Người đam mê giữ gìn điệu múa sư tử truyền thống dân tộc Nùng
– Say mê, trân quý những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Nùng, đặc biệt là múa sư tử mèo, anh Hoàng Văn Cải, sinh năm 1976, thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc hằng ngày vẫn miệt mài gìn giữ điệu múa truyền thống của cha ông. Với 24 năm tâm huyết thực hành và truyền dạy, anh đã góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn, lưu truyền để di sản múa sư tử không bị mai một.
Đến thôn Sơn Hồng những ngày đầu tháng 9/2022, chúng tôi chứng kiến anh Cải cùng với đội múa sư tử thôn đang hăng say luyện tập. Nhìn những động tác múa sư tử lão luyện, dứt khoát của anh Cải khiến chúng tôi phần nào hiểu được sự đam mê anh dành cho điệu múa truyền thống này. Anh Cải cho biết: Tôi là người Nùng Phàn Slình. Từ nhỏ, tôi được cha dắt đi xem múa sư tử, những thanh âm rộn ràng, náo nhiệt đã tạo ấn tượng sâu nặng với tôi. Năm 1996, tôi đã tìm đến một số bậc cao niên trong làng học hỏi tất cả các điệu múa, trò diễn, các quy tắc, lề lối ứng xử trong các nghi thức, nghi lễ, hoạt động múa sư tử truyền thống của dân tộc Tày, Nùng.
Anh Cải (bên phải) giới thiệu đạo cụ phục vụ múa sư tử mèo đến công chức văn hóa – xã hội xã Gia Cát
Theo đó, anh Cải đã lĩnh hội tất cả các bài gõ, bài múa sư tử, các các bài võ và các trò diễn liên quan đến múa sư tử dân tộc Tày, Nùng, tiêu biểu như: Múa ở miếu (thó tỳ), múa chúc mừng năm mới các nhà trong làng, múa tại lễ hội, trò báo đông, trò vui của khỉ, múa võ (múa tay không, múa gậy, múa đinh ba chạc, múa đoản đao, nhảy bàn, nhảy qua ống cót, nhảy qua cửa dao, nhảy vòng lửa), trò tẳng giảo và một số trò diễn khác.
Sau khi học, nắm bắt và có khả năng thực hành các điệu múa, trò diễn trong múa sư tử, từ năm 1996 đến nay, anh thường xuyên tham gia trình diễn ở xã, huyện vào các ngày lễ, ngày tết; tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn, sự kiện văn hóa – chính trị tại địa phương và các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL). Tiêu biểu như tham gia biểu diễn tại Tuần VHTT&DL Lạng Sơn, lễ hội hoa đào, liên hoan du lịch Mẫu Sơn…; giao lưu với các đội múa sư tử khác trong các lễ hội truyền thống như: Hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ, Bắc Nga, Háng Đắp, Háng Cáu; đền Mẫu Đồng Đăng, Bắc Lệ… Cùng với đó, anh Cải cũng tham gia trình diễn múa sư tử mèo tại một số sự kiện văn hóa do các cơ quan đơn vị thuộc Bộ VHTT&DL, các tỉnh thành đăng cai, tổ chức như: ngày hội VHTT&DL các dân tộc vùng Đông Bắc, ngày hội văn hóa – du lịch tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc… Ngoài ra, anh còn tham gia cung cấp thông tin phục vụ cho việc lập hồ sơ múa sư tử đề nghị Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Song song với việc trực tiếp thực hành, anh Cải cũng đem hết tâm huyết, hiểu biết của bản thân truyền dạy lại cho nhiều thế hệ học trò trên địa bàn xã Gia Cát nói riêng và huyện Cao Lộc nói chung. Tính đến nay, anh Cải đã truyền dạy cho 90 học trò. Đơn cử, năm 2015, anh Cải được Sở VHTT&DL mời tham gia truyền dạy múa sư tử cho 35 học viên trên địa bàn xã Gia Cát; tháng 6/2022, anh Cải được mời truyền dạy cho 28 học viên ở thôn Sơn Hồng…
Em Hoàng Văn Hành, thôn Sơn Hồng cho biết: Gần đây, em được tham gia lớp dạy múa sư tử do nghệ nhân Hoàng Văn Cải truyền dạy. Anh Cải dạy rất dễ hiểu và em đã học được các điệu múa sư tử như điệu múa đi đường, múa chào khán giả, chào nhau, múa trong hội, múa các loại võ cổ truyền dân tộc…
Ông Đặng Đức Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Gia Cát cho biết: Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản múa sư tử trên địa bàn xã có sự đóng góp không nhỏ của nghệ nhân Hoàng Văn Cải. Anh đã tích cực thực hành, biểu diễn tại các chương trình văn hóa, lễ hội của xã, huyện, tỉnh và tâm huyết truyền dạy cho các thế hệ về nghệ thuật trình diễn múa sư tử. Anh là tấm gương sáng về bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số ở địa phương.
Với những đóng góp tiêu biểu trên, anh Cải đã được các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen như bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL vì có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam; kỷ niệm chương vì sự nghiệp VHTT&DL… Đặc biệt, năm 2020, anh Cải được xem xét, trình Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ III với loại hình “Nghệ thuật trình diễn dân gian”.
Ý kiến ()