Người dân không hoang mang, không tích trữ đồ
LSO-Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả. Tuy nhiên, sẽ là không đủ nếu cộng đồng mất bình tĩnh, làm cho tình hình thêm rối loạn, việc đổ xô vào các chợ, siêu thị – nơi đông người để mua hàng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Khách hàng mua tích trữ mì tôm tại siêu thị Thành Đô,
đường Phai Vệ, thành phố Lạng Sơn
Sau thông tin Việt Nam xuất hiện thêm 1 trường hợp dương tính với Covid-19 vào tối 6/3/2020, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã lo lắng, đổ xô đến các siêu thị, cửa hàng thực phẩm để mua nhu yếu phẩm tích trữ phòng dịch.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm sáng 7/3, tại các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố Lạng Sơn như: Lasvilla Mart, Thành Đô, Vinmart…, rất nhiều người dân tập trung, chen lấn mua sắm lương thực, thực phẩm để tích trữ vì lo ngại dịch bệnh Covid-19 lây lan. Việc tập trung mua sắm lương thực, thực phẩm cũng xảy ra tại các huyện, thành phố trên địa bàn. Các nhu yếu phẩm được người dân tập trung mua sắm chủ yếu là thức ăn nhanh như mỳ tôm, rau quả, nước uống, giấy vệ sinh.
Vừa chất rất nhiều đồ lên xe, chị Nông Thị Nhung, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Nghe thông tin có trường hợp nhiễm Covid-19 ở Hà Nội vào tối 6/3/2020, tôi lo thiếu hàng hóa, thực phẩm, nên 6 giờ sáng ngày 7/3/2020 đã đi chợ, siêu thị mua các nhu yếu phẩm cần thiết như: mì tôm, trứng, cá mắm, thịt hộp, bí xanh… để tích trữ. Đến hơn 9 giờ, tôi mới mua được đầy đủ đồ đạc cần thiết vì chỗ nào cũng đông kín người, phải xếp hàng chen chúc mới thanh toán được.
Không chỉ có chị Nhung, nhiều người dân chen nhau đến các siêu thị để mua thực phẩm dự trữ. Ông Vũ Quốc Tài, Giám đốc Công ty Cổ phần Thành Đô, chủ siêu thị Thành Đô (trên đường Phai Vệ, thành phố Lạng Sơn) cho biết: Chỉ trong 2 tiếng (từ 8 giờ đến 10 giờ sáng 7/3/2020) siêu thị đã bán hết 500 thùng mì tôm các loại. Còn các loại thực phẩm, đồ tiêu dùng khác như: giấy vệ sinh, gạo, thực phẩm thì số lượng tiêu thụ tăng hơn 200% so với ngày thường. Trước nhu cầu tăng mạnh của nhân dân, chúng tôi cam kết bán hàng đúng giá niêm yết, không tăng giá, kịp thời bổ sung hàng hóa cần thiết cho nhu cầu mua sắm của nhân dân.
Rất đông người dân mua sắm thực phẩm dự trữ tại siêu thị Thành Đô,
đường Phai Vệ, thành phố Lạng Sơn
Trước nhu cầu gia tăng đột biến của người dân có nguy cơ dẫn đến tình trạng găm hàng, đẩy giá lên cao. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Việc người dân đổ xô đi mua các mặt hàng thiết yếu để dự trữ là hiện tượng không tốt, ảnh hưởng của hiệu ứng tâm lý đám đông, gây bất ổn thị trường. Qua kiểm tra, khảo sát của ngành, toàn tỉnh có 4 – 5 doanh nghiệp lớn phân phối các mặt hàng thiết yếu luôn đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường và có khả năng bổ sung kịp thời khi có nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Người dân cần bình tĩnh, không hoảng loạn và có ứng xử đúng, tránh gây rối loạn thị trường, tạo hiện tượng khan hiếm giả. Thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng làm tốt công tác kiểm tra, giám sát quan hệ cung – cầu, ngăn chặn các tin đồn thất thiệt, kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị tự ý nâng giá sản phẩm, găm hàng, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng.
Thực tế trên cho thấy động thái hoang mang của một số người dân trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Điều đáng nói là đây không phải lần đầu tiên Việt Nam có trường hợp dương tính với Covid-19. Vì thế, cùng với những người đổ xô đi mua đồ dự trữ thì cũng có một bộ phận người dân bày tỏ thái độ bất bình.
Anh Hoàng Trọng Khánh, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Theo tôi, mọi người nên bình tĩnh, nếu mua hàng hóa thì chỉ cần đủ dùng để tránh tâm lý hoang mang gây bất ổn thị trường. Đặc biệt, trong khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, mọi người tập trung ra siêu thị, chỗ đông người thì nguy cơ lây lan còn cao hơn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Việc người dân đổ xô đi mua đồ tích trữ biểu hiện tâm lý hoang mang, lo lắng về tình hình dịch bệnh là không nên. Việc tập trung đông người mà không thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp an toàn có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Việc tiếp nhận công dân Việt Nam trở về từ vùng có dịch và công tác dự phòng được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Lạng Sơn đến thời điểm hiện tại chưa có trường hợp nào mắc Covid-19.
Ông Cường khuyến cáo: Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, người dân cần bình tĩnh, không chủ quan cũng như không hoang mang. Mỗi cá nhân cần nhận thức đúng, đầy đủ về dịch bệnh, con đường lây nhiễm cũng như các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; cần thông tin ngay đến nhà chức trách nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Đặc biệt, nhân dân phải theo dõi những thông tin chính xác, chính thống của Chính phủ, Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng, tránh những thông tin sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận.
TRIỆU THÀNH – NGỌC HIẾU
Ý kiến ()