Người dân chịu trận
LSO-Bắt đầu từ tháng 11/2017, giá đá xây dựng trên địa bàn huyện Chi Lăng có dấu hiệu tăng mạnh. Hiện giá đá xây dựng chào bán tại các mỏ trên địa bàn huyện nằm trong diện cao nhất so với các huyện có các mỏ đá đang hoạt động sản xuất kinh doanh như Hữu Lũng và Cao Lộc.
Mỏ đá Đồng Mỏ đang hoạt động vượt công suất thiết kế do nhu cầu đá tăng trong đầu năm 2018 |
Tại thời điểm tháng 9/2017, giá đá xây dựng (loại 10 x 20 mm; 20 x 40 mm) chào bán tại mỏ đá Đồng Mỏ thuộc Công ty Cổ phần đá Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng là 120 nghìn đồng/m3. Nhưng bước sang tháng 11/2017, hai loại đá trên đã tăng giá lên 153 nghìn đồng/m3 (tăng 33 nghìn đồng/m3). Còn tại mỏ đá Mai Sao do Công ty TNHH đá Thượng Thành sản xuất thời điểm tháng 8/2017, giá chào bán tại mỏ (loại 10 x 20 mm; 20 x 40 mm) là 111 nghìn đồng/m3, nhưng đến tháng 9/2017, giá hai loại đá trên đã điều chỉnh tăng lên 135,5 nghìn đồng/m3 (tăng 25 nghìn đồng/m3). Thông tin mới nhất cập nhật từ các doanh nghiệp khai thác đá tại các mỏ trên đang chuẩn bị xây dựng phương án giá đá để công bố trong tháng 3/2018 vẫn tiếp tục có mức cao nhất là 153 nghìn đồng/ m3 đá.
Qua thực tế tìm hiểu, nguyên nhân giá đá tăng mạnh trên địa bàn huyện Chi Lăng và duy trì ở mức cao trong thời gian qua là do một số khách hàng đặt với số lượng lớn, yêu cầu chất lượng đá rất cao. Điều này buộc các chủ mỏ đá phải thay đổi cung cách sản xuất để đáp ứng yêu cầu chất lượng khiến cho giá đá thành phẩm tăng.
Ông Nguyễn Đăng Khuynh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đá Đồng Mỏ cho biết: Giữa quý IV/2017, đơn vị nhận được 2 hợp đồng cung cấp đá cho dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn với khối lượng gần 100 nghìn mét khối, tuy nhiên, khách hàng yêu cầu chất lượng đá rất khắt khe như: độ sạch của đá không lẫn tạp chất, đá phải có công bố hợp quy về chất lượng và vật liệu phải được bảo quản theo yêu cầu của khách hàng. Điều khoản của hợp đồng rất khắt khe khiến quy trình sản xuất đá xây dựng của đơn vị phải tốn thêm chi phí. Đây là nguyên nhân buộc phải tăng giá đá.
Tại mỏ đá Mai Sao, hiện mỏ này cũng đã nhận được 3 hợp đồng đặt hàng của khách hàng là các nhà thầu BOT dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn với khối lượng hơn 400 nghìn mét khối, thời gian thực hiện hợp đồng trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019. Yêu cầu cao về chất lượng đá nên cũng như tại mỏ đá Đồng Mỏ buộc mỏ đá Mai Sao phải tăng giá đá để bù chi phí.
Tuy vậy, một điểm rất phi lý là người dân cũng phải chịu mức giá đá công bố của doanh nghiệp để phục vụ cho công trình của mình mặc dù yêu cầu chất lượng đá đòi hỏi không cao. Ông Lô Văn Nhuận, trú tại xã Quang Lang, huyện Chi Lăng cho biết: Không chỉ giá đá 10 x 20 mm mà ngay cả giá đá mạt cũng tăng tương tự là một nghịch lý người dân phải chịu trận, không những vậy, các dự án đường giao thông sử dụng vốn đầu tư công dù trong dự toán chi phí cho vật tư đá xây dựng chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng giá tăng quá mức cũng ảnh hưởng tới giá thành công trình, đây là một nghịch lý.
Ông Vi Thiện Việt, Phó Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Chi Lăng cho biết: Giá đá xây dựng trên địa bàn tăng cao như hiện nay đã ảnh hưởng một phần tới dự toán xây dựng các công trình, nhất là các công trình đường giao thông nông thôn. Nhưng giá đá các doanh nghiệp đề xuất cũng đã qua thẩm định giá của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được chấp thuận, hiện đơn vị đang tiếp tục theo dõi diễn biến giá đá. Nếu trong thời gian tới tiếp tục tăng sẽ báo cáo, tham mưu cho UBND huyện có ý kiến với tỉnh để xem xét tổng thể đối với lĩnh vực này.
Được biết, hiện huyện Chi Lăng có hai mỏ đá là Đồng Mỏ và Mai Sao với tổng công suất thiết kế hơn 400 nghìn mét khôiối/năm. Từ quý IV/2017 đến nay, hai mỏ này đã hoạt động vượt công suất thiết kế để đáp ứng yêu cầu tiến độ của khách hàng và tiêu thụ trong nhân dân trên địa bàn.
TRANG NINH
Ý kiến ()