Người dân Hữu Lũng: “Lấy lâm làm nghiệp”
LSO-Bấy lâu, rừng cho người dân Hữu Lũng nguồn thu nhập tương đối lớn. Với bà con nơi đây, trồng rừng trở thành nghề chính trong phát triển kinh tế. Không chỉ tích cực phát triển kinh tế rừng, nông dân trong huyện còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất.
Người dân huyện Hữu Lũng thăm quan mô hình trồng bạch đàn giống mới tại xã Minh Sơn |
Xã hội hóa nghề rừng
Được thiên nhiên ưu đãi, mạng lưới giao thông thuận lợi và sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp chế biến gỗ nên việc trồng rừng ở Hữu Lũng phát triển tương đối mạnh. Trung bình mỗi năm, toàn huyện có 1.500 ha rừng trở lên được trồng mới. Do đó, diện tích rừng tăng lên rõ rệt, tốc độ tăng trưởng bình quân lĩnh vực ngành lâm nghiệp của huyện đạt 5,23%/năm. Hiện tổng diện tích rừng sản xuất toàn huyện đạt trên 22.000 ha. Trong đó, bạch đàn chiếm khoảng 70% diện tích đất rừng sản xuất và được trồng tại 26/26 xã, thị trấn; 30% diện tích được trồng cây keo.
Đạt kết quả này là do trồng rừng đã trở thành phong trào ở đây. Ngoài việc thực hiện các chương trình trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng của nhà nước triển khai thì trồng rừng đã được xã hội hóa. Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cho biết: Mỗi năm, nguồn vốn của nhà nước hỗ trợ chỉ có thể trồng được khoảng 500 – 700 ha. Để đạt và vượt mục tiêu trồng 1.500 ha rừng trở lên, cơ bản người dân không trông chờ vào các dự án hỗ trợ của nhà nước mà đến mùa trồng rừng đã tự bỏ vốn mua cây giống. Có những năm, giá cây giống bạch đàn cao hơn gấp 2 – 3 lần so với giá nhà nước hỗ trợ nhưng người dân vẫn chủ động mua đem về trồng.
Xã hội hóa trong sản xuất lâm nghiệp đã trở thành phong trào phát triển kinh tế rộng khắp và thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia từ nhiều năm nay ở Hữu Lũng. Đến nay, trên địa bàn huyện có tới 70% số hộ trồng và kinh doanh rừng. Từ nghề rừng, bà con ở đây, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống khá giả hơn. Nhiều hộ trồng rừng có thu nhập 200 – 300 triệu đồng/năm. Anh Đinh Văn Thịnh, thôn Dân Tiến, xã Thiện Kỵ, huyện Hữu Lũng cho biết: “Thu nhập từ rừng bạch đàn đem lại cho gia đình tôi từ 35 – 45 triệu đồng/ha/năm. Nhờ có 4 ha rừng mà đời sống của gia đình tôi nay đã khá giả hơn rất nhiều so với cách đây chục năm về trước”.
Ứng dụng khoa học vào sản xuất
Những năm qua, người dân Hữu Lũng mạnh dạn áp dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất. Trước hết là đưa giống mới cho năng suất, chất lượng cao vào thâm canh. Đơn cử như trồng rừng bạch đàn, trước năm 2010, người dân chủ yếu trồng giống cũ (PN14) sinh trưởng chậm, phát sinh nhiều loại bệnh (đốm lá, xoăn lá, thối gốc, thối rễ) nên sản lượng gỗ chỉ đạt khoảng 80 – 100 m3 trong chu kỳ trồng từ 6 – 8 năm. Từ năm 2010 đến nay, người dân thay thế giống cũ bằng các giống mới (G7, PNCT3…) nên năng suất, chất lượng rừng cao hơn, đạt khoảng 120 – 150 m3/ha trong chu kỳ 5 – 6 năm. Hiện tại, diện tích trồng bạch đàn giống mới chiếm khoảng 85% tổng diện tích trồng rừng sản xuất toàn huyện, chỉ còn 15% diện tích bạch đàn giống cũ.
Ngoài chọn giống, người dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cây rừng. Cụ thể với phát triển rừng bạch đàn, nếu trồng mới thì mỗi chu kỳ từ 5 – 6 năm nhưng người dân tìm ra cách kinh doanh rừng chồi chỉ từ 4 – 5 năm/chu kỳ. Cách làm này đã rút ngắn chu kỳ sản xuất sớm hơn 1 năm so với rừng trồng ban đầu và giúp giảm chi phí đầu tư, tăng giá trị sử dụng đất.
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện cho biết thêm: Định hướng của huyện là tới đây, cơ bản các diện tích trồng rừng nếu trồng cây bạch đàn là phải trồng giống mới, giống cao sản đã được trồng thử nghiệm và các loại giống kháng bệnh, sạch bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các cơ quan chức năng huyện đã và đang khuyến cáo người dân thay thế toàn bộ giống cũ bằng giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế từ rừng.
Hữu Lũng có trên 43.600 ha đất lâm nghiệp, chiếm 54,1% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, diện tích đất rừng sản xuất nguyên liệu trên 22.000 ha. Tỷ trọng lâm nghiệp chiếm 34% cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. |
MINH ĐỨC
Ý kiến ()