Người chỉ huy đầu tiên của Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn
- Ngày 23/1/1941, Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn - đơn vị tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam chính thức thành lập tại khu rừng Khuổi Nọi (thôn Vũ Lâm, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn). Đồng chí Lương Văn Tri, Uỷ viên Ban Thường vụ xứ uỷ Bắc Kỳ vinh dự trở thành Đội trưởng đầu tiên của đội, Chỉ huy trưởng khu căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai. Là cán bộ chính trị, quân sự tài năng của Đảng, đồng chí đã có nhiều đóng góp, cống hiến lớn lao trong sự hình thành và phát triển của Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn (về sau được gọi là Cứu quốc quân I).
Đồng chí Lương Văn Tri tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Tháng 1/1928, đồng chí cùng đồng chí Hoàng Văn Thụ sang Long Châu (Trung Quốc) hoạt động và trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn.
Cuối năm 1931, đồng chí đã được tổ chức lựa chọn đưa đi đào tạo tại trường Quân sự Hoàng Phố (Quảng Châu, Trung Quốc) để phục vụ cách mạng Việt Nam theo chủ trương của Nguyễn Ái Quốc. Tháng 5/1936, đồng chí trở về nước hoạt động, cùng với đồng chí Hoàng Văn Thụ làm công tác phát triển Đảng ở Lạng Sơn. Đến tháng 11/1939, đồng chí được Trung ương Đảng chỉ định tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ, là Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy phụ trách công tác quân sự.
Tháng 11/1940, sau một thời gian trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở Bắc Sơn, thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng: sáng lập đội du kích và xây dựng căn cứ du kích Bắc Sơn, đồng chí Trần Đăng Ninh (Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ) trở về xuôi để báo cáo Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ và xin chỉ thị về phong trào cách mạng Bắc Sơn. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 họp tại Đình Bảng (Bắc Ninh) từ ngày 6 đến ngày 9/11/1940, theo đề xuất của đồng chí Trần Đăng Ninh, Trung ương đã nhất trí duy trì, phát triển đội du kích Bắc Sơn và căn cứ của đội du kích, tiến tới xây dựng căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai.
Là người con ưu tú của quê hương Xứ Lạng có nhiều kinh nghiệm hoạt động tại địa bàn, lại là một cán bộ chính trị, quân sự vững vàng, có kiến thức sâu rộng được đào tạo bài bản, đồng chí Lương Văn Tri được Trung ương Đảng tín nhiệm cử làm Chỉ huy trưởng đội Du kích Bắc Sơn - tiếp nối công việc của đồng chí Trần Đăng Ninh trước đó. Đồng thời thực hiện triển khai kế hoạch của Trung ương xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai làm căn cứ địa của cả nước.
Tháng Giêng năm 1941, đồng chí Lương Văn Tri đến Bắc Sơn để thực hiện nhiệm vụ mới của mình. Tại đây, đồng chí đã mau chóng tập hợp, củng cố lại đội du kích, mua sắm, trang bị thêm vũ khí, tổ chức luyện tập theo kỹ chiến thuật đánh du kích cho các đội viên. Đồng thời phát triển mạnh lực lượng tự vệ để tạo nguồn bổ sung cho đội du kích.
Bên cạnh đó, đồng chí đã chỉ đạo mở một số lớp huấn luyện quân sự, chính trị tại Khuổi Nọi cho Đội Du kích Bắc Sơn và các học viên được tuyển chọn từ các xã của châu Bắc Sơn và cán bộ các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh. Thực hiện nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai, đội viên du kích Bắc Sơn đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn quần chúng đấu tranh; bí mật chắp nối, gây dựng lại các cơ sở Đảng và quần chúng để khôi phục hệ thống tổ chức Đảng. Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào cách mạng ở Bắc Sơn sau khi bị khủng bố đã được khôi phục, có sự liên hệ chặt chẽ với phong trào cách mạng Võ Nhai và được phong trào cách mạng Võ Nhai hỗ trợ tích cực.
Tháng 2/1941, đoàn cán bộ cao cấp của Đảng (gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh, Hoàng Quốc Việt...) đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 ở Pác Bó (Cao Bằng). Qua Bắc Sơn, đoàn đã tới căn cứ của Ban chỉ huy đội du kích ở Khuổi Nọi để nắm tình hình và chỉ đạo phong trào cách mạng của địa phương. Tại đây, ngày 14/2/1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ (Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ) đã thông báo quyết định của Trung ương về việc đổi tên Đội Du kích Bắc Sơn thành Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn.
Ngày 23/2/1941, Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn chính thức được thành lập tại khu rừng Khuổi Nọi (thôn Vũ Lâm, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn). Đội gồm 32 người, được biên chế thành 3 tiểu đội (nên còn được gọi là Trung đội Cứu quốc quân). Đồng chí Lương Văn Tri là Chỉ huy trưởng, đồng chí Chu Văn Tấn là Chỉ huy phó, căn cứ của đội đặt ở khu rừng Khuổi Nọi.
Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn ra đời là một sự kiện trọng đại đầy ý nghĩa trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đó là đội quân vũ trang đầu tiên do Trung ương Đảng trực tiếp tổ chức và lãnh đạo để chuẩn bị đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới: khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lương Văn Tri, ngay sau khi thành lập, chiến sĩ Cứu quốc quân Bắc Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa đường, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho đoàn cán bộ cao cấp của Trung ương Đảng đi dự Hội nghị Trung ương 8 ở Pác Bó (Cao Bằng) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập.
