Thành công từ mô hình trồng cây chanh rừng
- Đó là anh Dương Kim Bảo (sinh năm 1976), thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình. Anh là một trong những người tiên phong trồng cây chanh rừng đầu tiên trên địa bàn xã đem lại hiệu quả kinh tế.

Anh Bảo sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn. Trước đây, gia đình anh chủ yếu trồng khoai, sắn và chăn nuôi thêm gà, vịt quy mô nhỏ, thu nhập không cao. Qua tìm hiểu, anh Bảo đã nhận thấy tiềm năng của cây chanh rừng tại địa phương và quyết định phát triển trồng chanh rừng với số lượng lớn.
Sau khi nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người cao tuổi trong thôn, anh được biết cây chanh rừng trước đây là loại cây mọc tự nhiên. Năm 1996, anh bắt tay vào nhân giống bằng cách ươm hạt và chiết cành từ những cây chanh rừng tự nhiên có sẵn. Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc nên cây chanh rừng của gia đình anh phát triển kém, còi cọc và thường xuyên bị sâu bệnh. Có những cây trồng từ 4-5 năm đang phát triển tốt thì lá rụng, cây chết không rõ nguyên nhân.
Nhớ lại thời điểm ấy, anh Bảo chia sẻ: Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng tôi không bỏ cuộc. Thay vào đó, tôi chủ động nghiên cứu từ sách, báo, đồng thời hằng năm, tôi đều tham gia các lớp tập huấn do xã tổ chức để học tập kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây chanh rừng. Sau nhiều năm chăm sóc và theo dõi thực tế, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Đến năm 2005, cây chanh rừng của gia đình tôi đã sinh trưởng ổn định. Hiện nay, cây cho quả chất lượng cao, vỏ bóng đẹp, có hương thơm tự nhiên đặc trưng.
Nhận thấy hiệu quả tích cực từ mô hình trồng chanh rừng trên mảnh đất quê hương, năm 2017, anh quyết định mở rộng diện tích, trồng thêm 200 cây. Đến nay, tổng số cây chanh rừng trong vườn đã đạt 700 cây, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. Để nâng cao năng suất, chất lượng quả chanh rừng, năm 2023, anh đã áp dụng kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Bảo cho biết: Trồng chanh rừng theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật từ cách chăm sóc, tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh. Ngoài ra, tôi luôn có nhật ký chăm sóc hằng ngày. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt kỹ thuật chăm sóc nên mẫu mã, chất lượng quả cũng tốt hơn.
Nhờ sự chăm sóc cẩn thận và kỹ lưỡng, đến nay trong số 700 cây chanh rừng anh đang trồng có 500 cây cho thu hoạch, 200 cây chuẩn bị cho thu hoạch. Năm 2024, anh thu được gần 4 tấn chanh rừng tươi, mang lại thu nhập từ 150 -180 triệu đồng.
Về thị trường tiêu thụ, anh Bảo liên kết với một số hợp tác xã chế biến chanh rừng trên địa bàn, ngoài ra số còn lại anh bán lẻ. Giá chanh rừng năm 2024 dao động từ 45.000 – 50.000 đồng/kg. Thời điểm được giá, giá chanh rừng còn lên đến 85.000 – 100.000 đồng/kg.
Anh Bảo chia sẻ thêm: Trong quá trình thực hiện mô hình, chính quyền xã đã phối hợp tổ chức các buổi tập huấn chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc chanh rừng cho tôi và nhiều bà con trong thôn. Nhờ đó, ngày càng có nhiều hộ dân tham gia trồng chanh rừng, góp phần tăng thu nhập.
Ông Dương Trồng Mình, Chủ tịch UBND xã Mẫu Sơn cho biết: Anh Dương Kim Bảo là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần dám nghĩ, dám làm. Từ một loại cây mọc tự nhiên hoang dã, anh đã biết cách khai thác và phát triển thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Sự kiên trì của anh không chỉ thể hiện ý chí vươn lên mà còn góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị của núi rừng quê hương.

Ý kiến ()