Người dân hưởng lợi gì khi có thêm bảo hiểm y tế bổ sung?
Có nhiều điểm ưu việt khi bảo hiểm y tế bổ sung được ban hành trong Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) là các doanh nghiệp bảo hiểm không được lựa chọn người bệnh tham gia gói bảo hiểm y tế bổ sung; người bệnh không thiệt thòi khi bị trùng lắp quyền lợi trong chi trả, và các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm sẽ được liên kết với bảo hiểm xã hội để thụ hưởng các giá trị về giám định bảo hiểm.
Bà Trần Thị Trang phát biểu tại tọa đàm. |
Ngày 10/10, Bộ Y tế và Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức tọa đàm “Chính sách bảo hiểm y tế bổ sung trong dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi)” với sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều cơ quan quản lý trong lĩnh vực bảo hiểm, các chuyên gia quốc tế và doanh nghiệp bảo hiểm.
Chính sách ưu việt của bảo hiểm y tế bổ sung
Thạc sĩ Trần Thị Trang, quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, bảo hiểm y tế bổ sung là một trong những nội dung mới được đề cập trong Dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi). Bảo hiểm y tế bổ sung có mục tiêu mở rộng quyền lợi chăm sóc sức khỏe, giảm chi tiền túi của người dân.
Do đó, trong Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Bộ Y tế đề xuất xây dựng các nội dung liên quan đến bảo hiểm y tế bổ sung, thực hiện liên kết giữa bảo hiểm y tế xã hội và cơ sở kinh doanh bảo hiểm y tế thương mại để người dân có thêm lựa chọn. Việc chia sẻ, kết nối giữa bảo hiểm y tế và các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại hướng tới tiết kiệm nguồn tài nguyên dữ liệu, dịch vụ y tế minh bạch của cơ sở y tế, người bệnh và doanh nghiệp bảo hiểm.
“Theo định hướng Nghị quyết Trung ương số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về đa dạng các gói bảo hiểm y tế, tăng cường liên kết, hợp tác giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại, căn cứ yêu cầu thực tiễn, chúng tôi thấy cần phải đa dạng hóa gói quyền lợi bảo hiểm cho người dân. Bộ Y tế đang nghiên cứu theo hướng này và thấy có một số dịch vụ chưa được bảo hiểm y tế thanh toán như khám sức khỏe định kỳ, chẩn đoán sớm một số bệnh, gói bảo hiểm chăm sóc sức khỏe dành cho người già… để nghiên cứu, đa dạng hóa mức đóng, đa dạng hóa gói quyền lợi cho người bệnh thông qua bảo hiểm y tế bổ sung”, bà Trang cho hay.
Dự kiến gói bảo hiểm y tế bổ sung này là bảo hiểm y tế tự nguyện, người dân có mong muốn tham gia, trên cơ sở đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc. Gói bảo hiểm y tế bổ sung sẽ bao phủ chi trả giá trị tăng thêm như phần đồng chi trả; chi phí dịch vụ ngoài phạm vi được hưởng của bảo hiểm y tế gồm dịch vụ theo yêu cầu, thuốc, thiết bị y tế, các trường hợp không được bảo hiểm y tế chi trả. |
Theo bà Trang, hiện nay, bảo hiểm y tế thương mại chỉ là hợp đồng giao kết tự nguyện giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và người dân. Đối với bảo hiểm y tế bổ sung, Nhà nước có quy định chặt chẽ về phạm vi chi trả, quyền lợi của người tham gia, hợp đồng bảo hiểm y tế bổ sung để bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.
Theo đó, sẽ có quy định về việc các doanh nghiệp tham gia cung cấp các gói bảo hiểm y tế bổ sung sẽ không được lựa chọn đối tượng, không chỉ chọn người khỏe ký hợp đồng, không được loại trừ những người bị bệnh mà là tất cả người bệnh có điều kiện, có nhu cầu đều có thể được mua bảo hiểm y tế bổ sung.
Để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, doanh nghiệp sử dụng kết quả giám định của cơ quan bảo hiểm xã hội để xác định chi phí phù hợp, đúng quy định. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ đề xuất cơ chế pháp lý rõ ràng để giám sát việc thực hiện bảo hiểm y tế bổ sung.
Những quy định này sẽ tăng phạm vi người tham gia bảo hiểm y tế do doanh nghiệp thương mại cung cấp; gói bảo hiểm y tế bổ sung không trùng lắp với quyền lợi mà bảo hiểm y tế bắt buộc đã chi trả (hiện một số gói bảo hiểm y tế thương mại đang trùng lắp với phần chi trả của bảo hiểm y tế bắt buộc, ảnh hưởng đến quyền người tham gia bảo hiểm).
