Người dân không nên hoang mang trước các bệnh do vi rút Adeno gây ra
– Hằng năm cả nước đều ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do vi rút Adeno gây ra nhưng chưa có trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong tháng 8 và tháng 9/2022, số trẻ em nhập viện do nhiễm vi rút Adeno tăng cao trong cả nước, trong đó đã có 7 trường hợp tử vong là các bệnh nhân mắc các bệnh lý nền và đồng nhiễm vi rút Adeno. Để hiểu rõ hơn về các bệnh do vi rút Adeno gây ra, phóng viên Báo Lạng Sơn đã phỏng vấn bác sĩ chuyên khoa II Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa Phòng, chống Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Bác sĩ Chuyên khoa II Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
PV: Thưa bác sĩ, bác sĩ có thể thông tin rõ hơn về các bệnh do vi rút Adeno gây ra và tình hình trên địa bàn tỉnh?
Bác sĩ Dương Anh Dũng: Các bệnh do vi rút Adeno gây ra được phát hiện rộng rãi trên thế giới cũng như trong nước, các bệnh do vi rút Adeno thường phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa. Các bệnh do vi rút Adeno là bệnh vi rút cấp tính với hội chứng lâm sàng đa dạng, được phân loại thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm với gần 50 tuýp gây bệnh ở người. Vi rút Adeno khi xâm nhập vào cơ thể có thể gây nhiều bệnh ở nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể người.
Tại Lạng Sơn, hằng năm, đều ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh thông qua việc khám lâm sàng của bác sĩ. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 73 ca nhiễm vi rút Adeno (chủ yếu là bệnh viêm kết mạc mắt, còn gọi là bệnh đau mắt đỏ), giảm 86 ca so với cùng kỳ năm 2021 và chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Những ca mắc chủ yếu phát hiện ở trẻ em, qua giám sát, các trường hợp mắc bệnh trên địa bàn chủ yếu ở tuýp nhẹ (bệnh đau mắt đỏ) nên người dân không nên quá hoang mang, lo lắng mà cần bình tĩnh thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho trẻ.
Tuy nhiên, người dân cũng không nên chủ quan vì hiện nay, các bệnh do vi rút Adeno gây ra hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị theo triệu chứng. Khi bị mắc các bệnh do vi rút Adeno, người khỏe mạnh có thể tự khỏi khi điều trị các triệu chứng. Đối với những trường hợp có bệnh nền, thể trạng yếu hay sức đề kháng kém, nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
PV: Xin bác sĩ cho biết cơ chế lây truyền, các triệu trứng thường gặp của các bệnh do vi rút Adeno gây ra?
Bác sĩ Dương Anh Dũng: Các bệnh do vi rút Adeno gây ra lây truyền qua đường hô hấp, đường giọt bắn, bệnh có thể lây truyền qua niêm mạc mắt do bơi lội hoặc sử dụng chung nguồn nước với người mắc bệnh. Ngoài ra, các bệnh do vi rút Adeno có thể lây truyền qua việc dùng chung đồ dùng với bệnh nhân bị nhiễm vi rút Adeno.
Triệu chứng để nhận biết các trường hợp đã mắc các bệnh do vi rút Adeno là khi người bệnh có hiện tượng sốt cao, ho, sổ mũi, khó thở, kèm theo viêm kết mạc mắt, rối loạn tiêu hóa. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài trong khoảng 8 – 12 ngày, bệnh bắt đầu lây truyền vào cuối thời kỳ ủ bệnh và kéo dài khoảng 2 tuần sau đó khi cơ thể người mắc bệnh vẫn chưa đào thải được vi rút ra ngoài.
Khi xâm nhập vào cơ thể, các tổn thương thường gặp nhất do vi rút Adeno gây ra là viêm đường hô hấp, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý đường tiêu hóa (tiêu chảy, buồn nôn), viêm phổi, viêm bàng quang ở trẻ em (trẻ trai có nguy cơ cao hơn trẻ gái). Trường hợp nặng có thể gây tổn thương gan, tổn thương não…
PV: Người dân cần làm gì để phòng bệnh do vi rút Adeno gây ra, thưa bác sĩ ?
Bác sĩ Dương Anh Dũng: Để phòng bệnh, mọi người phải thường xuyên giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn uống đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và đeo khẩu trang tại nơi công cộng, địa điểm tập trung đông người.
Đối với trẻ sơ sinh, cần cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 2 tuổi; trẻ em cần được tiêm đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong vệ sinh hằng ngày, cần cho trẻ sử dụng khăn mặt, bàn trải đánh răng riêng, thường xuyên vệ sinh, làm sạch đồ chơi của trẻ. Qua đó, góp phần bảo vệ trẻ trước diễn biến phức tạp của các bệnh do vi rút Adeno.
Nếu có biểu hiện bất thường về hô hấp, tiêu hóa, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời theo quy định của Bộ Y tế, không tự uống thuốc điều trị tại nhà khi không có đơn kê của bác sĩ để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

Ý kiến ()