Chủ nhật, 24/11/2024 06:46 [(GMT +7)]
Người đàn bà 17 năm trốn chạy (Kỳ I)
Thứ 2, 26/03/2012 | 11:05:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Chúng tôi còn nhớ đó là một buổi chiều tháng 3 se lạnh cách đây vừa tròn 1 năm, chiếc xe chuyên dụng lặng lẽ dừng trước cửa Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm, Công an tỉnh Lạng Sơn, bước xuống khỏi cái thùng sau màu trắng bít bùng là một người đàn bà dáng vẻ mệt mỏi, ngơ ngác và lạ lẫm nhìn quang cảnh xung quanh. Ngơ ngác cũng phải, 17 năm rồi… bà Ba giàu nức tiếng ngày ấy mới “có dịp” trở về Lạng Sơn…
Bà Ba tại Phòng cảnh sát truy nã tội phạm công an tỉnh Lạng Sơn ngày 10/3/2011
Kỳ I: “Cô còn nhớ em không…?”
Cái tin trùm lừa đảo Đặng Thị Ba (tức Ba xé) bị TAND thành phố Hà Nội tuyên phạt 16 năm tù trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 28/2/2012 vừa qua cứ râm ran ở Lạng Sơn mãi. Ai cũng biết bà Ba đã lẩn trốn pháp luật tới 17 năm, nhưng không phải ai cũng biết trong 17 năm trời đằng đẵng ấy luôn có những đôi chân, những ánh mắt lần tìm.
Chúng tôi giật mình khi câu đầu tiên Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trưởng phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm, Công an tỉnh Lạng Sơn Triệu Văn Điện hỏi Đặng Thị Ba sau khi di lý đối tượng về Lạng Sơn ngày 10/3/2011: “Cô còn nhớ em không?”. Ngẩn ra một lúc, bà Ba lắc đầu: “Không nhớ được đâu, lâu quá rồi…!”. Chúng tôi nháy nhau: Thật thà thế, mấy anh có số má, tứ chướng giang hồ mà vớ được câu ấy của Đại tá Triệu Điện thì chả quen, chả nhớ cũng mừng húm mà gật đầu đánh rụp ấy chứ. Nguồn cơn của câu chuyện này xin được giải thích sau, nhưng quả thật, bà Ba cho người đối diện cái cảm giác mọi lời nói của bà ta đều là sự thật, gây được thiện cảm và…rất dễ tin. Giọng nhỏ nhẹ, trình bày ngắn gọn, súc tích, ngôn từ chuẩn, ánh mắt chân thành…những nét ấy có lẽ bà Ba vẫn giữ lại được từ thời còn làm giáo viên dạy môn Lý ở thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, và câu hỏi của Đại tá Triệu Điện là câu chào của một người học trò sau gần 20 năm gặp lại…cô giáo cũ.
Ngày ấy, cô giáo Đặng Thị Ba trước sức hấp dẫn của đồng tiền thời mở cửa đã bỏ nghề giáo để trở thành một bà Ba buôn tiền giàu nức tiếng Lạng Sơn những năm đầu thập niên 90, rồi trở thành một trùm lừa đảo với những cú lừa tiền tỉ gây rúng động cả giới buôn bán vùng biên lúc bấy giờ. Cậu học trò ngày nào trở thành lính hình sự với biết bao chiến công vang dội, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, giờ đã lên đến hàm Đại tá. Để rồi một ngày, định mệnh đã đưa cô và trò ngồi trước mặt nhau, kẻ trốn chạy pháp luật non nửa cuộc đời, người đã gắn cả đời mình với việc truy tìm và đưa tội ác ra trước ánh sáng. Nhắc đến câu chuyện trớ trêu này, Đại tá Triệu Điện cười hiền: “Mình là học trò của cô Ba từ thời cô còn dạy ở thị trấn Đồng Mỏ, khi ấy mình đang ôn thi vào Đại học Cảnh sát và cô Ba phụ đạo môn Lý cho mình khoảng 3 tháng. Đó là một thời gian khó nhưng nhiều kỷ niệm. Trong ký ức của mình, cô Ba vẫn là một cô giáo nghèo, hiền lành và tận tâm với học trò…Cho đến ngày biết tin cô Ba thực hiện hành vi phạm tội, bỏ trốn và bị phát lệnh truy nã, mình biết trước sẽ có cuộc gặp này, nhưng quả thật cũng không ngờ nó dài đến vậy, gần 20 năm rồi…”. Nói đến đây, Đại tá Triệu Điện trầm hẳn, bàn tay của định mệnh đủ oái oăm để “sắp xếp” cuộc gặp này, nhưng định mệnh không đủ quyền năng để lựa chọn đường đi cho mỗi con người. Đen hay trắng, sáng hay tối, chính hay tà đều do tự thân quyết định cả. Đại tá Triệu Điện bảo anh em tháo còng tay rồi đưa cho bà Ba cốc nước. Sau bao giông tố của cuộc đời, “cô Ba” có thể không nhớ, nhưng “cậu học trò” ngày nào vẫn vẹn nguyên những ký ức về cô giáo cũ, về một thời phấn trắng bảng đen nghèo khó cho đến ngày cô Ba bỏ nghề giáo để lao vào vòng xoáy của đồng tiền thời mở cửa…
Bà Nguyễn Thị Lanh, trú tại thị trấn Đồng Đăng, một người đã từng làm ăn với Đặng Thị Ba khẳng định: “Số tiền mà “Ba xé” chiếm đoạt lúc bấy giờ không thể dưới chục tỉ được, khi bà ta bỏ trốn, mấy chợ đổi tiền ở thành phố Lạng Sơn và thị trấn Đồng Đăng nhớn nhác hết cả cơ mà. Tôi còn nhớ, khi ấy do không biết quy ra tiền thế nào, người ta chỉ ước chừng bà Ba đã chiếm đoạt của các nạn nhân độ trên…2000 cây vàng, mà vàng thời ấy chưa đến 5 triệu đồng/cây, to tiền lắm!”.
Tại Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm, Công an tỉnh Lạng Sơn, bà Ba trần tình rằng: “Số tiền tôi chiếm đoạt lớn như vậy chủ yếu cũng là do tôi cho vay lại để hưởng lãi nhưng cũng bị “chạy mất” không thu hồi được, không hẳn là tôi tiêu xài hết đâu!”. Bà Ba nói về việc thời ấy bà nằm trong một đường dây cho vay lãi lớn hơn nhiều, khi đường dây này sập bà cũng bị cuốn theo. Kể cũng lạ, một trùm lừa đảo bỗng trần tình rằng mình là nạn nhân của một đường dây lừa đảo khác. Thực hư khó xét, nhưng sau vụ Đặng Thị Ba và nhiều vụ vỡ đường dây cho vay lãi khác, dường như dân tình vẫn chẳng rút ra được nhiều kinh nghiệm. Mới đây thôi, hàng loạt vụ vỡ nợ liên tiếp đã xảy ra ở Hà Nội với số tiền chiếm đoạt khổng lồ. Quy mô và mức độ có thể khác nhau nhưng vẫn là cách thức xưa như trái đất ấy, cái cách mà bà Ba đã làm cách đây gần 20 năm – lấy mác làm ăn lớn, hứa hẹn trả lãi cao để huy động tiền rồi chiếm đoạt.
(Còn nữa)
Kỳ sau: 17 năm ẩn nấp dưới lưới trời
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()