"Người của công chúng"
Nhiều người ở khu dân cư thường gọi đùa ông là người của công chúng. Vì sau 32 năm thoát ly, trong đó mười năm trong quân ngũ (năm năm ở chiến trường), 22 năm ở ngành giao thông vận tải, về hưu được 11 năm, thì chín năm ông làm tổ trưởng dân phố.
Nhiều người ở khu dân cư thường gọi đùa ông là người của công chúng. Vì sau 32 năm thoát ly, trong đó mười năm trong quân ngũ (năm năm ở chiến trường), 22 năm ở ngành giao thông vận tải, về hưu được 11 năm, thì chín năm ông làm tổ trưởng dân phố.
Tác phong nhanh nhẹn tháo vát, xông xáo của ông được trui rèn từ trong quân ngũ, nên khi đảm nhiệm chức tổ trưởng dân phố, lúc nào ông cũng sâu sát gần gũi nhân dân, nắm bắt được hoàn cảnh và tâm tư của từng gia đình trong tổ. Ông hết lòng chăm lo mọi phong trào hoạt động của các đoàn thể, của tổ dân phố không kể ngày đêm, nên mọi người mới gọi ông là “người của công chúng”. Ông là Bùi Ngọc Lan, Tổ trưởng dân phố 35, thuộc phường Kỳ Bà, TP Thái Bình.
Hồi ông mới nhận chức tổ trưởng, tình hình tổ dân phố khá phức tạp. Là địa bàn gần chợ, gần trường đại học, giáp ba bệnh viện, lượng người đến làm ăn và sinh viên thuê trọ tăng, mật độ dân số khá cao nên tình trạng mất an ninh trật tự, cờ bạc, rượu chè, nghiện hút, buôn bán ma túy tại tổ dân phố 35 luôn là điểm nóng. Các ngõ, phố thì tối tăm lầy lội, việc khê đọng thuế, tranh chấp đất đai, xô xát lẫn nhau thường xuyên xảy ra. Tình làng, nghĩa phố khi tắt lửa tối đèn hình như chỉ còn là khái niệm.
Trước thực trạng ấy, ông Lan đã trăn trở suy nghĩ và đề xuất với cấp ủy nhiều giải pháp thiết thực. Với tính cương trực, thẳng thắn, lại am hiểu pháp luật nên trong ứng xử giao tiếp và giải quyết mọi công việc, ông Lan đều hết sức chu đáo, thấu tình đạt lý. Với tác phong “miệng nói tay làm”, gương mẫu trong mọi lĩnh vực, nên bà con trong tổ luôn đồng tình, hưởng ứng làm theo ông Lan. Do vậy, khu dân cư tổ 35 nhanh chóng có những thay đổi rõ rệt. Trước hết là an ninh – trật tự được giữ vững, tụ điểm buôn bán ma túy được triệt phá. Các ngõ phố đều được bê-tông hóa, có điện chiếu sang ban đêm, vệ sinh môi trường được bảo đảm. Hàng chục lao động không có việc làm được ông Lan chỉ dẫn, khuyến khích mở mang dịch vụ, xây phòng cho thuê trọ. Nhờ vậy mà đời sống nhiều gia đình ổn định. Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa trung bình hằng năm từ 95 đến 97%. Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân (18-11) gần như 100% số hộ tham gia lễ hội và góp tiền cùng chung vui bữa cơm đại đoàn kết. Tình làng, nghĩa phố được khôi phục, quy ước của tổ dân phố được xây dựng bổ sung, quy chế dân chủ luôn được thực hiện. Nhân dân tin tưởng ở cán bộ, cán bộ gắn bó với nhân dân. Nhiều năm liền, ông và tổ dân phố được các cấp khen thưởng, khu dân cư được công nhận là đơn vị văn hóa.
Nhân dân tổ dân phố 35 bây giờ có được cuộc sống bình yên, mọi người sống có tình có nghĩa với nhau hơn, chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước tốt hơn. Ông Bùi Ngọc Lan không những đã làm tốt vai trò tổ trưởng dân phố của mình, mà còn động viên, giúp đỡ vợ ông, bà Nguyễn Thị Quỳ, thương binh hạng 2/4 tham gia công tác ở Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố và đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Thái Bình.
Gia đình ông Lan và các con ông đã nhiều lần ủng hộ Quỹ nạn nhân chất độc da cam, Quỹ vì người nghèo, Quỹ người cao tuổi trị giá gần một trăm triệu đồng. Tấm lòng thơm thảo của gia đình ông đã đem lại hạnh phúc cho những người có hoàn cảnh khó khăn và ông coi đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của ông, của gia đình ông.
Theo nhandan
Ý kiến ()