Người dân đồng tình
LSO-Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 (gọi tắt là Nghị định 100) có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 cấm triệt để người điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Nghị định điều chỉnh theo hướng tăng nặng với mức xử phạt cao song đại đa số người dân đều đồng tình, ủng hộ.
Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Cao Lộc kiểm tra
nồng độ cồn đối với lái xe lưu thông trên quốc lộ 4B
Người dân đồng tình
Lâu nay, uống rượu bia đã trở thành thói quen của nhiều người dân vùng cao, miền núi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Trong những ngày đầu năm 2020, tại các điểm công cộng, trong gia đình hay trên mạng xã hội, nhiều người dân đều bàn luận về những hành vi bị nghiêm cấm như: điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc mức xử phạt người điều điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn…
Anh Lý Văn Quỳnh, lái xe vận tải cho doanh nghiệp tư nhân Tiến Phương, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: Nghị định 100 có hiệu lực có nghĩa là lái xe mà có nồng độ cồn trong máu, khí thở sẽ bị giữ phương tiện 7 ngày, phạt tiền 30.000.000 – 40.000.000 đồng đối với lái xe ô tô, 6.000.000 – 8.000.000 đối với lái xe máy. Đặc biệt là tịch thu giấy phép lái xe 22 – 24 tháng; mức phạt rất nặng so với trước đây. Phạt nặng như vậy tất cả sẽ cùng có ý thức, không còn tình trạng ép uống, kích bác tại những cuộc nhậu. Tôi rất ủng hộ nghị định này.
Chị Hà Thị Thu Hường, khối Hoàng Hoa Thám, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, tôi ra đường cảm thấy an toàn hơn. Ngay tại gia đình, chồng tôi cũng có ý thức hơn, khi uống rượu bia thì không lái xe. Hoặc mỗi lần đi ăn cơm khách, gặp gỡ bạn bè giao lưu, khi đã uống rượu bia thì đều gọi điện người nhà đến đón hoặc đi taxi về nhà. Đáng ra quy định này phải có từ lâu mới phải.
Đẩy mạnh tuyên truyền và xử lý vi phạm
Trung tá Nguyễn Văn Quảng, Đội trưởng Đội Tuyên truyền và Xử lý, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Thực tế trên địa bàn tỉnh, quá nửa số vụ tại nạn giao thông là có liên quan đến rượu, bia. Lực lượng chức năng đã tuyên truyền nhiều nhưng việc thực hiện của người dân chưa triệt để. Chính vì vậy, ngay khi Nghị định 100 có hiệu lực, lãnh đạo phòng đã chỉ đạo các đội tuần tra kiểm soát áp dụng nhằm tăng tính răn đe đối với người tham gia giao thông.
Để người dân kịp thời nắm bắt thông tin về Nghị định 100, Phòng Cảnh sát giao thông đang rà soát, thay mới tất cả các pa – nô tuyên truyền các trục, tuyến đường, quốc lộ trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với nghị định. Cùng đó, phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh sản xuất phim khoa giáo tuyên truyền văn hóa để tuyên truyền trên trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, từ đó từng bước xây dựng văn hóa giao thông. Đặc biệt, ngay khi nghị định có hiệu lực, các đội tuần tra kiểm soát đã chủ động tuyên truyền cho người điều khiển phương tiện giao thông mỗi khi kiểm tra hành chính người, phương tiện.
Cùng với công tác tuyên truyền về nghị định lực lượng chức năng cũng tăng cường tuần tra, kiểm sát, quyết liệt xử lý các vi phạm. Theo đó, từ ngày 1/1 đến 7/1/2020, lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh đã xử lý 3 trường hợp điều khiển xe ô tô và 51 người lái xe máy vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Nghị định 100 có hiệu lực thi hành, mức xử lý vi phạm tăng nặng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông về tác hại của rượu bia. Điều này cũng góp phần làm giảm tai nạn giao thông, tạo môi trường giao thông an toàn, thuận lợi.
Ý kiến ()