Người Dao Nậm Ðét đã tìm thấy "cái đường sáng"
"Nhờ cán bộ bày cách trồng quế, làm ruộng nước nên người Dao ở Nậm Đét đã giàu lên. Sống ở trên núi cao, người Dao mình đã tìm thấy cái đường sáng mà đi, không nghèo khổ nữa, càng biết ơn Đảng và Bác Hồ nhiều lắm" - Chủ tịch UBND xã Nậm Đét (Bắc Hà - Lào Cai), người Dao Đỏ, bộc bạch lòng mình...Những năm sau tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám lịch sử, Nậm Đét là vùng căn cứ kháng chiến của bộ đội ta, bởi ba bề bốn bên đều là núi non hiểm trở, đồng bào dân tộc Dao cương trực, giàu nghĩa khí, son sắt thủy chung với cách mạng, với Đảng và Bác Hồ. Anh Trương Văn Bằng, cán bộ mặt trận xã đưa tôi đến thăm nhà cụ Triệu Hiếu Phin, hơn 80 tuổi, ở thôn Cốc Đào; ngày ấy đã cùng các ông Triệu Tiến Quàng, Triệu Hiếu Tình, Đặng Văn Sài... nuôi giấu cán bộ, bộ đội, bị bọn phỉ bắt nhưng quyết không khai báo, một lòng trung trinh với Đảng, với Bác Hồ. Đến thăm nhà mẹ Triệu Mùi Pham, nép dưới tán rừng quế ken...
Những năm sau tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám lịch sử, Nậm Đét là vùng căn cứ kháng chiến của bộ đội ta, bởi ba bề bốn bên đều là núi non hiểm trở, đồng bào dân tộc Dao cương trực, giàu nghĩa khí, son sắt thủy chung với cách mạng, với Đảng và Bác Hồ. Anh Trương Văn Bằng, cán bộ mặt trận xã đưa tôi đến thăm nhà cụ Triệu Hiếu Phin, hơn 80 tuổi, ở thôn Cốc Đào; ngày ấy đã cùng các ông Triệu Tiến Quàng, Triệu Hiếu Tình, Đặng Văn Sài… nuôi giấu cán bộ, bộ đội, bị bọn phỉ bắt nhưng quyết không khai báo, một lòng trung trinh với Đảng, với Bác Hồ. Đến thăm nhà mẹ Triệu Mùi Pham, nép dưới tán rừng quế ken dày, năm nay mẹ đã gần 90 tuổi, hơn 50 năm tuổi Đảng, nhưng vẫn minh mẫn. Mẹ vẫn nhớ như in những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, gia đình rất nghèo nhưng đã nhịn năn để ủng hộ thóc gạo cho bộ đội. Nhớ những ngày đêm lội suối, chui rừng vận động số người bị lừa phỉnh, cưỡng ép theo phỉ gây rối, giúp bộ đội ta tiễu phỉ thắng lợi ở miền đông Lào Cai. Mẹ Triệu Mùi Pham là nữ bí thư chi bộ Đảng người dân tộc Dao đầu tiên của Huyện ủy Bắc Hà. Nhờ lãnh đạo chi bộ đạt 'bốn tốt', mẹ Pham đã vinh dự được về Thủ đô Hà Nội gặp mặt và chụp ảnh chung với Bác Hồ tại 'Đại hội bí thư chi bộ miền núi giỏi' vào năm 1966. Dù đã 44 năm trôi qua, song mẹ Pham vẫn nhớ như in mọi cử chỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người rất giản dị, hết mực thương dân, thương đồng bào các dân tộc miền núi. Nhớ lại giọng nói ấm áp gần gũi, cùng với những lời dạy bảo sâu sắc của Bác khi Bác đến nói chuyện với mọi người ở Đại hội, mẹ Pham kể: 'Giây phút hồi hộp, rụt rè, lúng túng và xấu hổ nhất là tôi đã xưng 'mình' với Bác Hồ khi Bác hỏi: 'Cô quê ở đâu?', theo thói quen của người Dao nên tôi đã trả lời: 'Mình ở Nậm Đét, Bắc Hà, Lào Cai mà'. Bác cười một cách trìu mến rồi nói: 'Đồng bào dân tộc thiểu số là quý lắm đấy. Cháu phải cố gắng học chữ, biết chữ thì mới hiểu biết nhiều điều, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, khoa học kỹ thuật để hướng dẫn bà con tăng gia sản xuất, xây dựng quê hương mới'. Tôi nhớ mãi hình ảnh Bác Hồ giản dị, ân cần, gần gũi. Bác nói với chúng tôi về đạo đức làm người, tư cách của người đảng viên và nhất là tư cách của người bí thư chi bộ. Cho đến bây giờ, tôi vẫn ghi nhớ mãi lời dạy của Bác và tự hứa với chính mình là phải làm thật tốt nhiệm vụ của người đảng viên để phục vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên quê hương mình'.
