Người dân sinh sống tại khu vực nguy cơ sạt lở đất: Mong sớm an cư
- Từ tháng 6/2024 đến nay, do ảnh hưởng của mưa bão, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh xuất hiện hiện tượng sạt lở hoặc nguy cơ sạt lở đất rất cao. Để đảm bảo an toàn, nhiều hộ dân đã được hỗ trợ di dời đến nơi an toàn. Tuy nhiên, cuộc sống “ăn nhờ, ở đậu” gây nhiều khó khăn cho người dân. Chính vì vậy, nhiều hộ dân mong muốn các cấp, ngành liên quan sớm triển khai các biện pháp để ổn định cuộc sống.
Theo thống kê của các huyện, thành phố, từ tháng 6/2024 trở lại đây, mưa bão gây ra 8 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở rất cao gây ảnh hưởng trực tiếp đến 66 hộ gia đình với 230 nhân khẩu.
Cuộc sống khó khăn
Trong số 8 điểm sạt lở này hiện một số điểm đã triển khai khắc phục bước đầu và cơ bản đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm nguy cơ sạt lở rất cao như điểm sạt lở tại khu 8+10, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình; thôn Bản Chầu, xã Lương Năng, huyện Văn Quan... hiện nay, người dân vẫn chưa thể chuyển về chỗ ở cũ mà vẫn phải sống tạm ở những nơi khác để đảm bảo an toàn.
Bà Hoàng Thị Nhít, khu 8+10, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình chia sẻ: Sau bão số 3, tại quả đồi cạnh nhà tôi đã xuất hiện vết nứt lớn, để đảm bảo an toàn gia đình tôi đã di chuyển ra khỏi nhà. Bản thân tôi đi ở nhờ nhà con gái, 2 con trai phải đi thuê trọ vừa tốn kém thêm chi phí, vừa bất tiện trong sinh hoạt. Hiện tại, ở nhà vẫn còn vườn cây và đàn gà nên thi thoảng tôi vẫn phải về để chăm sóc.
Tương tự như gia đình bà Nhít, ngay sau khi phát hiện điểm nguy cơ sạt lở đất rất cao tại khu vực đang sinh sống, gia đình ông Hoàng Văn Tuấn, thôn Bản Chầu, xã Lương Năng, huyện Văn Quan đã di chuyển khỏi nhà đang ở để đảm bảo an toàn.
Ông Tuấn cho biết: Để đảm bảo an toàn gia đình tôi đã chia ra đi ở nhờ nhà người thân, còn tôi làm lán tạm ở vị trí an toàn để sinh sống. Tuy nhiên, việc ở lán tạm rất bất tiện, tôi không thể tự nấu ăn cũng như đảm bảo các sinh hoạt thường ngày khác mà vẫn phải đi nhờ nhà người quen. Chưa kể hiện nay, thời tiết chuyển mùa, vào ban đêm nhiệt độ giảm khiến cho việc ở lán lại càng khó khăn hơn. Mặc dù biết là sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào, song hằng ngày tôi vẫn phải về để chăm sóc đàn lợn của gia đình.
Cùng với 2 hộ gia đình kể trên, hiện nay còn 22 hộ gia đình ở điểm sạt lở thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình và xã Lương Năng, huyện Văn Quan vẫn phải ở nhờ, ở trọ hoặc ở các lán trại dựng tạm bợ. Nhiều hộ gia đình khác tại các điểm sạt lở thuộc xã Tam Gia, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình; thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc; thị trấn Hữu Lũng, xã Nhật Tiến và xã Đồng Tiến của huyện Hữu Lũng đã di chuyển về nơi ở cũ. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn thấp thỏm, lo lắng bởi nguy cơ sạt lở vẫn hiện hữu.
Tập trung triển khai biện pháp khắc phục
Ngay khi xuất hiện tình trạng sạt lở, nguy cơ sạt lở đất cao đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân, các cấp, ngành liên quan đã triển khai các biện pháp để di dời người dân đến nơi an toàn. Đồng thời, một số điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở đã được khắc phục tạm thời bằng cách xúc bớt đất tại các điểm sạt; trải bạt che chắn khu vực lún, nứt; đào rãnh thoát nước... Tuy nhiên, tất cả đó chỉ là biện pháp tạm thời. Hiện nay, các cấp, ngành liên quan đang tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục lâu dài.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Hiện nay, UBND tỉnh đã có văn bản về việc sử dụng các nguồn kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, trong đó có nội dung giao UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng khảo sát, đánh giá các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao, nếu cần thiết được phép thuê đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá; trình công bố tình trạng khẩn cấp; rà soát từng hộ gia đình trong diện phải di dời khẩn cấp về quỹ đất còn lại của gia đình trong địa bàn thôn, xã và khả năng tự bố trí được để có phương án bố trí tái định cư cho người dân, trước hết là tái định cư phân tán, trường hợp số lượng hộ gia đình bị ảnh hưởng lớn, không thể bố trí tái định cư phân tán thì lập đề xuất, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét bố trí tái định cư tập trung.
Từ chỉ đạo của tỉnh, các huyện đã tập trung triển khai các nội dung công việc cụ thể. Ông Hoàng Văn Thuận, Chủ tịch UBND huyện Văn Quan cho biết: Đối với các hộ dân tại điểm nguy cơ sạt lở cao ở xã Lương Năng, trước mắt, các lực lượng đã hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn. Về giải pháp lâu dài, trong tháng 10/2024, UBND huyện đang tính toán nguồn kinh phí để hỗ trợ các hộ dân đã có đất để xây dựng nhà ở. Đồng thời, yêu cầu UBND xã Lương Năng rà soát vị trí dự kiến làm nhà của các hộ phải đảm bảo an toàn mới đồng ý cho phép làm nhà. Đối với hộ dân chưa có đất làm nhà, hiện nay huyện đang lên phương án tìm vị trí đất phù hợp để bố trí hỗ trợ người dân.
Còn tại huyện Lộc Bình, ông Hoàng Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện nay, các cơ quan chuyên môn của huyện, đơn vị tư vấn đã khảo sát, đánh giá thực trạng cụ thể tại 3 điểm nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn huyện để lên phương án khắc phục. Đối với vị trí không khắc phục được, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp cùng người dân rà soát quỹ đất, vị trí phù hợp để lên phương án xây dựng tái định cư...
Cùng với 2 huyện Lộc Bình và Văn Quan, hiện nay, các huyện khác có điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở cao cũng đang tập trung triển khai các bước để khắc phục. Điển hình như huyện Cao Lộc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai các bước thiết kế để xây dựng kè chống sạt lở; huyện Hữu Lũng chỉ đạo các xã hỗ trợ người dân cắt tầng hạ độ cao taluy gây nguy cơ sạt lở, tổ chức dọn dẹp đất sạt lở...
Mặc dù các cấp, ngành đã có những giải pháp khắc phục bước đầu cũng như hướng giải quyết lâu dài, song hơn 1 tháng kể từ khi bão số 3 đi qua, nhiều hộ dân vẫn phải rời bỏ nhà cửa để sống nhờ, sống tạm. Nhiều hộ dân khác mặc dù đã về sinh sống tại nhà nhưng vẫn luôn lo sợ sự cố sạt lở có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản. Từ đó, người dân tại khu vực sạt lở, nguy cơ sạt lở cao rất mong các cấp, ngành quan tâm hơn nữa, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bước khắc phục để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Ý kiến ()