Người dân thụ động với quy định thủ tục hành chính
LSO-“Chung tay cải cách thủ tục hành chính” là thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân tham gia cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Thực tế công tác này còn gặp nhiều khó khăn, một phần do sự thụ động của người dân trước những quy định của TTHC.
Tiếp nhận giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn |
Quy định của một TTHC bao gồm: tên thủ tục, trình tự thực hiện, cách thức thực hiện, thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, đối tượng và cơ quan thực hiện, kết quả thực hiện… Qua nỗ lực cải cách TTHC, thời gian qua có nhiều thủ tục được đơn giản hóa về quy định tuy nhiên vẫn còn nhiều thủ tục gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Thực tế còn rất nhiều người dân chưa hiểu biết hết quyền lợi của mình trong quá trình giải quyết TTHC, vì thế trước những quy định bất hợp lý thì còn thờ ơ phản ánh, kiến nghị để đưa ra cách giải quyết hợp lý. Như trường hợp chị Trần Thị Thức, khối 7, phường Tam Thanh đã cùng gia đình sống ở thành phố Lạng Sơn 6 năm nhưng đến nay vẫn chưa có sổ tạm trú. Theo chị, việc làm sổ tạm trú quá rườm rà, phức tạp, liên quan đến rất nhiều cơ quan, nhiều cấp như khối, công an phường, UBND phường. Lúc mới lên Lạng Sơn sinh sống, chị đã làm thủ tục đăng ký tạm trú nhưng mỗi nơi lại đòi hỏi những thủ tục rườm rà, cách giải quyết phức tạp khiến chị không biết phản ánh ở đâu đành phải sống không đăng ký tạm trú. Hiện nay, trong gia đình chị có người ốm đau đều phải đi khám tư nhân hoặc bệnh nặng thì về đúng cơ sở y tế ở quê (tỉnh Phú Thọ) khám chữa bệnh vì không có đăng ký tạm trú, gia đình chị không thể mua bảo hiểm y tế tự nguyện tại Lạng Sơn.
Trên thực tế, hiện còn nhiều bức xúc về sự rườm rà, phức tạp của nhiều quy định hành chính hoặc hành vi không thực hiện đúng quy định của các cán bộ, công chức, cơ quan hành chính nhà nước khi giải quyết công việc liên quan tới họ. Tuy nhiên vấn đề đáng nói là người dân không mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình với những quy định bất hợp lý về quy định của TTHC. Qua theo dõi, số lượng phản ánh, kiến nghị của người dân về quy định hành chính đến các cơ quan quản lý nhà nước chưa tương xứng với thực tế đang diễn ra. Số liệu cung cấp từ Phòng Kiểm soát TTHC, Sở Tư pháp Lạng Sơn thì từ khi triển khai Đề án 30, sau đó là hoạt động kiểm soát TTHC theo Nghị định 63 của Chính phủ đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chưa hề nhận được một phản ánh, kiến nghị hay đề xuất nào từ phía người dân, doanh nghiệp thắc mắc về những quy định của TTHC để từ đó đề nghị phương án đơn giản hóa.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thu – Phó Trưởng Phòng Kiểm soát TTHC, Sở Tư pháp cho biết: Trong khi thực tế thì lại có rất nhiều TTHC rườm rà, phiền phức gây ảnh hưởng đến người dân. Ở chỗ này, chỗ nọ, người dân còn kêu ca, phàn nàn về sự rườm rà của TTHC gây khó khăn trong đi lại, tốn kém tiền bạc cho người dân, tạo cơ hội và kẽ hở để cán bộ sách nhiễu, lợi dụng. Nhưng những ý kiến, thắc mắc đó không được người dân đề xuất, phản ánh với cơ quan nhà nước, đơn vị chức năng vì thế trong quá trình hoạt động nghiệp vụ, chúng tôi không có căn cứ để xử lý hoặc tháo gỡ vướng mắc cho người dân. Nguyên nhân của tình trạng này là do người dân có tâm lý ngại va chạm với cán bộ, lo lắng sau khi thắc mắc thì cán bộ sẽ càng lâu giải quyết thủ tục của mình. Nhiều người nghĩ rằng, quy định của thủ tục là như vậy rồi thì cứ thế mà chấp hành. Hoặc có người muốn thắc mắc nhưng không biết thắc mắc, phản ánh với cấp chính quyền, cơ quan nào bởi trên thực tế nhiều cơ quan, đơn vị không niêm yết địa chỉ tiếp nhận, số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh, kiến nghị.
Để người dân đóng vai trò quan trọng trong công tác cải cách TTHC, trước hết phía cơ quan nhà nước nhất là đơn vị trực tiếp giải quyết TTHC cho người dân cần làm tốt việc tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị của người dân bằng cách công khai đầy đủ thông tin về địa chỉ, số điện thoại tiếp nhận; cán bộ cũng nên tăng cường hướng dẫn và khuyến khích người dân đưa ra thắc mắc của mình và tiếp nhận các ý kiến thắc mắc đó để giải quyết có chất lượng, đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Về phía người dân – một trong những nhân tố liên quan trực tiếp đến giải quyết TTHC, chính người dân là người thực hiện TTHC mới dễ dàng phát hiện ra những bất hợp lý trong quy định để đề xuất cải cách vì thế người dân cần phải thấy được vai trò của mình trong quá trình giải quyết TTHC, mạnh dạn nêu lên những quy định bất hợp lý, gây khó cho bản thân… Có như vậy công cuộc cải cách TTHC mới dần đi vào hiệu quả.
MINH ĐỨC
Ý kiến ()