Người cựu chiến binh vượt lên nỗi đau da cam phát triển kinh tế
– Rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, nhiều thương, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã nỗ lực vươn lên, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Ông Nguyễn Công Khai, sinh năm 1946, cựu chiến binh ở thôn Cã Ngoài, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng là một điển hình trong số đó.
Thời trẻ, thanh niên Nguyễn Công Khai từng tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ và chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Năm 1973, ông xuất ngũ trở về địa phương với thương tật bệnh binh 61%, thương binh 42% và là nạn nhân chất độc da cam. Những năm tháng trở về cuộc sống đời thường, người cựu chiến binh này có cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả bởi nhà đông con (6 người con, trong đó có 1 người con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam). Gia đình ông đã phải bươn trải nhiều công việc nhưng cố gắng lắm thì cuộc sống gia đình cũng chỉ đủ ăn. Ông Khai chia sẻ: Xuất phát từ khó khăn đó, tôi đã trăn trở suy nghĩ cách phát triển kinh tế hiệu quả. Năm 2012, qua tìm hiểu và nhận thấy nuôi ong lấy mật là nghề phù hợp với gia đình, không gây ô nhiễm môi trường, mang lại kinh tế cao, tôi đã tích cực học hỏi qua sách báo, mạng Internet về kỹ thuật nuôi. Ban đầu, tôi nuôi thử nghiệm 2 đàn, dần dần thấy hiệu quả, tôi tăng số lượng đàn và những năm gần đây, tôi duy trì nuôi trên 70 đàn. Từ nuôi ong, trung bình mỗi năm, gia đình tôi quay được trên 1.500 lít mật, thu về khoảng 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Công Khai
Không chỉ làm kinh tế từ nuôi ong lấy mật, ông Khai còn tách và bán đàn cho những người có nhu cầu trên địa bàn xã và các xã lân cận, trung bình 1 năm bán ra thị trường khoảng 80 đàn với giá bình quân 800.000 đồng/đàn, thu nhập trên 60 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn cùng các thành viên trong gia đình tích cực phát triển kinh tế rừng từ việc trồng 1 ha cây keo, cứ 4 đến 5 năm cho khai thác 1 lần, đem về nguồn thu nhập đáng kể…
Có thể nói, vượt qua nỗi đau của di chứng chiến tranh để lại, bằng nghị lực và sự vượt khó vươn lên, hiện gia đình ông Khai đã có một cuộc sống khá giả hơn. Các con của ông đều trưởng thành, có công việc và thu nhập ổn định. Bản thân ông Khai và gia đình rất tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương, gương mẫu chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Với những cố gắng đó, những năm qua, ông Khai được nhiều cấp, ngành biểu dương, khen thưởng. Năm 2018, ông được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tặng giấy khen là tấm gương vượt khó vươn lên, chiến thắng bệnh tật, phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào công tác an sinh xã hội của tỉnh. Mới đây, ông Khai được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh lựa chọn cử tham dự Đại hội điển hình tiên tiến “Vì nạn nhân chất độc da cam” lần thứ IV do Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức vào tháng 7/2021.
Ông Đỗ Viết Khoa, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Hữu Lũng cho biết: “Ông Nguyễn Công Khai là một trong những điển hình chiến thắng bệnh tật, vượt mọi khó khăn cùng với gia đình phát triển kinh tế, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới và các hoạt động ở địa phương. Huyện hội chúng tôi đang tích cực tuyên truyền, nhân rộng điển hình này để các hội viên khác học tập và làm theo.
HOÀNG HỒNG - NGUYỄN NHIÊN (Hữu Lũng)
Ý kiến ()