Người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện: Trách nhiệm của gia đình
LSO- An toàn giao thông (ATGT) luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm, tuy nhiên về trách nhiệm của bản thân, gia đình thì vẫn đang bị để ngỏ. Chính vì vậy, tình trạng người chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy vẫn diễn ra phổ biến. Điều này làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.
Học sinh trên địa bàn thành phố Lạng Sơn điều khiển xe mô tô tham gia giao thông
Chúng tôi có mặt tại khu vực cổng Trường THPT Việt Bắc lúc tan học, không khó để bắt gặp học sinh chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy. Nhiều em mặc nguyên áo đồng phục, vai đeo túi xách, ba lô điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Không riêng trường này, việc học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Về công tác đảm bảo ATGT, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều yêu cầu phụ huynh và học sinh ký cam kết không vi phạm các quy định về ATGT ngay từ đầu năm học. Đặc biệt, phụ huynh cam kết không giao xe cho con em khi chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái. Tại các nhà trường giờ chào cờ, ngoại khóa, Luật Giao thông đường bộ thường xuyên được nhắc nhở để trang bị cho học sinh kỹ năng cơ bản về đảm bảo ATGT. Như vậy, rõ ràng hầu hết những người dưới 18 tuổi đang theo học tại các trường THPT đều biết quy định về độ tuổi, điều kiện tối thiểu để có thể điều khiển mô tô, xe gắn máy song vẫn cố tình vi phạm.
Trước giờ vào lớp tại cổng các trường đều có tổ cờ đỏ ghi tên học sinh vi phạm song tình trạng này vẫn xảy ra. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những em đi học bằng xe máy thường gửi xe ở nhà dân gần trường rồi đi bộ vào lớp nên cờ đỏ khó phát hiện, xử lý. Đây cũng chính là lý do khiến tình trạng này kéo dài. Trung tá Nguyễn Cao Huy, Phó đội Trưởng Đội Tuyên truyền Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: những người chưa đủ tuổi mà điều khiển mô tô, xe gắn máy sẽ chưa có đủ kỹ năng xử lý những tình huống có thể xảy ra khi lưu thông trên đường, do đó, dễ gây ra tai nạn, nguy hiểm cho bản thân cũng như các phương tiện khác. Cùng với đó, do tâm lý lứa tuổi, các cháu thường chạy xe với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng rất nguy hiểm.
Để xảy ra tình trạng này, trước hết phải nói đến tránh nhiệm của các bậc phụ huynh. Những gia đình có điều kiện đã đáp ứng yêu cầu của con trẻ, giao xe cho các em khi chưa có đủ kinh nghiệm, kiến thức về ATGT. Không những thế, không ít bậc phụ huynh buông lỏng việc quản lý phương tiện nên các em có thể dễ dàng lấy chìa khóa, tự ý lái xe ra đường. Em Nông Văn Phòng, xã Chu Túc, huyện Văn Quan (điểu khiển mô tô khi chưa đủ 18 tuổi, bị lực lượng CSGT phát hiện, xử lý) cho biết, bố mẹ đi làm về thường để chìa khóa xe ở một nơi cố định nên thấy bố mẹ bận việc em tự lấy xe ra thành phố chơi.
Tệ hại hơn, nhiều bậc phụ huynh khi thấy con em biết lái xe máy còn lấy làm tự hào và cho các em sử dụng phương tiện, nhờ chở đồ, chở người… điều này đã vô tình khuyến khích các em vi phạm quy định pháp luật về ATGT.
Trong năm 2015, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 947 trường hợp lái xe chưa đủ tuổi, trong đó, riêng mô tô có đến 939 trường hợp (còn lại là các phương tiện khác như ô tô). Người chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe mà điều khiển phương tiện không chỉ nguy hiểm cho các phương tiện khác mà bản thân người đó cũng phải đối mặt với nguy cơ tai nạn bất cứ lúc nào. Với những người trẻ tuổi gặp tai nạn, bị thương tật không chỉ ảnh hưởng học tập mà còn trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Chính vì vậy, trước khi nói đến nhiệm vụ của lực lượng chức năng thì bản thân mỗi phụ huynh cần nâng cao trách nhiệm của mình trong quản lý con em và giáo dục con em trong gia đình về trật tự ATGT; các em thấy được nguy cơ, cách phòng tránh khi tham gia giao thông, có như vậy mới tạo được môi trường giao thông an toàn, văn hóa.
Bài, ảnh: HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()