Luôn ghi nhớ lời dạy của Bác, là cán bộ xã, mẹ Pham luôn cùng cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kêu gọi bà con không nghe kẻ xấu kích động gây chia rẽ mất đoàn kết, không di cư trái phép, vận động nhân dân ổn định cuộc sống, tích cực khai hoang ruộng nước trồng lúa, trồng ngô, tìm cây, con giống phù hợp đưa vào phát triển kinh tế… Trước đây, Nậm Đét rất nghèo, đồng bào chỉ canh tác sản xuất một vụ/năm, chủ yếu là phát rừng làm nương, năng suất rất thấp. Nhiều hộ không đủ ăn, đời sống của đồng bào Dao hết sức lam lũ, vất vả. Không cam chịu nghèo đói, với vai trò bí thư, năm 1975, mẹ Pham cùng mấy cán bộ xã lặn lội đi tàu hỏa xuống huyện Văn Yên (Yên Bái) học cách trồng quế. Rồi khi trở về, vừa xin vừa mua được 2.000 cây và hai tạ hạt giống quế tốt đem về Nậm Đét. Có giống và học được kỹ thuật, mẹ Pham lại xắn quần cùng các đảng viên khác lội bộ đến từng nhà vận động, hướng dẫn bà con cách trồng quế. Cứ vậy, không quản khó khăn, vừa học vừa làm, tinh thần trách nhiệm của người đảng viên và tấm lòng thương yêu đồng bào của mẹ Pham đã 'cắm' được cây quế lên vùng núi đá ngút ngàn sương gió này.
Bây giờ thì Nậm Đét đã trở thành 'thủ phủ' của quế Lào Cai. Toàn xã có khoảng 700 ha quế, trong đó có 560 ha đang cho thu hoạch, 140 ha mới trồng được 1-3 tuổi. Trong số gần 500 hộ, hầu như nhà nào cũng trồng quế, ít thì một ha, nhiều đến hơn 10 ha. Mỗi năm, bà con người Dao ở Nậm Đét bóc bán chừng 150 tấn vỏ quế khô, thu về khoảng hai tỷ đồng, góp phần xóa từ 7 đến 10% hộ nghèo mỗi nănm. Nhiều gia đình từ chỗ khó khăn, thiếu đói quanh năm, nhờ trồng quế đã vươn lên khá giả và thoát nghèo một cách thuyết phục. Gia đình chị Đặng Thị Chỉn là một thí dụ điển hình, từ chỗ là một gia đình nghèo, khó khăn với hai bàn tay trắng, từ khi Nhà nước giao đất, giao rừng, gia đình chị đã tích cực học hỏi kinh nghiệm và tham gia trồng quế. Đến nay, gia đình chị Chỉn có năm ha quế, trong đó có ba ha đang cho thu hoạch, vụ quế vừa qua bóc tỉa được gần ba tấn quế khô, bán được khoảng 30 triệu đồng. Không chỉ gia đình chị Chỉn mà giờ đây, đi khắp các bản làng ở xã Nậm Đét đều có thể dễ dàng hỏi thăm những gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây quế như ông Triệu Kim Vảng, Bàn A Sao, Triệu Tài Minh… Cây quế đã đưa Nậm Đét trở thành xã kinh tế phát triển nhất trong số sáu xã vùng hạ huyện Bắc Hà, tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất toàn huyện. Chủ tịch UBND xã Bàn A Ton phấn khởi nói: 'Nậm Đét bây giờ có nhiều xe máy nhất các xã vùng cao của huyện Bắc Hà đấy, tính ra hai nhà có một cái, chỉ thua có thị trấn Bắc Hà thôi. Toàn xã có 260 xe máy, nhà nào cũng có ti-vi dùng điện lưới quốc gia và thủy điện nhỏ, nhiều hộ mua được cả ô-tô.
Ở Nậm Đét, Đoàn thanh niên xã đã xây dựng mô hình 'Vườn quế hạnh phúc' và xin quỹ đất của xã, tranh thủ lúc nông nhàn khai hoang, phát cỏ, ươm trồng cây quế, đồng thời vận động thanh niên nghèo, mới lập gia đình vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Mỗi chi đoàn có vườn quế rộng từ 4 đến 5 ha, riêng chi đoàn thôn Nậm Đét có hai vườn quế, mỗi vườn có diện tích năm ha. Những năm qua, Đoàn xã đã thu hơn một tỷ đồng từ mô hình này, hỗ trợ hơn 100 lượt hộ gia đình thanh niên nghèo vay vốn không lấy lãi để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo vươn lên làm giàu. Đây là một cách làm sáng tạo của lớp thanh niên ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng như Nậm Đét.
Xuân này, người Dao ở Nậm Đét rất vui, vì Nhà nước đã mở xong con đường lớn, trải đá cấp phối dài hơn 20 km từ tỉnh lộ vào trung tâm xã, khu trường học hai tầng, điểm bưu điện văn hóa xã, trạm y tế được xây cất khang trang bằng nguồn vốn Chương trình 135. Vui nhất là 10 hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn trong xã xuân này được đón Tết trong những ngôi nhà mới được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng.
Xuân đã về, quê hương Nậm Đét đang trên đường đổi mới, người Dao Nậm Đét nguyện trọn đời theo Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()