cộng đồng ở thôn Lũng Slàng cũng như mở các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức làm du lịch cho người dân tộc Dao nơi đây.
Thiết nghĩ, với sự chủ động, năng động của người dân, để Lũng Slàng phát huy được tiềm năng, trở thành một điểm du lịch cộng đồng thì cần hơn nữa sự quan tâm của các cấp, ngành về đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng cũng như bổ sung cập nhật kiến thức để người Dao làm du lịch ngày càng tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao
Ý kiến ()