Người chinh phục 22 đỉnh núi cao nhất Việt Nam
Luôn mặc chiếc áo đỏ in hình Quốc kỳ Việt Nam, thích chụp những bức hình phong cảnh đẹp, ấn tượng mỗi khi chinh phục được một đỉnh núi cao ở khắp dải đất hình chữ S; chị là Nguyễn Thị Thủy – một phụ nữ khá nổi tiếng trong cộng đồng những người yêu thích bộ môn trekking (đi bộ đường dài, đi bộ leo núi nhiều ngày).
Chị Nguyễn Thị Thủy trong một hành trình leo núi. |
Ban đầu, chị Thủy đến với bộ môn trekking chỉ nhằm cải thiện sức khỏe, sau đó chị nhận ra ý nghĩa và thông điệp cần truyền tải trong hành trình chiến thắng các nóc nhà của Việt Nam. Hơn ba năm qua, hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn, dẻo dai đứng trên các đỉnh núi luôn là nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ đam mê trekking.
Gặp chị Thủy sau khi vừa kết thúc giải leo núi tỉnh Lai Châu lần thứ nhất năm 2023 (chinh phục đỉnh Tả Liên và giành giải khuyến khích ở nhóm tuổi trên 40), tôi thật sự bất ngờ và ngưỡng mộ trước bảng thống kê hành trình leo núi, vượt thác trong năm 2023 của người phụ nữ này.
Chị chia sẻ, chị tìm đến rồi đam mê chinh phục các đỉnh núi của đất nước một cách rất tự nhiên. Bắt đầu từ đỉnh Nam Kang Ho Tao cao 2.878m ở huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu vào đầu tháng 1, đến Tả Liên Sơn cao 2.996m ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, rồi Tà Xùa cao 2.865m ở huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái…, chị Thủy đã thành công leo lên 20 đỉnh núi và vượt thác trong 12 tháng. Nghĩa là tháng nào các trekker (người leo núi) hay porter (người dẫn đường, mang đồ) cũng có thể bắt gặp chị khi thì ở Lào Cai, khi thì ở Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Lạng Sơn thuộc khu vực phía bắc, lúc ở Nghệ An thuộc miền trung và Đắk Lắk, Kon Tum thuộc Tây Nguyên.
Chị Thủy liệt kê một số nóc nhà của Việt Nam đã in dấu chân mình như: Nam Kang Ho Tao, Tả Liên Sơn, Tà Xùa, Chu Va 12, Tả Chì Nhù, Pu Ta Leng, Sa Mu, Tây Côn Lĩnh, Pù Xai Lai Leng, Lảo Thẩn, Chiêu Lầu Thi, Cú Nhù San, Gia Lan và Chư Yang Sin. Trong đó, thử thách cuối cùng để chị kết thúc cuộc chinh phục 22 đỉnh núi cao nhất trong thời gian hai năm là tại Chư Yang Sin ngày 12/12/2023.
Chị chia sẻ: Chư Yang Sin chỉ cao 2.442m và xếp thứ 20 trong bảng xếp hạng độ cao núi Việt Nam. Tuy vậy, việc hoàn thành trong một ngày không hề dễ dàng với một phụ nữ đã 58 tuổi như chị. Tính cả đường đi và về là 27 km. Xuất phát lúc 6 giờ 15 phút, khi về tới chỗ để xe máy 17 giờ 20 phút; có nghĩa chị đã leo núi liên tục 11 giờ (chỉ nghỉ ăn sáng và ăn trưa). Chưa kể trước đó, chị đã mất 30 giờ ngồi xe ô-tô vượt 1.600 km từ Lào Cai vào Buôn Ma Thuột. Điều ấn tượng nhất là chị được chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp của Đắk Lắk, đặc biệt nhất là thác Dray Nur.
Tính đến ngày 23/3/2023 chị Thủy đã chinh phục hơn 10 ngọn núi cao nhất nước. “Tại vườn cổ tích Putaleng-Lai Châu trong 1,5 ngày nắng đẹp với sự hỗ trợ của cháu A Páo (bản Sì Thâu Chải) và sự cổ vũ của những người bạn đồng hành mới quen, trước vẻ đẹp ma mị của khu rừng nguyên sinh, tôi đã hoàn thành bài thi tốt nghiệp bộ môn leo núi nội địa (trong vòng 15 tháng từ ngày 6/12/2021 đến 23/3/2023). Đúng là vượt qua chính mình là việc đáng để làm nhất!”, chị Thủy tâm sự.
Một lần nữa, tôi lại phải nhờ chị kể tên các đỉnh núi, bắt đầu là Lảo Thẩn, nóc nhà của Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai) với độ cao 2.860m, sau đó là Nhìu Cồ San (Lào Cai) 2.965m, Ngũ Chỉ Sơn (Lào Cai) 2.858m, Fansipan (Lào Cai) 3.143m, Ky Quan San (Lào Cai) 3.046m, Pusilung (Lai Châu) 3.083m, Pờ Ma Lung (Lai Châu) 2.967m, Chung Nhía Vũ (Lai Châu) 2.918m, Lùng Cúng (Yên Bái) 2.913m, Khang Su Văn (Lai Châu) 3.012m, Nam Kang Ho Tao (Lai Châu) 2.878m, Tả Liên Sơn (Lai Châu) 2.996m, Tà Xùa (Yên Bái) 2.865m và cuối cùng là Putaleng 3.049m.
