tle=”Người dân nông thôn vẫn khát nước sạch” on click=”$('#gallery_44286100_1_349018').click(); return false;” href=”ja vasc ript:void(0);”> Gần 10 năm nay, khoảng 60% số hộ dân ở xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) hoàn toàn không có nước sạch, các giếng nước thường phải đào sâu đến 24m mới có nước. Ảnh : DUY LINH Được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt là điều hết sức bình thường. Nhưng, những ngày này tại nhiều địa phương trong cả nước, nước sinh hoạt đang là mặt hàng “xa xỉ”. Người dân nơi đây đang phải chắt chiu từng giọt nước mua với giá cao và ngóng chờ đến ngày địa phương mình có trạm cấp nước tập trung để được sử dụng nguồn nước sạch.
Cứ hè đến lại “khát” nước
Hiện nay, tuy chưa bước vào thời kỳ cao điểm của nắng nóng, nhưng nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt. Mặc dù những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, việc cung cấp nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, một bộ phận người dân nông thôn vẫn chưa được thụ hưởng thực sự những thành quả này.
Chỉ cách nhà máy nước chừng 3-5 km, nhưng hàng nghìn hộ dân ở bốn xã, phường thuộc TP Biên Hòa (Đồng Nai) là Hóa An, Tân Hạnh, Bửu Hòa, Tân Vạn vẫn chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt triền miên. Vì vậy, hằng năm cứ đến mùa khô, thiếu nước trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Riêng tại xã Hóa An có bốn ấp thì hai ấp thiếu nước, hai ấp còn lại có nước nhưng rất yếu. Các tỉnh miền trung là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt nắng nóng, làm gia tăng tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong thời gian vừa qua. Điển hình là tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm hộ người dân tộc Hrê, xã Nghĩa Thọ, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Người dân nơi đây phải đi bộ cả tiếng đồng hồ mới tới giếng gánh nước. Mặc dù nước giếng cũng không bảo đảm chất lượng, lẫn cát, sạn ở đáy, nhưng không lấy thì không có nước sử dụng. Còn tại Huồi Tụ – xã thiếu nước trầm trọng nhất của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), mới đầu mùa nóng mà người dân đã phải lũ lượt đi bộ hàng chục km vào rừng sâu cõng nước tại các khe suối về sinh hoạt. Theo người dân nơi đây, thời tiết năm nay diễn biến bất thường, mọi năm, chỉ thiếu nước chừng 2-3 tháng, nay vừa đầu hè nước đã thiếu trầm trọng. Chia sẻ với chúng tôi, thầy cô giáo Trường THCS dân tộc bán trú Huồi Tụ cho biết, những ngày này, học sinh bán trú của trường không có nước để nấu ăn, sinh hoạt. Hằng ngày, trước và sau giờ học, các em phải mang can nhựa hứng từng giọt nước hiếm hoi từ trong khe chảy ra. Nước ở đây còn quý hơn cả “vàng”. Không riêng Huồi Tụ mà 16/21 xã ở Kỳ Sơn cũng đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Cũng giống như Kỳ Sơn, tại các huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn nhiều giếng nước, bể chứa của người dân hầu như trơ đáy. Một số nhà đã đào giếng sâu hơn nhưng cũng không có nước. Trước thực trạng trên, hai xã Quỳnh Xuân, Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) đã có nhiều hộ sắm xe tẹc kinh doanh nước sinh hoạt. Những ngày bình thường, một tẹc nước 3-4 m3 nước có giá 150-180 nghìn đồng. Những ngày gần đây, nắng hạn gay gắt, các xe chở nước dù hoạt động cả ngày lẫn đêm vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, giá một xe nước đã tăng lên 200 đến 220 nghìn đồng.
Không riêng gì người dân Nghệ An phải bỏ tiền ra mua nước về sinh hoạt, những ngày này, đi một vòng quanh các huyện ngoại thành Hà Nội thấy một nghịch lý là trong khi người dân các quận nội thành chỉ mua 4.000 đồng/m3 nước sạch thì tại một số xã của các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ba Vì người dân phải bỏ ra 80.000-100.000 đồng, thậm chí cao hơn nữa để mua một mét khối nước về sử dụng. Phải bỏ ra số tiền cao như vậy để mua nước về dùng bởi vì nguồn nước mà người dân sử dụng bao đời nay đang bị ô nhiễm trầm trọng. Các giếng khơi, giếng đào, thậm chí giếng khoan đều không thể sử dụng trong việc ăn uống hằng ngày được nữa. Đời sống người dân đã khó khăn, lại càng khó khăn hơn do phải gánh thêm khoản chi phí lớn từ nước sinh hoạt. Anh Hà Hùng Cường ở xóm Bến, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ cho biết, những ngày này, nguồn nước phục vụ sinh hoạt thiếu trầm trọng. Tại đây hiện chưa có trạm cấp nước tập trung nào, người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước giếng khoan, nhưng giờ nước giếng cũng cạn kiệt, chúng tôi phải đi xin nước của những hộ nguồn nước giếng còn chút ít để về sử dụng.
