Người dân cần chủ động
LSO-Sắp tới, hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và một số dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT sẽ chính thức được áp dụng khung giá mới tại Lạng Sơn.
Người dân đến khám, chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn |
Đối tượng chịu tác động mạnh
Theo Thông tư 02, ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế, có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa là: giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; giá dịch vụ ngày giường điều trị và giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện. Mức tăng trung bình từ 20-30%, thậm chí cao gấp từ 2 – 4 lần giá hiện tại như nhóm dịch vụ khám bệnh và ngày giường điều trị. Mức tăng này sẽ là gánh nặng đối với người bệnh không có BHYT, nhất là những bệnh nhân phải điều trị dài ngày. Ngoài ra, việc nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện tuy chỉ tăng ở mức từ 20-30% so với trước, nhưng nó lại tác động lớn đến tất cả bệnh nhân không có thẻ BHYT, vì đã vào viện, điều trị dài ngày hay ngắn ngày, nội trú hay ngoại trú… đều phải thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm các loại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Toàn, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Tuy thông tư có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, song theo lộ trình, Lạng Sơn là 1 trong 30 tỉnh áp dụng khung giá mới vào tháng 8/2017. Hiện ngành y tế đã tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng khung giá mới trình HĐND tỉnh, nếu được thông qua vào kỳ họp trong tháng 7 này, giá mới sẽ chính thức được áp dụng tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/8/2017. Như vậy, người chưa có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm thời gian để mua BHYT.
Thẻ BHYT – “phao cứu sinh” của mỗi người
Ông Trần Thế Hiệp ở huyện Cao Lộc bị thận cấp vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) 21 ngày với tổng chi phí trên 53 triệu đồng, trong đó riêng tiền xét nghiệm đã hết trên 10,3 triệu đồng, tiền thuốc trên 12 triệu đồng, tiền ngày giường điều trị hết trên 8,6 triệu đồng… Do đã có thẻ BHYT hộ gia đình nên đợt điều trị vừa qua ông đã được cơ quan bảo hiểm thanh toán trên 42,8 triệu đồng… Bị bệnh hiểm nghèo, năm 2016, bà Lê Thị Thủy, 60 tuổi ở thành phố Lạng Sơn đã 13 lần vào các bệnh viện trong và ngoài tỉnh với tổng số ngày điều trị lên tới 206 ngày. Do mua thẻ BHYT hộ gia đình, nên tổng số tiền mà BHYT thanh toán cho bà lên tới trên 694 triệu đồng…
Nêu những ví dụ trên, ông Đặng Minh Dũng, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Lạng Sơn cho biết: Đây là những trường hợp điển hình về lợi ích của việc mua BHYT. Nếu nhận thức của họ không cao, không mua BHYT theo hộ gia đình thì có lẽ họ đã “khuynh gia bại sản”. Thống kê của BHXH Lạng Sơn cho thấy, đến hết tháng 4/2017, toàn tỉnh đã có 695.961 người tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ 92,3% dân số. Đây chính là những đối tượng mua BHYT bắt buộc, hoặc được nhà nước đóng BHYT, hỗ trợ đóng BHYT… Trong 2 năm qua, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, ngành BHXH đã tích cực tuyên truyền và đơn giản hóa các thủ tục mua BHYT tự nguyện, hộ gia đình, nên đến nay đã có 46.067 người mua BHYT hộ gia đình, trong đó cao nhất là thành phố trên 16.000 người; Hữu Lũng gần 8.300 người. Hiện toàn tỉnh còn gần 70.000 người chưa mua thẻ BHYT (tỷ lệ 7,7%). Đây chính là đối tượng chịu tác động của Thông tư số 02. Họ chủ yếu là người dân cư trú tại các vùng không được ưu tiên, người lao động tự do trên các lĩnh vực. Do nhiều yếu tố, trong đó có tâm lý chủ quan, những đối tượng này ít quan tâm đến vấn đề mua BHYT. Chắc chắn khi thực hiện khung giá dịch vụ y tế mới và đẩy mạnh tuyên truyền, người dân sẽ “thức tỉnh” và mua BHYT cho mình và người thân trong gia đình.
MINH HỒNG
Ý kiến ()