Người chủ nhiệm hết lòng vì xã viên
Nói đến kinh tế tập thể ở Quảng Bình không thể không nhắc tới Hợp tác xã (HTX) Thượng Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy với những thành tích nổi bật trong nhiều năm qua. Người góp phần tạo nên thành công đó là Chủ nhiệm HTX Võ Văn Khinh.
Nói đến kinh tế tập thể ở Quảng Bình không thể không nhắc tới Hợp tác xã (HTX) Thượng Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy với những thành tích nổi bật trong nhiều năm qua. Người góp phần tạo nên thành công đó là Chủ nhiệm HTX Võ Văn Khinh.
Năm 1987, đồng chí Võ Văn Khinh từ quân ngũ trở về quê hương. Mười năm sau, đồng chí được bầu làm Bí thư Ðảng ủy bộ phận Thượng Phong và từ năm 2000 đến nay được xã viên tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX Thượng Phong. Khi Chủ nhiệm Võ Văn Khinh bắt đầu chèo lái “con thuyền” Thượng Phong cũng là thời điểm HTX đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế trong nông nghiệp. HTX có hơn 700 hộ dân, 3.600 nhân khẩu, nhưng chỉ có 250 ha đất sản xuất, trong khi đời sống người dân trông chờ chủ yếu vào hạt lúa, củ khoai trên đồng ruộng. Vì vậy, điều mà đồng chí Võ Văn Khinh cùng các cán bộ trong Ban quản trị HTX trăn trở là làm sao để nâng cao năng suất cây trồng, tăng sản lượng lương thực. Ðồng chí tâm sự: “Quê tôi ở vùng đồng quê chiêm trũng, muốn ổn định sản xuất, trước hết phải làm tốt khâu thủy lợi để chủ động nguồn nước và hạn chế lũ lụt. Cũng không thể giữ mãi những giống lúa cũ có thời gian sinh trưởng dài mà không cho năng suất cao. Nhà nông làm tất bật cả năm mà chẳng đủ gạo ăn”. Người chủ nhiệm mang những trăn trở đó đến gõ cửa các nhà khoa học, những đơn vị chuyên về giống cây trồng để tìm hiểu, đề nghị chuyển giao kỹ thuật.
Sau những chuyến đi, đồng chí Khinh mang về những giống lúa mới có ưu thế về năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu với sâu bệnh, hạn hán thay thế những giống cũ đã thoái hóa. Cùng với cây lúa, Chủ nhiệm Võ Văn Khinh đã định hướng cho xã viên phát huy lợi thế đồng ruộng chiêm trũng để tạo nên những mô hình mới có thu nhập cao như mô hình lúa – cá, lúa – cá – vịt, rau – lúa – lạc… Những mô hình mới này sau đó được nhân rộng ra nhiều địa phương khác và đến nay vẫn là giải pháp hiệu quả để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích tại vựa lúa Lệ Thủy. Không chỉ vậy, Thượng Phong còn là HTX đi đầu trong thực hiện kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông và bến sông ở Lệ Thủy. HTX cũng là đơn vị đầu tiên tại Quảng Bình áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, đảm nhận toàn bộ các khâu dịch vụ cho xã viên.
Mấy năm gần đây, HTX Thượng Phong được Công ty CP nông nghiệp Quảng Bình chọn làm nơi phối hợp sản xuất các giống lúa chất lượng cao. Chủ nhiệm HTX Võ Văn Khinh trở thành “kỹ sư” thực thụ trên cánh đồng. Không chỉ sản xuất lúa giống cho Công ty giống mà Ban quản trị HTX đã đưa những giống lúa mới đó vào sản xuất đại trà. Nhờ đó, nhiều năm qua, Thượng Phong là HTX luôn dẫn đầu về năng suất lúa tại Quảng Bình, bình quân đạt hơn 120 tạ/ha/năm.
