Người dân sẽ được sử dụng miễn phí phần mềm chống lừa đảo trực tuyến
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong năm 2023, đã ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP; trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Điều đáng nói là tình trạng lừa đảo trực tuyến vẫn tiếp tục gia tăng khi chỉ tính trong tháng 6/2024, đã có hơn 4.000 phản ánh trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam gửi về cổng cảnh báo an toàn thông tin mạng quốc gia.
PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia về vấn đề này.
PV: Tình trạng lừa đảo trực tuyến hiện nay đang gia tăng xuất phát từ những nguyên nhân nào, thưa ông?
Ông Vũ Ngọc Sơn: Lừa đảo trực tuyến đã và đang là vấn nạn phổ biến trên không gian mạng toàn cầu và tại Việt Nam. Nguyên nhân đầu tiên là do nguồn lợi mà các đối tượng lừa đảo thu được tương đối lớn. Đây là động cơ để các đối tượng liên tục thay đổi thủ đoạn, hành vi lừa đảo với mục tiêu cuối cùng là chiếm đoạt tiền của người dùng. Nguyên nhân thứ 2 là hiện nay việc thay đổi nhận thức, hành động của người dùng khi chuyển từ không gian thực lên không gian mạng còn chậm nên một bộ phận người dân vẫn bị “sập bẫy” lừa đảo.
Nguyên nhân thứ ba là các đối tượng lừa đảo liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn lừa đảo khi từ 24 phương thức cơ bản ban đầu, các đối tượng đã kết hợp, xáo trộn các phương thức với nhau khiến cho số lượng các hình thức lừa đảo được tăng lên theo cấp số nhân. Sự biến hóa khó lường này khiến cho người dân nếu không có kỹ năng an toàn thì sẽ rất khó nhận diện tất cả các thủ đoạn lừa đảo và có giải pháp phòng tránh.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, người cao tuổi đang trở thành “đích ngắm” của tội phạm mạng khi đây là nhóm người mà kiến thức, kỹ năng an toàn trên môi trường số còn hạn chế. Theo ông, cần phải làm gì để bảo vệ nhóm yếu thế này?
Ông Vũ Ngọc Sơn: Tội phạm mạng hiện nay đều nhắm tới tất cả các đối tượng khác nhau trong xã hội từ các em học sinh đến người lớn tuổi. Tuy nhiên, do tỷ lệ thành công ở nhóm người lớn tuổi thường cao hơn các nhóm khác nên tội phạm lừa đảo đang có xu hướng tập trung hơn vào nhóm đối tượng này. Thực tế cho thấy, khả năng cập nhật các công nghệ, các phần mềm bảo vệ cũng như các thông tin, thủ đoạn lừa đảo mới của người lớn tuổi đang có những hạn chế nhất định so với giới trẻ.
Trong khi đó, quan sát từ các vụ lừa đảo trực tuyến có thể thấy, một trong những lý do khiến nhiều người lớn tuổi bị sập bẫy lừa đảo là do các đối tượng đã tìm cách thao túng tâm lý để tách người già ra khỏi con cháu, làm mất kết nối giữa người cao tuổi với các thành viên khác trong gia đình. Do đó, rất cần sự chung tay của xã hội, đặc biệt là người thân, con cháu trong gia đình nhằm hỗ trợ, giúp đỡ ông bà, cha mẹ của mình tăng cường năng lực tự bảo vệ trước mối nguy lừa đảo trực tuyến đang ngày càng gia tăng.
PV: Trên thực tế, các thủ đoạn lừa đảo luôn biến hóa liên tục nên bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dùng thì theo ông, cần thêm những giải pháp kỹ thuật, pháp lý nào?
Ông Vũ Ngọc Sơn: Trong thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước đã thắt chặt quản lý SIM rác, số điện thoại rác, “quét” tài khoản ngân hàng rác, vốn được xem là những công cụ được tội phạm mạng triệt để lợi dụng trong thời gian qua. Đặc biệt, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định khách hàng muốn chuyển khoản trên 10 triệu đồng hoặc trị giá trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực sinh trắc học, tức bắt buộc phải kiểm tra khuôn mặt của người giao dịch với khuôn mặt chủ tài khoản khi mở tài khoản.
Cùng với đó, dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 52 về thanh toán không dùng tiền mặt, thay thế Nghị định 101 trước đây cũng quy định, từ 1/7 người dân mở tài khoản ngân hàng bằng phương thức điện tử phải sử dụng CCCD có gắn chip. Đây có thể nói là công cụ rất hữu hiệu trong phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng, khi thu hẹp phạm vi hoạt động của các đối tượng lừa đảo bằng cách loại bỏ hầu hết các tài khoản ngân hàng "rác".
