Người Dao Tân Tri giữ gìn nghề thêu truyền thống
– Từ bao đời nay, nghề thêu đã gắn liền với cuộc sống của người Dao trong đó có người Dao Lù Gang ở xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn. Đây không chỉ là nghề thủ công truyền thống mà qua từng đường kim, mũi chỉ, người phụ nữ Dao đã gửi gắm biết bao tâm tình vào từng bộ trang phục truyền thống.
Việc thêu thùa vốn đã gắn liền với cuộc sống của nhiều người dân, trong đó có phụ nữ người Dao ở xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn. Đây được coi là “hồn cốt”, góp phần tạo nên bản sắc đặc trưng của người Dao nơi đây. Không chỉ đơn thuần là nghề tạo ra những bộ trang phục truyền thống mà còn chứa đựng cả nét văn hóa, thể hiện nếp sống, nếp nghĩ, tín ngưỡng của dân tộc.
Người phụ nữ Dao, xã Tân Tri thêu trang phục truyền thống của dân tộc
Đến Tân Tri ngày nay, không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Dao sử dụng trang phục truyền thống trong lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày. Trong tiết trời se lạnh, mưa xuân phảng phất, bên những mái hiên nhà sàn là hình ảnh các mẹ, các bà, các cô gái người Dao ngồi tỉ mẩn với từng đường kim, mũi chỉ. Không lớp học, không phải sự truyền dạy một cách bài bản, các cô gái Dao chủ yếu nhìn theo các bà, các mẹ để học cách thêu thùa. Những “lớp học” truyền miệng, cầm tay chỉ việc như thế được duy trì như một thói quen, từ đời này qua đời khác một cách gần gũi, thân thuộc.
Chị Triệu Thị Hiền (sinh năm 1989), thôn Ngọc Lâu cho biết: Theo phong tục từ xưa, các cô gái Dao trước khi lấy chồng đều phải biết thêu thùa, may vá để tự tay thêu trang phục cưới cũng như may thêu trang phục dành làm quà tặng cho mẹ chồng và các chị em trong gia đình chồng. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được mẹ truyền dạy nghề thêu truyền thống. Những họa tiết trên trang phục truyền thống của dân tộc khá phức tạp nên những ngày đầu, tôi chỉ học thêu họa tiết đơn giản. Sau này, khi đã thêu thuần thục hơn, tôi mới thực hiện thêu những họa tiết cầu kỳ. Khi thêu, cần tập trung hoàn toàn cho công việc, không suy nghĩ việc khác, không nói chuyện để tránh làm hỏng đường thêu, bởi chỉ sơ sẩy một mũi thêu là phải dỡ đi, thêu lại từ đầu. Hiện nay, ngoài thêu phục vụ nhu cầu của gia đình, tranh thủ thời gian nông nhàn, rảnh rỗi, tôi nhận thêu thuê cho khách hàng đặt trước với giá từ 2 đến 3 triệu đồng/bộ. Qua đó, vừa góp phần lưu giữ được nghề thêu truyền thống của dân tộc, vừa có thêm thu nhập cho gia đình.
Tìm hiểu được biết, các họa tiết thêu trên trang phục truyền thống của người Dao nơi đây không theo mẫu được vẽ sẵn mà được truyền miệng, lưu giữ bằng trí nhớ. Phần lớn các họa tiết, hoa văn đều xuất phát và gắn liền với cuộc sống sinh hoạt, lao động thường ngày như: hoa văn vết chân chó, ruộng bậc thang, hạt dưa, cây kiệu, hoa hồi… Các hoa văn cũng được phân chia rõ ràng gồm: hoa văn dành cho trang phục mặc thường ngày, trang phục của thầy cúng, trang phục cô dâu, chú rể. Mỗi sản phẩm sau khi hoàn thiện đều như một bức tranh hài hòa, tinh tế về cả về họa tiết và màu sắc.
Toàn xã Tân Tri hiện có 426 gia đình là người đồng bào dân tộc Dao Lù Gang (chiếm 42% tổng số hộ dân của xã). Trong đó, người Dao chủ yếu tập trung tại 5 thôn: Suối Tát, Suối Tín, Khau Bao, Bình An, Thâm Si. Hiện nay, hầu hết các chị, em phụ nữ, các bà, các mẹ trong gia đình người Dao ở đây đều biết thêu trang phục truyền thống.
Ông Nông Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tri cho biết: Ở xã Tân Tri, thêu thùa được chị em phụ nữ Dao duy trì như một thói quen vào những lúc nông nhàn. Chính điều này đã góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của người Dao trên địa bàn cho đến hôm nay. Ngoài thêu để sử dụng, một số phụ nữ người Dao nơi đây còn thêu để bán cho những khách hàng có nhu cầu. Để tiếp tục gìn giữ và phát huy nghề thêu truyền thống của bà con người Dao, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn và truyền dạy lại cho các thế hệ sau. Cùng đó, định hướng bà con tiếp tục phát triển nghề, thêu những sản phẩm mang tính hàng hóa để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện.
Có thể thấy, nghề thêu truyền thống của người Dao xã Tân Tri hiện vẫn đang được mỗi thế hệ người Dao giữ gìn, nâng niu và trân trọng. Với tiềm năng phát triển du lịch của huyện Bắc Sơn hiện nay, nghề thêu truyền thống của người Dao nơi đây đang có nhiều cơ hội phát triển. Qua đó, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Ý kiến ()