Nhắc đến Thượng Phong, người dân Lệ Thủy không chỉ thán phục về kết quả sản xuất mà HTX này còn được biết tới bởi những thành công trong việc dồn điền đổi thửa để tạo nên những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Nhắc lại chuyện này, Chủ nhiệm Võ Văn Khinh chia sẻ: Kể từ lần dồn điền đổi thửa đầu tiên đến nay đã gần 20 năm, dù người nông dân đã bớt nhọc nhằn khi phải canh tác trên nhiều mảnh ruộng nhỏ bé, manh mún nhưng cũng chưa thật thuận lợi để đầu tư lớn cho sản xuất. Muốn đưa máy cày, máy gặt đập liên hợp vào đồng ruộng thì diện tích đó phải đủ lớn, ít bờ vùng, bờ thửa mới làm được.
Lần dồn điền đổi thửa thứ hai tại HTX Thượng Phong do đồng chí Võ Văn Khinh khởi xướng bắt nguồn từ những trăn trở ấy. Ðầu năm 2012, Thượng Phong tạo nên đột phá mới trong dồn điền đổi thửa, đưa số mảnh ruộng từ 5,7 mảnh/hộ, xuống còn 2,7 mảnh/hộ. Nếu không phân tích kỹ thực tế đồng ruộng, không xây dựng bộ tiêu chí hợp lý và bàn bạc công khai dân chủ cùng xã viên thì khó tạo nên sự công bằng khi chia lại ruộng đất. Khi đó khó nhận được sự đồng tình của người dân. Nghĩ vậy nên Chủ nhiệm Võ Văn Khinh đã dành nhiều thời gian để tính toán các phương án và cả cách thuyết phục xã viên thống nhất chia đất trên bản đồ và chia ruộng thực địa. Nhờ xây dựng phương án hợp lý, cách chia có lý có tình nên xã viên đồng thuận cao, việc dồn điền đổi thửa thu được kết quả khả quan. Sau thành công đó của Thượng Phong, ngành nông nghiệp Quảng Bình chọn HTX làm thí điểm cánh đồng mẫu lớn trên diện tích 70 ha trong vụ đông xuân 2012 – 2013. Kết quả năng suất đạt 75 tạ/ha, cao hơn 18 tạ/ha so với năng suất bình quân chung của tỉnh. Từ đó mở ra hướng liên kết làm ăn lớn trên đồng ruộng Thượng Phong.
Làng quê Thượng Phong bên dòng Kiến Giang hiền hòa hôm nào nay đã “thay da đổi thịt”. Nhà cao tầng mọc lên san sát, đường liên thôn, liên xã được bê-tông rộng rãi. Ðiện chiếu sáng ngõ xóm, đường quê. Xã Phong Thủy đang phấn đấu trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Bình trong năm 2013. Ðể có được kết quả quan trọng ấy là nhờ sự chung sức, nỗ lực vượt qua khó khăn của người dân nhưng còn phải kể đến sự sáng tạo dám nghĩ, dám làm của chủ nhiệm Võ Văn Khinh. Trong nhiều năm qua, xã viên luôn tin tưởng, gửi gắm và đồng tình ủng hộ những quyết sách của chủ nhiệm cũng như Ban quản trị HTX đề ra. Chính điều đó đã biến ý tưởng của chủ nhiệm HTX thành những kết quả cụ thể trên đồng ruộng Thượng Phong mà không phải bất cứ HTX nào cũng có được. Năm 2010, HTX Thượng Phong đứng trong tốp 100 HTX điển hình toàn quốc, được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì. Chủ nhiệm HTX Võ Văn Khinh được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
Nhận xét về người cán bộ cơ sở tận tụy với công việc, hết lòng vì xã viên này, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lệ Thủy Ðỗ Trung Tiến cho biết: “Ðồng chí Võ Văn Khinh là người luôn nhạy cảm với cái mới, sáng tạo và tâm huyết với công việc. Những thành công của HTX Thượng Phong nói riêng, xã Phong Thủy nói chung nhiều năm nay có sự đóng góp không nhỏ của người chủ nhiệm năng động đó”.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()