Nguyên nhân nước sạch thiếu một cách trầm trọng tại các huyện ngoại thành theo lý giải của Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội Lý Thanh Sơn một phần là do tăng dân số cơ học tại các huyện ngoại thành nhanh trong một vài năm qua, kéo theo nó là nhu cầu sử dụng nước sạch cho sinh hoạt tăng, cho nên số trạm cấp nước tập trung chưa đáp ứng được yêu cầu. Thêm vào đó là từ khi nhập Hà Tây về Hà Nội, một số trạm cấp nước tập trung được chuyển tiếp về TP Hà Nội quản lý xây dựng còn dở dang, hiện vẫn chưa có kinh phí để xây dựng tiếp. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước sinh hoạt chỉ xảy ra tại các huyện thuộc Hà Tây (cũ) chứ còn các huyện thuộc ngoại thành Hà Nội cũ đều cơ bản được đáp ứng đủ – ông cho biết.
Những giải pháp khắc phục
Một thực tế đang diễn ra ở nước ta là nông thôn hay các vùng sâu, xa, vẫn đang luôn phải chịu thiệt hơn các vùng thị thành về mọi phương diện. Vấn đề cấp nước sinh hoạt cũng không ngoại lệ. Các dự án nước sạch vẫn chưa thể đến được với mọi đối tượng, do đó nước sinh hoạt, ăn uống người dân ở nông thôn hầu như phụ thuộc vào nguồn nước mưa, nước ao hồ, sông suối… Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tình trạng này không thể kéo dài vì các nguồn nước ở nông thôn đang dần bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu, triều cường, lũ lụt, nước biển dâng gây ngập úng, đồng thời khô hạn, nhiễm mặn càng lúc càng cao, đặc biệt đối với các vùng đồng bằng chiêm trũng. Các chương trình, dự án cấp nước sạch cho nông thôn bước đầu phát huy được tác dụng qua việc hơn 80% người dân được sử dụng nước sạch, tuy nhiên vẫn còn gần 20% số dân nông thôn nước ta vẫn phải dùng nước không hợp vệ sinh.
Để đáp ứng ngày một tốt hơn việc cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân các vùng thường xuyên bị khan hiếm nước, ngoài việc triển khai thực hiện các dự án cấp nước, quản lý vận hành cung cấp nước cho người dân vùng nông thôn, Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chỉ đạo các ngành liên quan thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến nguồn nước từ các điểm cấp nước và lập kế hoạch chống hạn theo lĩnh vực phụ trách, nhằm bảo đảm các nhà máy vận hành được liên tục, ổn định. Ngoài ra, Nhà nước và chính quyền địa phương cần ưu tiên cải thiện điều kiện cấp nước và vệ sinh cho người nghèo, khu vực nghèo; khuyến cáo người dân trữ nước từng lúc để sử dụng cho sinh hoạt, dành nguồn nước ngọt đã dự trữ dành riêng cho việc ăn uống; tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các nhà máy nước xây dựng mới để có thể sớm cung cấp nước sạch cho nhân dân.
Người dân thiếu nước sinh hoạt, phải đi mua nước với giá cao, trong khi đó, nhiều trạm cấp nước lại bỏ hoang. Khắc phục tình trạng đó, thời gian tới, đối với các công trình cấp nước tập trung, nguồn vốn ngân sách T.Ư sẽ hỗ trợ tối đa 90% đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới; 60% đối với xã đồng bằng và 75% đối với xã nông thôn khác. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cần đánh giá cụ thể nguyên nhân vì sao các trạm cấp nước không hoạt động. Trong giai đoạn tới cần tăng cường hiệu quả quản lý sau đầu tư, quản lý vận hành các mô hình cấp nước phù hợp với từng vùng miền. Đồng thời xây dựng cơ chế nhằm nâng cao vai trò làm chủ của người sử dụng trong việc kiểm tra giám sát mọi hoạt động của các hệ thống cấp nước tập trung. Có chính sách khuyến khích đầu tư, cho vay tín dụng, thành lập các đơn vị có tư cách pháp nhân như hợp tác xã, công ty TNHH để xây dựng cũng như quản lý vận hành các hệ thống cấp nước tập trung ở nông thôn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()