Người con tiêu biểu của núi rừng biên ải
LSO-Nói chuyện với anh Lê Văn Thân, thôn Nà Tồng, xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng, chúng tôi chỉ biết đi từ sự ngạc nhiên đến cảm phục. Cậu bé Thân mồ côi cha mẹ ngày nào giờ đây đã trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế cũng như các hoạt động tại địa phương.
Sinh năm 1972 tại xã biên giới Trùng Khánh. Giống như bao đứa trẻ khác nơi đây, Lê Văn Thân lớn lên cùng với sự nghèo khó về vật chất nhưng hạnh phúc bên bố mẹ và các em. Thế nhưng, khi anh Thân 16 tuổi, bố mẹ qua đời, để lại anh và 3 đứa em thơ dại. Cuộc sống mưu sinh gian nan bắt đầu từ đây. Mấy anh em luôn trong tình trạng thiếu đói, bữa cơm no bụng là niềm mơ ước lớn nhất của 4 anh em lúc bấy giờ. Thế rồi, ngày qua tháng 4 anh em cũng dần trưởng thành, 3 người em đi làm xa, còn anh Thân vẫn quyết tâm bám đất bám bản. Năm 1994, anh lập gia đình và có 2 người con. Cuộc sống khó khăn nhưng nhờ sự cần cù chịu khó của 2 vợ chồng, gia đình cũng dần đủ ăn, đủ mặc, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Năm 2002, được sự tin tưởng và giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng, anh được nhận chăm sóc và bảo vệ 3,9ha rừng thông. Đến năm 2003, nhận thêm 4ha rừng khu vực sát biên giới, đoạn nằm giữa cột mốc 1044 – 1045. Nhớ lại những ngày đầu nhận chăm sóc rừng thông, anh Thân chia sẻ: khi được giao rừng thông, gia đình anh vừa mừng vừa lo. Mừng vì thấy người dân ở một số địa phương khác có thu nhập khá cao từ thông, nhưng lo là vì anh chưa biết cách chăm sóc cũng như thời gian cho thu hoạch khá dài. Thế rồi được sự hướng dẫn của bộ đội biên phòng cùng sự cần cù, chịu khó ham học, rừng thông của gia đình anh ngày một xanh tốt. Cho đến nay, rừng thông của gia đình anh đã lên tới 18ha.
Bên cạnh phát triển rừng thông, cây ăn quả, cây nông nghiệp ngắn ngày thì chăn nuôi lợn, gà, vịt cũng được anh tập trung phát triển. Nhờ đó, thu nhập hàng năm của gia đình anh cũng được trên dưới 70 triệu đồng. Vài năm nữa, những cánh rừng thông cho thu hoạch sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho gia đình. Không chỉ quyết tâm vươn lên trong phát triển kinh tế, anh Thân còn được nhiều người biết đến là một cá nhân điển hình trong phong trào bảo vệ đường biên mốc giới. Gia đình anh đã nhận đoạn đường biên từ cột mốc 1044-1045 với chiều dài hơn 1000m. Hàng năm gia đình anh thường xuyên phát cỏ đường tuần tra để thông suốt tầm nhìn. Bên cạnh đó, anh còn vận động bà con trong thôn cùng tham gia bảo vệ đường biên mốc giới. Nếu như năm 2002, thôn Nà Tồng mới có 9 hộ đăng ký tham gia thì đến năm 2011 đã có 40 hộ tham gia bảo vệ đường biên mốc giới. Vừa tham gia phát quang đường, mở rộng tầm nhìn, gia đình anh Thân cùng các hộ dân trong thôn còn cung cấp cho Đồn Biên phòng Na Hình được 125 nguồn tin, trong đó có nhiều nguồn tin quan trọng giúp Bộ đội Biên phòng kịp thời nắm bắt tình hình. Ngoài ra, anh Thân cũng tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” bằng những việc làm thiết thực như hiến gần 100m2 đất làm Nhà văn hóa thôn, anh còn vận động thêm 3 hộ gia đình khác hiến gần 500m2 để xây trường học.
Anh Thân chăm sóc đàn vật nuôi |
Ông Nông Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND xã Trùng Khánh cho biết: tuy còn trẻ nhưng anh Thân luôn được bà con trong thôn bản tin tưởng, quý mến bằng những việc làm cụ thể và hiệu quả của mình. Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân cư, anh Thân đã cùng với chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, bảo vệ đường biên mốc giới một cách hiệu quả. Với những đóng góp của mình, anh Thân đã được các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen như: bằng khen của UBND tỉnh về những thành tích trong lao động sản xuất giai đoạn 2006-2010; bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng trong phong trào quần chúng tham gia bảo vệ đường biên mốc giới giai đoạn 2003-2009; bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì những thành tích trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000-2010.
Ý kiến ()