Người dân không quay lưng với sách
LSO-Vẫn khao khát, đam mê và... tìm tòi những cuốn sách hay, sách có giá trị. Đó là những ghi nhận của chúng tôi trong ngày hội Sách và văn hóa đọc năm nay.
Học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Trại trao đổi về cuốn sách yêu thích – Ảnh: MINH HỒNG |
TỪ ĐỊNH HƯỚNG ĐỌC SÁCH…
Đang trao đổi với cô Tuệ Thiên Ý, cán bộ Công ty cổ phần đầu tư giáo dục Minh Triết về các tập của cuốn sách “Chắp cánh thiên thần” của Duy Tuệ mà Công ty mang trưng bày tại hội sách, thì gặp chị Đặng Tuyết Trinh, Trưởng Ban đại diện phụ huynh học sinh của Trường Tiểu học Vĩnh Trại. Khi biết chúng tôi muốn phỏng vấn mình, chị nhanh nhẹ chỉ sang cô con gái- cháu Nguyễn Ngọc Hoa, lớp 5A4 trường Tiểu học Vĩnh Trại. Cháu Hoa cho biết: đây là cuốn sách rất hay và nhiều ý nghĩa. Thông qua các câu chuyện thường ngày, tác giả lồng ghép công tác giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho lứa tuổi thiếu nhi. Cháu biết đến quyển này là do mẹ hướng dẫn. Sách hiện đã có 4 tập, khá dày mà không nhàm chán. Đồng ý với ý kiến của bạn, cháu Lương Khánh Mai, bạn cùng lớp nói thêm: “Đã học lớp 5, chúng cháu thường vào mạng để tham khảo thêm kiến thức và những câu chuyện lý thú, song đọc sách là phần không thể thiếu đối với chúng cháu. Vì vậy, tại trường chúng cháu luôn vào thư viện thân thiện để đọc sách theo hướng dẫn của các thầy, cô giáo”.
Cùng mẹ tạt vào quầy sách của Nhà Xuất bản Tân Việt và nhờ cô bán sách lấy giúp cuốn “Khám phá bí ẩn về vũ trụ”, cháu Hoàng Đức Huỳnh, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Chi Lăng rất thích thú khi lần giở từng trang rất sinh động và được in rất đẹp. Tuy vậy, khi lật sau cuốn sách này, thấy giá bìa là 115 ngàn đồng, cháu ngước lên nhìn mẹ vẻ e ngại. Mẹ cháu- chị Lý Thu Hà, giáo viên Trường Tiểu học Chiến Thắng, huyện Chi Lăng nói với chúng tôi: “Thỉnh thoảng em vẫn đưa cháu đi mua sách. Tuy có định hướng song em vẫn chiều theo ý thích của con trẻ. Hôm nay nghe có ngày hội sách đưa cháu đi xem và có lẽ cháu nó ngại vì… giá. Em định nhân thể làm cho cháu cái thẻ mượn tại Thư viện tỉnh để cháu có sách đọc trong dịp hè tới”.
…ĐẾN HÌNH THÀNH VĂN HÓA ĐỌC
Văn hóa đọc hiểu theo nghĩa hẹp là thói quen, sở thích và kỹ năng đọc một cách lành mạnh của mỗi cá nhân. Là một thiết chế văn hóa ở cơ sở, các thư viện từ nhà trường đến thư viện văn hóa, thư viện cá nhân ở tỉnh ta đang rất cố gắng tạo ra và phát triển các tài liệu đọc để thuận tiện cho mọi người; làm sao để mỗi người không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác, thành phần xã hội… đều dễ dàng tìm đến tài liệu đọc mà họ mong muốn. Nếu những năm trước đây, 2 loại hình thư viện cơ sở (thư viện văn hóa và thư viện trường học) hoạt động độc lập, thì tất cả đều nghèo nàn, không đủ đáp ứng nhu cầu người đọc. Vài năm trở lại đây, một mặt ngành văn hóa và ngành GD&ĐT đã có sự liên kết để đưa thư viện văn hóa vào lồng ghép trong nhà trường để sách “tìm” đến người đọc. Mặt khác, xây dựng thư viện văn hóa tại trung tâm xã bao gồm sách văn hóa, sách pháp luật để thu hút đông đảo người đọc hơn. Tuy vậy, do kinh phí có hạn nên các thư viện ít có điều kiện mua mới, bổ sung đa dạng hóa sách, các loại sách văn hóa cũng chỉ ở trong diện sách tài trợ từ các nguồn khác nhau.
Sách nếu không được đọc thì cũng chỉ là những trang giấy in đầy chữ nằm im lìm trong ngăn, trong kệ. Sách thực sự chỉ “sống” khi có người đọc và nó mang lại tác dụng thực sự khi người đọc cần đến những kiến thức trong đó. Anh Hoàng Văn Thắng, cán bộ văn hóa phụ trách thư viện xã Hoàng Văn Thụ (Văn Lãng) cho biết: thư viện xã có trên 3.500 đầu sách gồm sách thiếu nhi, sách chính trị, văn học. Người đọc chủ yếu là các cựu chiến binh với sách kỹ thuật nông nghiệp, cán bộ xã đến đọc sách chính trị, còn thiếu nhi thì chỉ đến để truy cập internet. Có lẽ vì các cháu đã “quá tải” chữ trong nhà trường, nên tìm đến đây chỉ để giải trí.
Trẻ em xã vùng cao Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình đọc sách, báo trong dịp hè – Ảnh: BT |
Trò chuyện với chúng tôi tại hội sách và văn hóa đọc Lạng Sơn, chị Phạm Thị Nguyệt Ánh, Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Dân Trí nói rằng: trong thời đại bùng nổ thông tin, nhất là sự có mặt của internet trong mọi mặt hoạt động của con người, từ chính trị, kinh tế, văn hóa đến giải trí… ấn phẩm in nói chung và sách nói riêng khó có chỗ đứng. Tuy vậy, sách vẫn có một vị trí riêng biệt mà ít loại hình nào có được. Đông người đến xem và mua thế này chứng tỏ người dân Lạng Sơn vẫn không quay lưng với sách. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu đọc, tiến tới hình thành văn hóa đọc ở một tỉnh còn nhiều khó khăn như Lạng Sơn, thư viện văn hóa xã cần phải đi trước một bước.
MINH HỒNG
Ý kiến ()