Người dân tăng thu từ trồng lạc
– Những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh đã mở rộng diện tích trồng lạc, đưa những giống lạc mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Từ đó, giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Bắc Sơn là huyện có diện tích trồng lạc lớn nhất tỉnh với hằng năm trên 1.000 ha (2 vụ). Cây lạc ở Bắc Sơn được trồng nhiều ở các xã: Nhất Tiến, Tân Hương, Tân Tri…, với năng suất trung bình đạt trên 15 tạ/ha, sản lượng trên 1.600 tấn/năm.
Là hộ trồng lạc hơn 10 năm nay, anh Hoàng Doãn Bằng, thôn Đon Úy, xã Tân Hương cho biết: Hằng năm, tôi đều trồng trên 2 mẫu lạc, giống lạc L14 cho năng suất cao. Mỗi năm, tôi thu hoạch được hơn 3,5 tấn lạc tươi, với giá bán trung bình trên 10.000 đồng/kg, mỗi năm tôi thu về hơn 40 triệu đồng. Tôi nhận thấy trồng lạc có hiệu quả kinh tế khá cao, ít công chăm sóc, chi phí đầu tư ít mà thị trường tiêu thụ ổn định, vì vậy, tôi vẫn duy trì diện tích đó để tăng thu nhập cho gia đình.
Người dân thôn Khòn Nưa, xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng thu hoạch lạc
Không chỉ tại huyện Bắc Sơn, người dân tại các huyện khác trong tỉnh cũng đã đưa cây lạc vào trồng nhằm tăng thu nhập. Theo các hộ dân trồng lạc, đất trồng lạc phải đảm bảo cao ráo, thoát nước nhanh khi có mưa to. Thành phần cơ giới của đất trồng lạc tốt nhất là loại đất thịt nhẹ, cát pha để đất luôn tơi xốp. Trước khi gieo trồng lạc, đất phải được cày sâu, bừa kỹ để tơi xốp, thoáng khí và sạch cỏ dại thì cây mới phát triển tốt.
Được biết, trước đây, người dân trong tỉnh chỉ trồng lạc với diện tích nhỏ và sử dụng giống lạc vỏ đỏ, năng suất chưa cao. Trong 4 năm trở lại đây, người dân đã đưa giống lạc có năng suất, chất lượng cao vào trồng, như các giống: sen lai, L14, L19, BG…
Theo số liệu từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, diện tích lạc trên địa bàn tỉnh trong 5 năm trở lại đây đều duy trì trên 2.800 ha. Trong năm 2021, toàn tỉnh trồng 2.847 ha, năng suất đạt 18 tạ/ha (tăng 0,7 tạ so với năm 2020), sản lượng đạt 5.124 tấn. Không chỉ năng suất tăng, giá lạc năm nay cũng tăng, giá lạc vỏ khô đạt 31.000 đồng/kg, lạc nhân đạt 59.000 đồng/kg (cao hơn 4.000 đồng so với năm 2020), lạc tươi đạt 18.000 đồng/kg (cao hơn 3.000 đồng so với năm 2020).
Ông Hoàng Văn Lợi, Phó Trưởng Phòng Trồng trọt, Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Cây lạc có giá trị kinh tế cao hơn so với một số cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích, phù hợp với tập quán canh tác của người dân trong tỉnh. Thu nhập từ sản xuất giống lạc trong vụ hè thu và thu đông đạt trên 50 triệu đồng/ha, cao hơn cây trồng khác (cây ngô) trên cùng chân đất từ 25 triệu đến 30 triệu đồng/ha. Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, cây lạc còn có tác dụng bảo vệ môi trường sinh thái, từ việc giảm thiểu chi phí phân bón hóa học đối với cây trồng vụ sau trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác (do cây lạc có khả năng cố định đạm, cải tạo đất thông qua các nốt sần ở rễ cố định đạm và chất xanh trong thân lá).
Không chỉ mở rộng diện tích trồng lạc, ứng dụng những giống mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số hợp tác xã, cơ sở sản xuất quan tâm sản xuất, chế biến dầu ăn thực vật từ hạt lạc. Theo đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Hưng (thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn) chế biến dầu lạc, với công suất chế biến 1 tấn lạc/ngày, sản lượng dầu lạc tiêu thụ đạt 10.000 lít/năm; cơ sở chế biến dầu lạc Linh Khôi (huyện Văn Lãng) với công suất chế biến 25 kg lạc khô/giờ, sản lượng tiêu thụ 3.000 lít/năm.
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thời gian tới, chi cục sẽ tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, đặc biệt là áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất thâm canh cây lạc như: phương pháp phủ nilon, cách bón phân cho cây… Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng những mô hình trình diễn, thử nghiệm những giống lạc mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Đồng thời, quan tâm, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp bao tiêu, chế biến các sản phẩm từ lạc, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cây lạc trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ lạc là rất lớn, đặc biệt trên địa bàn tỉnh đã phát triển một số cơ sở chế biến các sản phẩm từ hạt lạc. Do đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các mối liên kết tiêu thụ sản phẩm sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương
Ý kiến ()