Về phía các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cũng đang chuẩn bị ra mắt phần mềm chống lừa đảo trực tuyến. Đây là ứng dụng cho điện thoại thông minh (smartphone), được cung cấp hoàn toàn miễn phí, hỗ trợ 2 hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay là Android và iOS. Phần mềm được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ hữu hiệu phát hiện các dấu hiệu lừa đảo trên mạng, đồng thời góp phần nâng cao kỹ năng an toàn cho người dùng.
PV: Theo ông, việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại và xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền liệu có ngăn ngừa được lừa đảo trực tuyến?
Ông Vũ Ngọc Sơn: Việc Bộ TT&TT sửa Nghị định 72, trong đó bổ sung quy định xác thực tài khoản mạng xã hội của người dùng bằng số điện thoại có ý nghĩa quan trọng vì như hiện nay, trên không gian mạng có rất nhiều đối tượng ẩn danh, chúng ta không biết đối tượng đấy là ai, ở đâu. Trong khi đó, hiện số điện thoại của người dùng đã được xác thực, liên kết với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại sẽ giúp cơ quan chức năng xác định rõ được ai là ai trên không gian mạng. Thậm chí trong một số vụ việc có thể giúp cơ quan chức năng điều tra, truy vết, đấu tranh, từ đó có thể thu hồi được dòng tiền cho các nạn nhân đã bị lừa đảo. Còn việc Ngân hàng Nhà nước ra quy định yêu cầu áp dụng xác thực sinh trắc học với các giao dịch từ 10 triệu đồng sẽ hạn chế các tài khoản "rác", tài khoản ảo.
Thực tế cho thấy, trong quy trình phạm tội, các đối tượng lừa đảo sử dụng các tài khoản ngân hàng "rác" để nhận tiền của nạn nhân, sau đó sẽ thuê nhân sự trực các tài khoản này. Khi tài khoản phát sinh số dư, số tiền sẽ tiếp tục được chuyển lòng vòng sang tài khoản khác hoặc đổi ra tiền điện tử, từ đó chuyển ra nước ngoài để gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc truy vết và thu hồi tiền. Khi yêu cầu xác nhận sinh trắc học, nếu nạn nhân có chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo thì tiền vẫn nằm ở đó và có khả năng lấy lại do đối tượng lừa đảo không chuyển đi tiếp được.
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, thực tế vẫn còn nguy cơ các đối tượng lừa đảo thuê người lập tài khoản và thuê chính những người này thực hiện việc chuyển tiền cho chúng. Do đó, bên cạnh biện pháp tăng cường xác thực sinh trắc học từ ngày 1/7, vẫn cần tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động nhận biết các hình thức lừa đảo, cũng như tăng cường giáo dục pháp luật cho người dân để không trực tiếp tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo như cho thuê tài khoản, làm thuê việc chuyển tiền…
PV: Theo kế hoạch, phần mềm chống lừa đảo trực tuyến sẽ chính thức ra mắt trong tháng 7. Theo ông, sự ra đời của phần mềm này sẽ hỗ trợ người dân như thế nào trong việc phòng, chống lừa đảo trực tuyến?
Ông Vũ Ngọc Sơn: Phần mềm phòng, chống lừa đảo cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hiệp hội an ninh mạng quốc gia đặt kế hoạch hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2024. Đây là dự án mang tính cộng đồng, phi lợi nhuận, không sử dụng ngân sách nhà nước, kinh phí được huy động từ nguồn tài trợ xã hội.
Từ thực tế nghiên cứu kỹ các hình thức lừa đảo cũng như các tổ hợp biến thể mà các đối tượng đã sử dụng, với 5 điểm chốt chặn quan trọng, phần mềm sẽ phát hiện các dấu hiệu không an toàn thông qua kiểm tra số điện thoại, địa chỉ website (link), kiểm tra số tài khoản, quét mã độc và kiểm tra mã QR. Phần mềm phòng, chống lừa đảo sẽ được cung cấp trên 2 chợ ứng dụng chính thức là Google Play và App Store. Sử dụng công nghệ điện toán đám mây, nhờ đó luôn cập nhật được các mẫu nhận diện lừa đảo mới nhất.
Cơ sở dữ liệu lừa đảo sẽ được kết nối, cập nhật từ các bộ, ngành trong nước như Bộ Công an, Bộ TT&TT, Ngân hàng Nhà nước và các bên liên quan khác. Hệ thống cũng sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu các công ty an ninh mạng là thành viên của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cũng như các tổ chức chống lừa đảo quốc tế để phát huy sức mạnh tổng hợp.
Dự kiến, phần mềm chống lừa đảo sẽ chính thức ra mắt trong tháng 7. Người dùng có thể theo dõi, cập nhật các thông tin mới nhất về Phần mềm phòng, chống lừa đảo trên website chính thức của Hiệp hội an ninh mạng quốc gia tại địa chỉ https://nca.org.vn.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Ý kiến ()