Người dân Thạch Đạn sử dụng hiệu quả vốn chính sách
– Thời gian qua, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Gia đình chị Đinh Thị Lích, thôn Nà Sla trước đây là hộ nghèo, gia đình chủ yếu làm nông nghiệp. Do không có vốn đầu tư nên kinh tế gia đình khó khăn, sau khi được Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, vận động, năm 2015, gia đình chị đã vay 60 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư trồng rừng. Chị Lích cho biết: Nhờ sự định hướng của cán bộ Hội Phụ nữ xã, gia đình tôi đầu tư trồng được 6 ha rừng bạch đàn. Năm 2021, diện tích rừng của gia đình tôi được khai thác đã đem lại thu nhập 300 triệu đồng, nhờ đó, gia đình tôi vươn lên thoát nghèo và trả được nợ ngân hàng, đồng thời có vốn trồng lại toàn bộ diện tích rừng đã khai thác. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn có vốn trồng cây thông và chăm sóc 1 ha thông đang cho khai thác.
Người dân xã Thạch Đạn phát triển kinh tế đồi rừng
Không chỉ gia đình chị Lích, nhiều gia đình khác trên địa bàn xã nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tính đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay trên địa bàn xã đạt 17,3 tỷ đồng với 339 hộ vay. Trong đó, riêng chương trình cho vay hộ nghèo là 4,4 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo là 2,3 tỷ đồng.
Để nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai hiệu quả trên địa bàn, hằng năm, Đảng ủy, chính quyền xã luôn chú trọng phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các chương trình tín dụng chính sách xã hội đến người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ đó, người dân đã hiểu và chủ động vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế hiệu quả. Việc ủy thác vay vốn qua các tổ chức chính trị – xã hội đã giúp người dân tiếp cận vốn nhanh chóng, cùng với đó, các tổ chức hội chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân sử dụng vốn vay hiệu quả.
Bên cạnh đó, hằng năm, UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức từ 2 đến 4 lớp tập huấn dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, xã thành lập các tổ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của người dân, hằng năm kiểm tra 100% tổ tiết kiệm và vay vốn và các hộ vay.
Ông Lăng Văn Khá, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Đạn cho biết: Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả. Khi các hộ vay vốn, cấp ủy, chính quyền xã cùng các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, hướng dẫn người dân đầu tư nguồn vốn phù hợp với điều kiện, thế mạnh của xã là kinh tế đồi rừng. Nhờ đó, đến nay, trên 90% số hộ vay sử dụng vốn để trồng, chăm sóc rừng. Hiện nay, diện tích rừng toàn xã là trên 2.600 ha gồm thông, keo, bạch đàn.
Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, đến nay, trên địa bàn xã có nhiều hộ thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng/năm. Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang. Bên cạnh các chương trình, nguồn lực hỗ trợ khác, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần vào công tác giảm nghèo của xã, năm 2021, toàn xã còn 40 hộ nghèo, chiếm 5,89%, giảm 21,41% so với năm 2019. Với những kết quả đó, tháng 7/2022, UBND xã Thạch Đạn được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
“Trong các xã vùng 3 của huyện, Thạch Đạn là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn có dư nợ cao nhất huyện. Những năm qua, người dân trên địa bàn xã vay vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, không có nợ quá hạn, 100% tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tốt. Nhờ đó, tỷ lệ thu nợ, thu lãi hằng tháng đều đạt 100%. Qua đó, tạo thuận lợi cho hoạt động của ngân hàng, giúp người dân có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn; góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã”. Ông Trần Quý Dương, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện |
HIỂU LAM
Ý kiến ()