Người dân cảnh giác trước phương thức lừa đảo qua thương mại điện tử
Khi mua hàng qua mạng, người dân, doanh nghiệp cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch.
Trước bối cảnh nhiều kẻ gian lợi dụng thương mại điện tử với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để lôi kéo và chiếm đoạt tài sản, trao đổi với Thông tấn xac Việt Nam ngày 2/8, đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) đã đưa ra cảnh báo người dân và doanh nghiệp nên tỉnh táo và sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin để tránh rơi vào bẫy lừa đảo trên không gian mạng.
Theo đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số, thương mại điện tử Việt Nam những năm qua có sự phát triển mạnh, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch COVID-19, thương mại điện tử đã khẳng định được tính ưu việt trong việc thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Cùng với đó, đây còn là công cụ, phương thức kinh doanh quan trọng giúp nhiều thương nhân vượt qua khó khăn.
Đặc biệt, thương mại điện tử có tốc độ phát triển mạnh mẽ hơn trong đại dịch, nhất là với một số nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi do nhu cầu tiêu dùng tăng cao như nhóm thực phẩm, thiết bị y tế, thực phẩm bảo vệ sức khỏe… Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng là kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày càng trở nên tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.
Đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số cũng chỉ ra một số thủ đoạn điển hình qua thương mại điện tử như xây dựng các website, ứng dụng hoặc các sàn giao dịch sàn thương mại điện tử, sàn giao dịch tài chính, chứng khoản, tiền kỹ thuật số… Việc này nhằm kêu gọi đầu tư theo mô hình đa cấp có hưởng hoa hồng giới thiệu, hưởng lợi trên số tiền đầu tư dựa trên chính sách khuyến mãi, chiết khấu.
Ngoài ra, các đối tượng còn giả mạo trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, nước ngoài để lừa nạn nhân làm cộng tác viên. Chẳng hạn như giả mạo nhân viên của các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada… thông qua mạng xã hội đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online.
Hay quảng cáo trên các website, các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber về việc “Tuyển người mẫu nhí tham gia chụp ảnh làm đại diện thương hiệu”… Sau đó, sử dụng nhiều thủ thuật khác nhau để lừa đảo người dân, doanh nghiệp.
Không dừng lại ở đó, người dân và doanh nghiệp còn liên tục phản ánh thông tin giả mạo thương hiệu của các tổ chức ngân hàng, cơ quan nhà nước, thuế, công ty tài chính, chứng khoán. Qua việc gửi tin nhắn SMS, các đối tượng lừa đảo nạn nhân thực hiện theo các hướng dẫn nhằm lấy mã OTP hoặc thông tin cá nhân khác để chiếm đoạt tài sản.
Một trong những hình thức nổi trội nữa là lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua quảng bá bán hàng online trên Facebook (bán hàng giả, chất lượng kém, khuyến mãi giả, hàng ảo hoặc rao bán giả mạo mà không có sản phẩm).
Thông báo đến người dân về việc trúng thưởng, quà tặng có giá trị cao, khuyến mại lớn để lừa nạn nhân nhằm đánh cắp thông tin tài khoản và tài sản (thường yêu cầu người nhận phải đặt cọc một số tiền nhất định) thông qua các trang web giả mạo. Các đối lượng sử dụng các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, Messenger, Website.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số, điểm chung của hầu hết các vụ việc lừa đảo bằng công nghệ cao là đối tượng đã thu thập được thông tin cá nhân của nạn nhân như tên tuổi, ngày sinh, số căn cước, thông tin tài khoản ngân hàng.
Sau bước này, đối tượng sẽ gọi điện hoặc chat với người dân và yêu cầu cài đặt ứng dụng qua đường link có chứa mã độc (các ứng dụng này không có địa chỉ cụ thể hoặc thông tin liên lạc cụ thể) hoặc thực hiện cung cấp thông tin cá nhân, thông tin thanh toán, mã xác nhận OTP hoặc yêu cầu đặt cọc sau đó đối tượng chặn kết bạn hoặc xóa/gỡ bỏ website, ứng dụng.
Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp, đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số khuyến cáo người dân tuyệt đối không tham gia vào các nhóm tuyển cộng tác viên online khi chưa có thông tin xác thực, đặc biệt là thông tin chính thức từ các thương hiệu. Cùng với đó, không cung cấp những thông tin cá nhân cho người lạ, người không quen biết trên không gian mạng; không kết bạn, không vào các nhóm Zalo, Facebook, Viber… khi không quen biết. Không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc.
Mặt khác, người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa, trường hợp nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức nào có dấu hiệu hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời. Hoặc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp sở hữu thương hiệu về hành vi thủ đoạn nêu trên.
Đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số cũng đề nghị người dân, doanh nghiệp cần tự bảo vệ mật khẩu, khóa mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình. Ngoài ra, không cung cấp các thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho các đối tượng không quen biết; thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền; tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ các thông tin có liên quan đến tài khoản ngân hàng, mật khẩu tài khoản (mã OTP) cho bất kỳ ai.
Hơn nữa, khi mua hàng qua mạng, người dân, doanh nghiệp cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Người dân không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán.
Đặc biệt, không tham gia các sàn giao dịch ảo, đầu tư tài chính tiền ảo, tài sản ảo trái phép, chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép./.
Ý kiến ()