"Người dân đã giao quyền lực thì phải có cơ chế kiểm soát"
Sáng nay (28/2), Cổng TTĐT Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia Bộ Tư pháp nhằm cung cấp thông tin để các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các vị khách mời chia sẻ thông tin tại cuộc Tọa đàm (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)Tham dự tọa đàm có các vị khách mời đến từ Bộ Tư pháp, gồm: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên; Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa; Vụ trưởng Vụ Pháp luật Kinh tế Dương Đăng Huệ; Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý Nguyễn Văn Cương.Các chuyên gia đã thảo luận, phân tích nội dung dự thảo cũng như các điểm mới để người dân dễ dàng tiếp cận, hiểu thấu đáo và từ đó có thể gửi ý kiến đóng góp xác đáng đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.Bảo đảm quyền lực của nhân dân và vì lợi ích của nhân dânTrong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tại Điều 2 nói về Nhà nước pháp quyền...
Sáng nay (28/2), Cổng TTĐT Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia Bộ Tư pháp nhằm cung cấp thông tin để các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Các vị khách mời chia sẻ thông tin tại cuộc Tọa đàm (Ảnh: Nhật Bắc/VGP) |
Tham dự tọa đàm có các vị khách mời đến từ Bộ Tư pháp, gồm: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên; Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa; Vụ trưởng Vụ Pháp luật Kinh tế Dương Đăng Huệ; Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý Nguyễn Văn Cương.
Các chuyên gia đã thảo luận, phân tích nội dung dự thảo cũng như các điểm mới để người dân dễ dàng tiếp cận, hiểu thấu đáo và từ đó có thể gửi ý kiến đóng góp xác đáng đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Bảo đảm quyền lực của nhân dân và vì lợi ích của nhân dân
Trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tại Điều 2 nói về Nhà nước pháp quyền XHCN, có bổ sung thêm nội dung về kiểm soát quyền lực, theo đó “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Về nội dung này bà Nguyễn Kim Thoa chia sẻ: năm 2001 khi sửa Hiến pháp cũng đã nhấn mạnh Việt Nam là nhà nước pháp quyền, quyền lực nhà nước là tập trung có sự phân công, phối hợp. Văn kiện Đại hội Đảng XI có ghi quyền lực nhà nước có sự phân công, phối hợp nhưng có thêm cụm từ kiểm soát quyền lực. Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp lần này là thể chế hóa tinh thần đổi mới của Đảng, khắc phục những hạn chế bất cập thời gian qua và phù hợp với hội nhập quốc tế. Việc sửa đổi, bổ sung cụm từ kiểm soát quyền lực là logic, cần thiết.
Ông Hoàng Thế Liên cũng cho rằng bổ sung yếu tố kiểm soát trong nguyên tắc tổ chức là vấn đề mới. Ông giải thích, lý do thứ nhất, trong Điều 2 thừa nhận Nhà nước pháp quyền, mà nhà nước pháp quyền ra đời trong điều kiện xã hội dân chủ, mục tiêu là phát triển dân chủ bảo đảm quyền lợi của con người trong xã hội dân chủ, điều này đặt ra tất yếu phải kiểm soát quyền lực để chống tình trạng lạm quyền, độc quyền.
Thứ hai, có quyền lực là có nguy cơ lạm quyền, lộng quyền và tha hóa quyền lực. Không thể nói quyền lực khi trao cho ai đó và bảo đảm thực hiện thông qua lòng tốt của họ mà phải có cơ chế kiểm soát.
Thứ ba, người dân đã giao quyền lực thì phải có cơ chế kiểm soát, để bảo đảm quyền lực của nhân dân và vì lợi ích của nhân dân.
Đồng tình với việc Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bổ sung thêm nội dung về kiểm soát quyền lực, ông Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh “Kiểm soát quyền lực nằm trong bức tranh chung và việc xây dựng một bản Hiến pháp là công cụ hữu hiệu để nhân dân kiểm soát quyền lực.”
Quyền công dân được đặt lên hàng đầu
Theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, Chương về quyền con người, quyền cơ bản của công dân là chương mới nhất.
Ông chỉ rõ, điểm mới đầu tiên là chúng ta tách quyền con người với quyền công dân. Điểm mới nữa quan trọng hơn là trước đây khi chúng ta nói đến quyền công dân đều có thành tố quyền này được đảm bảo thực hiện bằng pháp luật. Thực tế ở Việt Nam, chúng ta có luật của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, văn bản của địa phương. Như vậy, quyền được Hiến pháp quy định lại được bảo đảm bằng văn bản pháp luật nên sẽ khó mà kiểm soát được. Chính vì vậy, khi mà quyền đã được Hiến pháp quy định thì phải được bảo đảm bằng luật của Quốc hội, chứ không thể quy định bởi các cơ quan khác. Tuy nhiên, theo ông đối với một số quyền do nhạy cảm nên chưa thể xây dựng luật nên vẫn được bảo đảm theo quy định pháp luật.
Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cũng chỉ ra điểm mới nữa là chúng ta đã tiếp thu quy định của Công ước quốc tế về quyền chính trị, dân sự năm 1966; quyền kinh tế, văn hóa năm 1966 và tuyên ngôn nhân quyền năm 1948. Ở đây, quyền con người được giới hạn thực hiện trong một số điều kiện nhất định, để tránh tùy tiện trong quá trình thực hiện ví dụ vì lý do an ninh, quốc phòng, sức khỏe của cộng đồng…
Ông Dương Đăng Huệ cũng cho rằng sự thay đổi vị trí từ chỗ ở cuối nhưng lần này Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đưa lên Chương 2 cho thấy quyền công dân được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, theo ông điều cần quan tâm là tính thực thi. Ông dẫn chứng, Việt Nam có tai nạn giao thông rất nhiều, bị thương nhập viện nhưng không có tiền thì không được cấp cứu. Ông chỉ rõ đó là quyền sống, tức là khi bị thương vào bệnh viện phải được cứu chữa dù bất kỳ lý do gì, nhà nước phải chịu trách nhiệm cho việc cứu chữa.
Với tư cách nhà làm luật, bà Nguyễn Kim Thoa cũng bày tỏ vui mừng với sự ghi nhận vị trí của quyền con người trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này. Đồng ý với ông Dương Đăng Huệ, bà cho rằng Hiến pháp là đạo luật cơ bản nên mọi quy định đều phải bảo đảm thực hiện. Do vậy, việc sửa đổi phải xác định rõ những quyền con người nào bắt buộc phải thực hiện.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()