Trong thời gian đó, thực hiện nhiệm vụ của Trung ương Đảng do đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp truyền đạt, đồng chí Lương Văn Tri đã tích cực chỉ đạo phát triển mạnh mẽ các tổ chức quần chúng và lực lượng tự vệ; củng cố, mở rộng địa bàn hoạt động của Cứu quốc quân, tăng cường tiễu phỉ, trừ gian. Đồng thời tích cực luyện tập quân sự ở Bản Ít (xã Vũ Lễ).
Để chuẩn bị đón các đồng chí cán bộ Trung ương đi họp trở về, Cứu quốc quân đã vận động Nhân dân cùng đẵn gỗ, cắt cỏ gianh, xây dựng những chiếc lán bí mật ở Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ), Lân Táy (xã Hữu Vĩnh), tích trữ lương thực...
Với kiến thức sâu rộng về chính trị, quân sự học được ở trường Hoàng Phố và bằng những kinh nghiệm dày dạn qua thực tiễn, đồng chí Lương Văn Tri đã thực hiện hiệu quả chủ trương của Trung ương Đảng: duy trì, phát triển Đội Du kích Bắc Sơn trở thành một trung đội vũ trang gắn liền với việc xây dựng khu du kích của tỉnh trở thành căn cứ địa cách mạng của cả nước. Các lớp huấn luyện chính trị, quân sự do đồng chí Lương Văn Tri phụ trách, mở tại căn cứ Khuổi Nọi đã đào tạo được nhiều cán bộ cho phong trào cách mạng của các tỉnh: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang... Vùng rừng núi hiểm trở có địa thế nối liền nhau thuộc các xã Vũ Lăng, Vũ Lễ, Hữu Vĩnh, Ngư Viễn (Bắc Sơn) và Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá (Võ Nhai) đã trở thành khu căn cứ địa vững mạnh của du kích với trung tâm là Khuổi Nọi.
Ngày 1/5/1941, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, lễ ra mắt Đội Cứu quốc quân đã được tổ chức trọng thể trước đông đảo quần chúng cách mạng tại Khuổi Nọi. Đồng chí Lương Văn Tri đã lên phát biểu, tuyên bố thành lập Cứu quốc quân Bắc Sơn và đọc 5 lời thề thiêng liêng của Cứu quốc quân. Đồng thời hứa sẽ quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Đảng và Nhân dân giao phó.
Sau Hội nghị Trung ương 8 ở Cao Bằng (5/1941), Ban Chỉ huy Cứu quốc quân Bắc Sơn tiếp tục được củng cố, kiện toàn để phù hợp với yêu cầu mới của cách mạng. Tháng 6/1941, đồng chí Phùng Chí Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng được chỉ định làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Lương Văn Tri là chính trị viên của Cứu Quốc quân Bắc Sơn. Ngày 28/8/1941, khi đang cùng các chiến sĩ Cứu quốc quân rút khỏi căn cứ Khuổi Nọi để tránh tổn thất do địch càn quét, khủng bố, đồng chí Lương Văn Tri đã bị địch bắt tại Ngân Sơn (Bắc Kạn) trong khi bị thương. Ngày 29/9/1941, đồng chí đã hy sinh tại nhà tù Cao Bằng.
Từ khi đơn vị Cứu quốc quân do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy được thành lập tại Khuôn Mánh (Tràng Xá, Võ Nhai) vào ngày 15/9/1941, tự nhận là Đệ nhị Trung đội Cứu quốc quân và suy tôn Cứu quốc quân Bắc Sơn là Đệ nhất Trung đội Cứu quốc quân thì Cứu quốc quân Bắc Sơn được gọi là Cứu quốc quân I.
Ngày nay, nhiều địa điểm ghi dấu hoạt động của Đội du kích Bắc Sơn và Cứu Quốc quân I thời kỳ đồng chí Lương Văn Tri phụ trách đã trở thành di tích lịch sử cách mạng. Tiêu biểu nhất là căn cứ Khuổi Nọi, nơi đây đã phục dựng các chốt canh gác, lán trại của đội viên, lán chỉ huy nhằm tái hiện không gian của một căn cứ du kích năm xưa.
Khuổi Nọi cùng hang Mỏ Rẹ (thôn Nam Hương 2, xã Tân Hương), Lân Táy - Mỏ Pia (thôn Mỏ Pia, xã Tân Lập) đã trở thành các điểm thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Bắc Sơn từ năm 2016. Bãi tập Bản Ít (thôn Thống Nhất, xã Vũ Lễ), nơi các chiến sĩ Cứu quốc quân tập luyện năm xưa cũng trở thành di tích lịch sử cách mạng...
Tại bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn vẫn còn giữ được rất nhiều tài liệu, hiện vật quý liên quan đến hoạt động của du kích và đội viên Cứu Quốc quân Bắc Sơn thời kỳ này. Đó là những kỷ vật, vật dụng đã hình thành trong quá trình công tác, sinh hoạt và chiến đấu của các chiến sĩ Cứu quốc quân.
Năm tháng trôi qua, những kỷ vật đơn sơ đó vẫn luôn chứa đầy cảm xúc, gợi nhớ về người chỉ huy tài năng đầu tiên của Cứu quốc quân Bắc Sơn cùng những chiến sĩ du kích kiên cường, quả cảm trong chiến đấu, thắm tình đồng đội trong học tập, công tác, sinh hoạt... Những đóng góp, cống hiến lớn lao của đồng chí Lương Văn Tri trong quá trình hình thành và phát triển của Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn mãi là niềm tự hào về truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng của quê hương Lạng Sơn.
Ý kiến ()