Người có công "làm mới" Bản Đoóc
– Theo tiếng Tày, Nùng ở Lạng Sơn, “Đoóc” có nghĩa là cũ, mục. Nhưng không phải như cái tên được đặt, thôn Bản Đoóc ở xã Minh Hiệp, huyện Lộc Bình có rất nhiều cái mới. Đó là những ngôi nhà tầng kiên cố, đường bê tông trải dài, cánh đồng lúa xanh mướt… được bao quanh bởi những cánh rừng xanh ngút ngàn. Khi nói về những đổi thay của quê mình, người Bản Đoóc luôn nhắc đến những đóng góp của anh Vi Văn Minh – người có uy tín của thôn.
Anh Vi Văn Minh (ở giữa) thường xuyên gặp gỡ người dân trong thôn để nắm bắt tâm tư tình cảm của bà con
Thôn Bản Đoóc có 126 hộ dân với gần 580 nhân khẩu, 98% là đồng bào dân tộc Tày. Cách đây gần chục năm, cuộc sống người dân trong thôn rất khó khăn. Giao thông chủ yếu là đường đất nhỏ hẹp. Cái khó bó cái khôn, nên đời sống của người dân rất chật vật. Năm 2017, thôn có 68 hộ nghèo và cận nghèo.
Trăn trở trước những khó khăn của thôn, năm 2019, khi xã có chủ trương làm đường liên thôn từ nguồn vốn Chương trình 135, anh Vi Văn Minh, với vai trò là người uy tín của thôn Bản Đoóc đã cùng với cấp ủy chi bộ thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất làm đường và xây dựng các công trình hạ tầng.
Anh Minh chia sẻ: Với bà con, nói là phải đi đôi với làm. Họp thôn, tôi tiên phong hiến đất. Với những hộ chưa đồng thuận, mưa cũng như nắng, chúng tôi đến từng nhà, vận động theo cách “mưa dầm thấm lâu” cuối cùng những hộ khó nhất cũng đồng ý và đã có 20 hộ dân hiến tới 3.000 m2 đất ruộng và đất vườn để làm đường. Nhờ đó cuối năm 2019, tuyến đường liên thôn rộng hơn 3 m dài gần 1 km đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Sau đó, bà con tiếp tục đóng góp tiền, ngày công lao động, vật liệu để làm các tuyến đường ngõ, xóm, đến nay gần 90% đường giao thông của thôn được bê tông hóa.
Bên cạnh đó, với lợi thế thôn có gần 200 ha đất nông nghiệp, 400 ha đất lâm nghiệp, anh đã vận động người dân cùng thay đổi tư duy canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Năm 2018, xã triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, anh đã thuyết phục các hộ dân trong diện được hỗ trợ đối ứng vốn, tham gia mô hình chăn nuôi ngựa bạch.
Tin tưởng và làm theo lời của anh Minh hướng dẫn, gia đình ông Đặng Lý Hùng, thôn Bản Đoóc đã xây dựng mô hình chăn nuôi ngựa bạch kết hợp trồng rừng, trồng ớt, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Ông Hùng cho biết: Nhờ được anh Minh tư vấn, tôi đã đăng ký nuôi ngựa bạch. Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng, tôi đối ứng thêm 3 triệu mua 1 con ngựa cái. Nuôi được 1 năm thì ngựa đẻ. Ngựa bạch rất có giá, bán được 50 – 70 triệu đồng/con. Bây giờ tôi duy trì 2 con ngựa cái sinh sản. Việc chăn nuôi ngựa bạch đã góp phần tăng thu nhập, gia đình tôi đã thoát nghèo, có của ăn của để.
Với sự năng động, nhiệt huyết của người cán bộ “đầu tàu” nêu gương, nhiều người dân trong thôn đã làm theo và từng bước thoát nghèo bền vững. Hiện nay, thôn Bản Đoóc chỉ còn 36 hộ nghèo. Thu nhập bình quân của người dân đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Trong đó, có 45 hộ có thu nhập từ 80 triệu đến trên 100 triệu đồng/năm.
Bà Hoàng Thị Tàu, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hiệp khẳng định: Anh Minh đã có gần 10 năm là người uy tín, 5 năm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn. Hiện giờ anh đang là Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận của thôn… Ở cương vị nào, anh cũng phát huy tốt vai trò của mình. Từ năm 2021 đến nay, anh đã tham gia hoà giải thành công 41/42 vụ việc trong khu dân cư. Anh nhiều lần được các cấp khen thưởng, được UBND huyện Lộc Bình cử đi tham quan học tập kinh nghiệm về công tác uy tín tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.
Ý kiến ()