Người dân phố Điềm He 1 mong mỏi một cây cầu
(LSO) – Thôn Đông Pha (cũ) và phố Điềm He 1, xã Văn An, huyện Văn Quan bị chia cắt bởi con suối khá rộng (gần 20 m). Để thuận tiện cho việc đi lại, người dân nơi đây bắc cầu tạm. Bởi là cầu tạm nên hằng năm, mỗi khi mưa lũ, người dân nơi đây lại phải sửa cầu, năm ít cũng sửa 2 đến 3 lần. Mặc dù tốn công, nhưng phải sửa vì đây chính là con đường duy nhất để 15 hộ dân ở Đông Pha có thể đến trung tâm xã Văn An.
Mong mỏi của người dân
Năm 2006, thôn Đông Pha (cũ) sáp nhập vào phố Điềm He 1. Những tưởng sau khi sáp nhập Đông Pha và phố Điềm He sẽ được nối bằng cây cầu kiên cố. Thế nhưng từ đó đến nay, người dân vẫn phải đi qua cây cầu tre đã xuống cấp nghiêm trọng.
Dẫn chúng tôi ra xem cây cầu được người dân tu sửa lại sau trận mưa lũ, ông Cam Văn Bẻo, phố Điềm He 1 chia sẻ: Không biết bao nhiêu lần người dân chúng tôi góp công, góp sức tu sửa cầu này, nhưng chỉ vài hôm mưa lớn thì gần như phải làm lại từ đầu.
Khó khăn về đi lại, một nửa số gia đình nơi đây chuyển sang địa điểm khác để đi lại thuận tiện hơn. Hiện nay còn 8 hộ dân và một số gia đình trồng hồi, trồng rừng phải thường xuyên qua lại cây cầu. Trong đó có 4 cháu đang độ tuổi đi học mẫu giáo chuẩn bị vào cấp 1, các gia đình phải đưa đón thường xuyên để đảm bảo các cháu an toàn khi qua cầu. Cá biệt, khi đi lại qua cây cầu tạm bợ này đã có nhiều trường hợp xảy chân ngã xuống suối, cũng may là vào mùa nước cạn, không gây thiệt hại về người.
Hiện trạng cây cầu tạm nối hai bên bờ suối thôn Đông Pha và phố Điềm He 1
Sau cơn bão số 3 vừa qua, nước tại khe suối lên cao đã làm trôi các nhịp cầu tre, bà con nhân dân lại phải dồn sức sửa sang chiếc cầu tạm. Vừa bế cháu, bà Lương Thị Xim, phố Điềm He 1 vừa dò bước qua chiếc cầu tre đã gẫy mục. “Chúng tôi chỉ mong nhà nước hỗ trợ vật liệu, dân chúng tôi bỏ ngày công, góp sức làm cầu, chứ cầu tạm này thì khổ lắm chú ạ” – Bà Xim bày tỏ.
Bao giờ thì xây dựng?
Anh Triệu Văn Hà, trưởng phố Điềm He 1 cho biết: Tôi làm trưởng phố Điềm He 1 từ năm 2012. Từ đó đến nay đã có ít nhất 3 đoàn khảo sát, đo đạc thực địa để xây cầu, nhưng tới giờ vẫn cầu tạm. Qua rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, tôi đều có ý kiến về việc xây cầu cho bà con nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời cụ thể.
Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã gặp và làm việc với lãnh đạo Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Văn Quan được biết: trước đây, Bộ Giao thông – Vận tải đã tiến hành khảo sát tại địa điểm này để xây dựng cầu kiên cố, tuy nhiên, do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng tại các đường dẫn vào cầu vì giá đất cao, không có kinh phí đền bù nên chưa thực hiện được. Trước nhiều ý kiến của bà con nhân dân, đầu năm 2019, Phòng Kinh tế – Hạ tầng đã tiến hành khảo sát, lập dự toán và hoàn chỉnh hồ sơ để giao cho UBND xã Văn An tổ chức thực hiện với hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm.
Bà Hứa Phong Lan, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Văn Quan cho biết: Phòng Kinh tế – Hạ tầng đã lập dự toán với kinh phí hơn 30 triệu đồng bao gồm các vật liệu như: xi măng, sắt, thép…, kinh phí hỗ trợ sẽ được điều chỉnh, bổ sung theo tình hình thực tế. Trong thời gian tới, phòng sẽ đôn đốc, giám sát tiến độ thi công để hoàn thành và đưa cầu vào sử dụng trong năm 2019.
Hy vọng cây cầu kiên cố ở phố Điềm He 1 sẽ sớm thành hiện thực để nhân dân trên địa bàn thuận lợi hơn trong sinh hoạt, sản xuất.
TRIỆU THÀNH – TIỂU YẾN
Ý kiến ()