Người đảng viên khắc ghi lời Bác
LSO-Không riêng gì đảng viên trong chi bộ thôn mà nhân dân toàn thôn Phủ Đô, xã Đô Lương, huyện Hữu Lũng khi nhắc đến ông Nguyễn Văn Hiền, Bí thư chi bộ thôn đều thán phục ông là một tấm gương vươn lên từ kinh tế lâm nghiệp. Hơn thế ông còn là một điển hình về làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Việc học theo gương Bác không phải người bí thư chi bộ này mới học khi có cuộc vận động, mà hình ảnh của Bác Hồ đã gắn với ông từ thuở thiếu thời.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, trị giá hàng tỉ đồng ở thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Văn Hiền tự hào: “Khi Bác Hồ tặng bộ đồ mộc cho xã Đô Lương, tôi là một trong những người đầu tiên được sử dụng đóng bàn học cho các cháu. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đơn giản Bác tặng là để cho dân sản xuất chứ chưa nghĩ sâu sắc như bây giờ; Bác gần dân đến thế, thấu hiểu mọi tâm tư tình cảm của người làm rừng ở nơi xa xôi thế này. Cũng từ đó lòng kính trọng của tôi với Bác tăng lên gấp bội, ngay từ đấy tôi tự hứa với mình phải làm theo tất cả những gì Bác dạy”. Nói rồi ông ngước nhìn bức ảnh Bác giữa gian chính, trên đó còn nghi ngút khói hương.
Ông Nguyễn Văn Hiền sinh năm 1950 tại Lạng Giang, Hà Bắc (nay là Bắc Giang). Năm 16 tuổi, ông cùng gia đình lên đất Đô Lương lập nghiệp. Cũng từ năm đó ông ý thức làm kinh tế ở miền núi phải dựa vào rừng. Thế là ông cùng gia đình khai phá trồng rừng. Năm 1969, ông được giao làm tổ viên tổ mộc của hợp tác xã, được trực tiếp sử dụng bộ đồ mộc của Bác Hồ tặng. Từ đó đến nay gia đình ông khai thác hàng chục ha rừng. Cách làm của ông là tiết kiệm đất, không để đất trống, liên doanh sản xuất với lâm trường. Từ trồng rừng mỗi vụ đã cho gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng. Cũng từ trồng rừng, gia đình ông xây được một ngôi nhà trị giá hàng tỉ đồng. Ngoài ra ông còn vận động nhân dân trong toàn thôn tích cực trồng rừng sản xuất. Nhiều hộ gia đình học theo cách làm của ông đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Hiện nay mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn tích cực trồng rừng theo lời Bác dạy. Ông tâm sự: “Với quê hương thứ hai xã Đô Lương của ông đã cho ông cơ hội để có rừng và làm rừng. Rồi ông nói thật giản dị: “Làm rừng tốt là đã làm tốt một điều Bác dạy”.
Ý kiến ()