Người dân Phú Yên lao đao vì tôm hùm chết hàng loạt
Do mật độ nuôi quá dày, nguồn nước bị ô nhiễm cho nên tôm hùm của nhiều hộ dân ở thôn Vũng Rô chết hàng loạt. Hơn một tháng qua, tôm hùm nuôi trong lồng, bè chết hàng loạt, người nuôi thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Tình trạng này vẫn chưa dừng lại, hàng trăm hộ dân có nguy cơ trắng tay. Tôm hùm chết xảy ra tại hai vùng nuôi trồng thủy sản lớn của tỉnh Phú Yên, là đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu và vịnh Vũng Rô Xuân thuộc huyện Đông Hòa.Xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu nơi được xem là "vương quốc tôm hùm" của cả nước, đang có khoảng 8.700 lồng với gần 610 nghìn con tôm hùm thương phẩm đang nóng lên từng ngày với tình trạng tôm hùm chết ngày càng nhiều. Mỗi ngày người nuôi lặn vớt lên hàng tấn tôm chết trong đêm, đem bán đổ bán tháo để gỡ gạt tiền thức ăn nuôi tôm. Tôm chết chủ yếu là loại tôm thịt đã được nuôi khoảng từ 10 đến 12 tháng tuổi, có trọng lượng từ 0,3 đến 0,6 lạng/con. Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh...
Do mật độ nuôi quá dày, nguồn nước bị ô nhiễm cho nên tôm hùm của nhiều hộ dân ở thôn Vũng Rô chết hàng loạt. |
Xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu nơi được xem là “vương quốc tôm hùm” của cả nước, đang có khoảng 8.700 lồng với gần 610 nghìn con tôm hùm thương phẩm đang nóng lên từng ngày với tình trạng tôm hùm chết ngày càng nhiều. Mỗi ngày người nuôi lặn vớt lên hàng tấn tôm chết trong đêm, đem bán đổ bán tháo để gỡ gạt tiền thức ăn nuôi tôm. Tôm chết chủ yếu là loại tôm thịt đã được nuôi khoảng từ 10 đến 12 tháng tuổi, có trọng lượng từ 0,3 đến 0,6 lạng/con. Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh Lê Minh Hoan cho biết: Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, đến nay số lượng tôm chết không dưới 35 nghìn con, tập trung ở hai thôn Phú Dương và Vịnh Hòa. Cá biệt có hộ tôm chết đến 70%, như trường hợp gia đình ông Phạm Xuân Thinh ở thôn Phú Dương. Ông Thinh cho biết, đang thả nuôi 3.500 con tôm hùm, đến nay tôm chết hơn một nửa và đang tiếp tục chết.
Tương tự như ông Phạm Xuân Thinh và nhiều hộ dân khác ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, các hộ dân đang nuôi tôm ở thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa số tôm nuôi cũng đã chết 50-70%, như gia đình ông Lê Văn Thanh thả nuôi 3.000 con hiện chỉ còn khoảng 1.000 con, ông Đặng Văn Ngời thả nuôi 3.000 con hiện còn gần 2.000 con, ông Trần Đăng Tuấn thả nuôi 8.000 con còn lại hơn 4.000 con. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Xuân Nam Đặng Văn Ngời cho biết, toàn xã có khoảng 460 hộ, thả nuôi 400 bè tôm ở khu vực Vũng Rô, với khoảng 800 nghìn con. Đến nay số lượng tôm hùm nuôi ở Vũng Rô bị chết chiếm khoảng 50% số lượng, trong đó có nhiều hộ tôm bị chết đến hơn 70% số lượng thả nuôi.
Hiện nay giá tôm hùm thương phẩm đang ở mức rất cao, tôm hùm loại 1 (1 kg/con trở lên) giá từ 2,2 đến 2,3 triệu đồng/kg; loại 2 (từ 0,7-0,9 kg/con) giá từ 2,1 đến 2,2 triệu đồng/kg; loại 3 (từ 0,5 đến 0,8 kg/con) giá từ 2 đến 2,1 triệu đồng/kg, là thời điểm giá tôm hùm đạt cao nhất từ trước đến nay. Thế nhưng khi tôm chết như hiện nay bà con vớt lên chỉ bán được với giá từ 200 đến 270 nghìn đồng/kg. Thiệt hại cho người nuôi tôm là quá lớn, đến thời điểm này theo ước tính thiệt hại tại các vùng nuôi lên đến hơn 250 tỷ đồng.
Trước tình trạng tôm chết quá nhanh, bà con không kịp trở tay, người nuôi tôm phải tự lo liệu bằng cách tăng cường điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh, vitamin C để điều trị bệnh cho tôm nhưng không thể ngăn chặn được tôm chết. Người dân đã báo cáo chính quyền, nhờ các ngành chuyên môn kiểm tra can thiệp. Tuy nhiên việc này gần như nằm ngoài tầm tay của cơ quan chuyên môn.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Trịnh Thị Ái Linh cho biết, Chi cục đã cử cán bộ xuống kiểm tra, kết quả xét nghiệm cả hai vùng nuôi cho thấy, tôm hùm bị chết là do bệnh sữa và đen mang. Đây là loại bệnh thông thường, thường xuyên xảy ra trên tôm hùm nuôi nên Chi cục không lấy bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm.
Theo kinh nghiệm của người nuôi tôm, môi trường tại các khu vực nuôi tôm ở Vũng Rô, đầm Cù Mông ngày càng bị ô nhiễm nặng. Do lượng thức ăn cho tôm hằng ngày đổ xuống là rất lớn. Tại Vũng Rô chỉ trên một diện tích hẹp, đã có hơn 400 bè nuôi tôm san sát nhau, mỗi ngày có khoảng từ 8 đến 10 tấn thức ăn tươi bỏ xuống đây. Còn riêng tại xã Xuân Thịnh, mỗi ngày có khoảng 130 tấn thức ăn cho tôm.
Trước đây vài năm, tình trạng tôm chết hàng loạt đã từng xảy ra, gây thiệt hại nặng đến kinh tế cho hàng trăm hộ dân ven biển Phú Yên. Hai năm trở lại đây tình trạng này người nuôi tôm hùm trúng lớn, nên nhiều người đã đổ xô nuôi tôm. Hiện số lượng lồng nuôi tôm hùm ở Phú Yên tăng lên hai, ba lần so với năm trước. Việc nuôi tôm theo kiểu tự phát, không được hướng dẫn một cách bài bản từ các cơ quan chuyên môn, các địa phương không có giải pháp quy hoạch, sử dụng mặt nước nuôi trồng thủy sản hợp lý đã dẫn đến hậu quả lớn.
Trước mắt, tỉnh Phú Yên cần chỉ đạo các địa phương, các ngành chuyên môn, các nhà khoa học hỗ trợ, giúp đỡ người nuôi tôm đang phải đối mặt với nguy cơ trắng tay, nợ nần do hiện tượng tôm nuôi chết hàng loạt. Đồng thời sớm có các giải pháp đồng bộ để phát triển ổn định các vùng nuôi trồng thủy sản, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và môi trường bền vững.
Theo Nhandan
Ý kiến ()