Cộng đồng trekking đã phân ra các cấp độ khó, thách thức của mỗi đỉnh núi. Nhiều trekker đánh giá: Đỉnh Pusilung xếp ở nhóm 1, nhóm 2 có đỉnh Nam Kang Ho Tao và Pờ Ma Lung, nhóm 3 có đỉnh Putaleng và Ky Quan San, nhóm 4 có đỉnh Tà Xùa, Khang Su Văn…
Trên Facebook, tôi đã đọc được những chia sẻ của chị Thủy sau khi chị chinh phục đỉnh Pusilung hồi tháng 10/2022 như sau: “Trong bảng xếp hạng, Pusilung là đỉnh núi chỉ cao thứ 2 sau Fansipan nhưng về độ khó thì xếp thứ nhất tại Việt Nam. Vừa vui mừng vì mình cũng làm được một việc ra gì và này nọ thì anh em porter lại bảo bên Nam Kang Ho Tao còn ngán hơn cô ạ. Giờ họ xếp lại thì Nam Kang Ho Tao khó nhất, Pusilung chỉ thứ 2. Đành chờ có… lương lại lên đường mới so sánh được. Còn chuyến này chạm được vào đỉnh Pusilung cứ tự phục mình cái đã…”.
Sống ở Lào Cai, nơi có nhiều ngọn núi cao nhất Việt Nam (đặc biệt là đỉnh Fansipan), đây là lợi thế rất lớn để những trekker như chị Thủy tập luyện và leo núi hằng ngày. Núi rừng Lào Cai nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung đã tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo ở phía bắc và thu hút đông du khách tham quan, trải nghiệm những môn thể thao mạo hiểm như trekking, nhảy dù…
Chính từ việc thấy mọi người leo núi, chụp những bức hình rất đẹp trong hành trình, chị Thủy đã thích và rủ một số người bạn thử chinh phục đỉnh Lảo Thẩn vào tháng 9/2020. Nhóm tám người của chị đã chạm tay vào chóp đỉnh núi cao 2.860m ngay trong ngày với trải nghiệm không dễ dàng cho lần đầu tiên.
Chị Thủy tâm sự, do chưa tập luyện, chưa có kinh nghiệm, lại leo núi từ 9 giờ và xuống núi lúc 20 giờ, nhiều người kiệt sức, chân tay rã rời. Thậm chí, có người về nhà, không lên được cầu thang. Bản thân chị cũng tự hứa sẽ không bao giờ lặp lại việc ngu ngốc này nữa, khi chính chị từng học tại Trường đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên) và hiểu rõ những tác động không tốt đến cơ thể khi không tập luyện trước. Thế nhưng, cũng chính vì là bác sĩ, chị Thủy hiểu: Vì ngồi văn phòng nhiều, ít luyện tập nên sức khỏe giảm sút; nếu muốn vận động mạnh hơn, cần có thời gian để thích nghi, điều chỉnh.
Vậy là chị bắt đầu rèn luyện, đi bộ, leo núi hằng ngày quanh đồi Nhạc Sơn ở thành phố Lào Cai. Một năm sau, chị Thủy lại rủ những người bạn tiếp tục leo đỉnh Sa Mu (U Bò) ở Sơn La. Chị đã vượt lên chính mình, tự khám phá giới hạn bản thân để tiếp tục chinh phục hàng chục đỉnh núi trong ba năm qua. “Nghiện leo núi là có thật, chỉ khác là môn này càng nghiện càng vui nên không cần phải cai…”, chị Thủy hóm hỉnh chia sẻ.
Đã có thời điểm cân nặng của chị lên tới 75 kg. Bây giờ chị duy trì cân nặng quanh mốc 57-58 kg, chị có thể đi bộ từ sáng đến tối, leo không nhanh nhưng bền bỉ, không cần nghỉ. Với chị, mỗi lần leo núi là một lần thanh lọc cơ thể. Chị Thủy thừa nhận, đến với núi rừng, chị cảm thấy có nhiều năng lượng tích cực, tác động các giác quan của mình. Bởi đi bộ, leo núi không chỉ rèn luyện xương, khớp mà còn giúp chị hít thở không khí trong lành.
Càng vào sâu trong rừng, leo lên những ngọn núi cao nhất, được nghe chim hót, ngắm cây rừng, hòa mình vào thiên nhiên, chị thấy thiên nhiên Việt Nam thật tươi đẹp. Chị cảm thấy tự hào về đất nước mình. Chứng kiến một cái cây bị chặt, cánh rừng bị phá, chị thấy rất xót xa. Và kinh nghiệm của một trekker, chị hiểu: Nếu chúng ta không có ý thức gìn giữ hệ sinh thái núi rừng của mình, chúng ta sẽ không còn gì để khám phá, để chiêm ngưỡng.
Vì thế, chị Thủy chia sẻ: Cộng đồng trekking (trong đó có những trekker và porter) và chính quyền cần quảng bá mạnh du lịch địa phương. Các cơ quan chức năng cần tuyên truyền để mọi người hiểu rõ việc gìn giữ, bảo vệ môi trường, không phá rừng… quan trọng, ý nghĩa như thế nào.
Thời điểm này trong năm, núi rừng Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu hay Hà Giang đang rất đẹp. Vì thế, dù mọi mục tiêu chinh phục các nóc nhà của Việt Nam đã hoàn thành, chị Thủy vẫn muốn đi tiếp để được ngắm nhìn những đỉnh núi đẹp khác. Nói như chị Thủy: “Trong mỗi hành trình, tôi chỉ lấy đi những bức ảnh, để lại những dấu chân”.
Nguồn: https://nhandan.vn/nguoi-chinh-phuc-22-dinh-nui-cao-nhat-viet-nam-post794139.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()