LSO-Bác sĩ Nguyễn Thanh Sản, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền (BVYHCT), kiêm Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Lạng Sơn vinh dự là một trong số 91 cá nhân trên toàn quốc được Bộ Y tế trao tặng giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông năm 2011.
Đây là giải thưởng cao quý nhằm tôn vinh các cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác kế thừa, bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền và y dược hiện đại phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Tâm huyết với nghề, hết lòng vì người bệnh và công tác xây dựng, phát triển y học cổ truyền của địa phương, bác sĩ Nguyễn Thanh Sản là niềm tự hào của ngành y học cả nước nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng. Hơn 23 năm làm công tác quản lý, ông đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng, củng cố và phát triển y học cổ truyền của tỉnh.
|
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sản phát biểu tại lễ kỷ niệm 55 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/2010) |
Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, ông kể, lúc đó, bệnh viện gặp vô vàn khó khăn trên tất cả các mặt hoạt động. Cơ sở vật chất thiếu thốn; trình độ chuyên môn về y học cổ truyền của cán bộ còn rất hạn chế, chủ yếu là cán bộ y tế tây y chuyển sang; cơ sở vật chất thì nghèo nàn, không đồng bộ, nhiều thiết bị y tế đã cũ và lạc hậu; ngay cả thuốc chữa bệnh cũng thiếu rất nhiều… Hàng tuần, ông phải huy động cán bộ đi thu hái thuốc về, bào chế để dùng cho người bệnh. Cùng với đó, ông mạnh dạn đề xuất với Giám đốc Viện Y học cổ truyền Trung ương cho đi tham quan các bệnh viện tốt nhất để học tập mô hình tổ chức bệnh viện, khám điều trị cho bệnh nhân. Đồng thời đưa những chuyên gia của Viện Y học cổ truyền Trung ương và Bệnh viện Châm cứu Trung ương về trực tiếp khám chữa bệnh và giảng dạy “cầm tay chỉ việc” cho các cán bộ của bệnh viện… Nhờ đó, trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ từng bước được nâng cao, khó khăn được khắc phục, hoạt động của đơn vị đi vào nền nếp. Đến nay bệnh viện đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Nhiều năm liền Bệnh viện đạt danh hiệu xuất sắc và Bệnh viện xuất sắc toàn diện. Năm 2005 Bệnh viện được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng III.
Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, mạng lưới y học cổ truyền trong toàn tỉnh còn yếu kém. Một số hoạt động của y học cổ truyền (như: tổ chức khoa, tổ y học cổ truyền, vườn thuốc nam, vườn thuốc mẫu…) chỉ có ở trong bệnh viện đa khoa. Còn các trạm y tế xã, phường hầu như không có. Trước tình trạng đó, ông đã tổ chức đưa thuốc về các huyện, xã vùng sâu, vùng xa để khám chữa bệnh cho dân nghèo. Cùng với đó, ông còn tham gia xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách quốc gia về y, dược học cổ truyền, tham gia chỉ đạo tổ chức giúp đỡ các cơ sở thực hiện Thông tư số 02/TT-BYT và Chỉ thị 03/CT-BYT của Bộ Y tế. Đến nay, mạng lưới hoạt động chuyên môn về y học cổ truyền trong toàn tỉnh đã được củng cố và ngày càng phát triển mạnh, được nhân dân các dân tộc tín nhiệm, tin tưởng. 100% bệnh viện tuyến huyện, xã đã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, có khoa, tổ y học cổ truyền, có vườn thuốc mẫu và đã đưa thuốc đông y vào điều trị…
Với những đóng góp trong việc củng cố, xây dựng và phát triển y học cổ truyền tỉnh, ông đã được nhận nhiều bằng khen của Bộ Y tế, UBND tỉnh, danh hiệu thầy thuốc ưu tú (năm 2005) và gần đây nhất là giải thưởng cao quý của ngành y, giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông. Có thể nói, những thành tích trên là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của một người lãnh đạo năng động, một bác sĩ tâm huyết với nghề, hết lòng vì sức khỏe nhân dân. Thế nhưng, người được vinh danh Hải Thượng Lãn Ông trong thời hiện đại ấy lại rất khiêm tốn. Cuối buổi gặp gỡ, ông mách cho chúng tôi một số vị thuốc quý để chữa bệnh cho người thân của mình. Khi tôi cảm ơn, ông chỉ cười và nói “tìm đúng thuốc, chữa khỏi bệnh cho mọi người là niềm vui, hạnh phúc của những người làm ngành y”.
Ý kiến ()