“Điểm ưu việt của gói bảo hiểm y tế bổ sung là Nhà nước quy định rõ quyền lợi của người tham gia và doanh nghiệp tham gia cung cấp gói bảo hiểm y tế bổ sung không được lựa chọn người tham gia. Nếu doanh nghiệp tự kinh doanh gói bảo hiểm y tế bổ sung phải theo nguyên tắc mà Nhà nước đã quy định chứ không được lựa chọn người bệnh hay lựa chọn dịch vụ cung cấp”, bà Trang nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc này sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm không khó khăn trong tiếp cận cơ sở khám chữa bệnh về lựa chọn đặt lịch bác sĩ, cung cấp thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hay gặp khó khăn tiếp cận bảo hiểm xã hội về giám định.
Về mức phí, cơ sở kinh doanh bảo hiểm có quyền đặt mức phí. Tuy nhiên, luật sẽ quy định nguyên tắc chung bảo đảm mức phí tương xứng với phạm vi chi trả.
Chính sách mới cần được nghiên cứu
Bà Nguyễn Khánh Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế đề xuất, khi đưa bảo hiểm y tế bổ sung vào dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), cơ quan xây dựng luật cần phải đưa ra định nghĩa bảo hiểm y tế bổ sung, quy định về hình thức bảo hiểm y tế bổ sung. Đồng thời, khuyến khích thực hiện bảo hiểm y tế bổ sung bằng việc chi kinh phí mua bảo hiểm y tế bổ sung cho người lao động được hạch toán vào chi phí doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích tổ chức bảo hiểm y tế bổ sung hoạt động không vì lợi nhuận.
Nghiên cứu tại Việt Nam năm 2020 cho thấy, tác động của bảo hiểm y tế tự nguyện đối với dịch vụ y tế sẽ tăng trung bình 0,178 lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế/người/năm, tăng trung bình 0,172 số lượt khám bệnh/người/năm. Tác động của bảo hiểm y tế tự nguyện đối với chi trả trực tiếp cho y tế, giảm chi tiền túi khi đi khám chữa bệnh ngoại trú là 25,2%; giảm chi tiền túi khi đi khám chữa bệnh nội trú là 41,4% và giảm tổng số tiền chi tiền túi khi đi khám chữa bệnh là 19,8%-30,8%. Bà Nguyễn Khánh Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế |
Tuy nhiên, theo bà Khánh Phương, có một số lưu ý về vấn đề công bằng trong triển khai, thí dụ người có bảo hiểm y tế bổ sung có thể sử dụng nhiều dịch vụ không cần thiết, hoặc được kê đơn thuốc đắt tiền. Bên cạnh đó, người bệnh mạn tính, có vấn đề sức khỏe có khả năng phát sinh chi phí cao sẽ bị doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm y tế bổ sung từ chối bán bảo hiểm hoặc nếu người dân phải mua sẽ phải chấp nhận mức phí rất cao.
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), hiện nay trên thị trường bảo hiểm có 50 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm sức khỏe của các doanh nghiệp bảo hiểm là hơn 43 tỷ đồng.
Theo đại diện cục này, trường hợp quy định bảo hiểm y tế bổ sung tại dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) cần nghiên cứu bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Kinh doanh bảo hiểm; nghiên cứu, đánh giá khả năng liên kết, hợp tác giữa bảo hiểm y tế xã hội và bảo hiểm y tế thương mại gồm: Khả năng liên kết, hợp tác giữa cơ quan bảo hiểm y tế, cơ sở khám, chữa bệnh và 50 doanh nghiệp bảo hiểm đang kinh doanh bảo hiểm sức khỏe.
Cần phải rõ nội dung liên kết, hợp tác về thiết kế sản phẩm (quy tắc, điều khoản, phí bảo hiểm), cung cấp và chia sẻ thông tin y tế, kết nối, chia sẻ dữ liệu, thông tin về giám định y tế để chi trả quyền lợi bảo hiểm.
Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế Trần Thị Trang nhấn mạnh, bảo hiểm y tế bổ sung là một chính sách mới, cần có nghiên cứu thấu đáo kỹ càng. Việc ban hành các quy định về bảo hiểm y tế bổ sung sẽ tạo điều kiện môi trường pháp lý cho các doanh nghiệp bảo hiểm, thực hiện cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người bệnh, có sự giám sát của Nhà nước.
Nguồn:https://nhandan.vn/nguoi-dan-huong-loi-gi-khi-co-them-bao-hiem-y-te-bo-sung-post776843.html
Ý kiến ()